Tóm tắt
- Vàng miếng SJC đồng loạt bật tăng mạnh từ 1-2 triệu đồng/lượng sau khi mất 1 triệu đến hơn 2 triệu đồng/lượng đầu giờ sáng.
- Chênh lệch mua – bán hiện ở ngưỡng 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng, giảm mạnh từ mức 1,5-1,8 triệu đồng đầu giờ sáng.
- Vàng thế giới dao động quanh mức 1.985 USD sau khi lùi khỏi mức 1.900 USD, giá sau quy đổi là 59,57 triệu đồng, thấp hơn vàng miếng 10,1 triệu đồng.
- Diễn biến “bất thường” của giá vàng miếng có liên quan tới Thông tư 12?
Nội dung
Đầu giờ sáng nay, giá vàng miếng bất ngờ sụt giảm mạnh về dưới 68,7 triệu đồng/lượng (giá bán) – mức thấp nhất kể từ ngày 8/9/2023. Rồi lại bất ngờ hồi phục mạnh và hiện đã tăng lên gần mốc 70 triệu đồng với đà tăng khoảng 1-2 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, lúc 14h, ngày 6/11, SJC tại Hà Nội niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 68,50 – 69,72 triệu đồng/lượng, tăng 1,5 triệu đồng/lượng chiều mua, 1,2 triệu đồng/lượng chiều bán so với đầu giờ sáng cùng ngày.
BTMC, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 68,55 – 69,65 triệu đồng/lượng, mua vào tăng 1,53 triệu đồng/lượng, bán ra tăng 1,2 triệu đồng/lượng.
DOJI Hà Nội, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 68,20 – 69,70 triệu đồng/lượng, giá mua và bán cùng tăng 1,2 triệu đồng/lượng.
VietnamGold, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 68,85 – 69,65 triệu đồng/lượng, tăng 2 triệu đồng/lượng chiều mua và 1 triệu đồng/lượng chiều bán.
Cùng thời điểm trên, giá vàng thế giới giao dịch tại ngưỡng 1.984 USD/ounce, giảm gần 10 USD/ounce so với giá chốt cuối tuần trước. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (24.620 VND/USD) vàng thế giới đứng tại 59,57 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), thấp hơn vàng miếng 10,1 triệu đồng. Cuối tuần trước, giá vàng thế giới sau quy đổi đứng tại 59,76 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng miếng 10,3 triệu đồng.
Trên thị trường quốc tế, nhu cầu phòng ngừa rủi ro đang giảm bớt khi chiến tranh Israel – Hamas ít có dấu hiệu lan rộng. Giới phân tích cho rằng đến hiện tại, bất ổn địa chính trị này đã được phản ánh hết vào giá vàng.
Ngoài ra, giá vàng cũng được cho là đã “hấp thụ” đầy đủ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không tăng thêm lãi suất trong năm nay.
Bởi vậy, giá kim loại quý này đang cần những chất xúc tác mới để có thể tăng cao hơn. Việc giá vàng vượt 2.000 USD trong tuần trước nhưng không duy trì được mốc giá này và kết thúc tuần giao dịch trong trạng thái hầu như đi ngang so với cuối tuần trước là một dấu hiệu cho thấy xung lực tăng đang thiếu.
“Giá vàng đang mất dần xung lực tăng có được từ khủng hoảng địa chính trị”, nhà phân tích Christopher Vecchio của công ty DailyFX.com nói với trang Kitco News. Ông Vecchio nói rằng mặc dù một sự kiện địa chính trị như cuộc chiến tranh ở dải Gaza có thể mang lại động lực tăng giá ngắn hạn cho vàng, nhưng ít có tác dụng thu hút các nhà đầu tư dài hạn. Ông nói một đợt tăng giá vàng dựa trên một sự kiện địa chính trị như vậy chỉ có thể duy trì được nếu căng thẳng liên tục leo thang.
“Biến động lớn của giá vàng về cơ bản đã kết thúc. Nhưng tôi cũng không muốn bán khống vàng vì đồng USD sẽ còn suy yếu và lợi suất trái phiếu giảm sẽ mang tới lực hỗ trợ cho vàng. Tôi cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng, nhưng tốc độ tăng sẽ rất chậm”, ông Vecchio nhận định.
Nhiều người “thoát hàng” sau khi NHNN ban hành Thông tư số 12
Nhiều người cho rằng vàng SJC đang bị chốt lời mạnh, thậm chí bị bán tháo sau khi vượt các mốc 70 và 71 triệu đồng/lượng. Lý giải về diễn biến này, các chuyên gia và công ty vàng cho biết có thể các nhà đầu tư và cả người đang cất giữ vàng SJC lo ngại sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 12/2023/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc triển khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 12/2023/TT-NHNN ngày 12/10/2023 sửa đổi Thông tư 06/2013/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước, có hiệu lực từ ngày 27/11/2023.
Thông tư số 12/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Điều 14 quy định về thông báo kết quả giao dịch mua, bán vàng miếng. Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thông báo bằng văn bản cho Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Tài chính – Kế toán, Sở Giao dịch và Cục Phát hành và Kho quỹ về kết quả giao dịch mua, bán vàng miếng với từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp sau khi ký xác nhận giao dịch.
Thông tư cũng nêu rõ trách nhiệm của Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước làm đầu mối phối hợp với Vụ Quản lý ngoại hối trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định tạm ngừng giao dịch, hủy quan hệ mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp theo quy định; thông báo cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc tạm ngừng giao dịch, hủy quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng.
Cùng với đó, đầu mối phối hợp với Sở Giao dịch thực hiện nghiệp vụ thanh toán mua, bán vàng miếng, thông báo bằng văn bản cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp về việc không hoàn trả tiền đặt cọc…
Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng, có thể những người “ôm” vàng SJC trong thời gian qua lo sợ khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp thị trường, lúc đó giá vàng sẽ giảm mạnh nên đã nhanh tay bán ra, đẩy giá kim loại quý này giảm sâu.
Tuy nhiên, theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho hay, rất nhiều người đã hiểu sai về Thông tư 12 của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến vàng SJC và bán ra vàng miếng này với lo ngại giá vàng sẽ giảm mạnh.
“Người sở hữu vàng SJC vẫn giao dịch, mua bán ở những ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng có giấy phép bình thường. Từ 27/11, khi thông tư 12 có hiệu lực chỉ thông qua việc bổ sung Cục Quản lý dự trữ ngoại hối tham gia vào quy trình giao dịch mua, bán vàng miếng và Ngân hàng Nhà nước chỉ siết chặt hơn hoạt động mua bán vàng miếng từ các tổ chức, tín dụng đã được cấp phép theo đúng quy trình trên, việc này không ảnh hưởng nhiều đến cá nhân mua – bán vàng miếng SJC”, ông Trần Duy Phương nói.
Giavang.net