Tóm tắt
- Vàng thế giới mất 3,4%, về vùng thấp nhất kể từ tháng 4/2020.
- Cùng diễn biến tiêu cực, vàng nhẫn 9999 “bốc hơi” gần 700.000 đồng.
- SJC gia tăng khoảng cách với vàng thế giới thêm 700.000 đồng.
Nội dung
Vàng miếng SJC
Chốt phiên cuối tuần (17/9) tại thương hiệu SJC, giá vàng miếng niêm yết tại mốc 65,85 – 66,65 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 300.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần (12/9).
Bảo Tín Minh Châu, niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 65,87 – 66,63 triệu đồng/lượng, mua vào giảm 290.000 đồng/lượng, bán ra giảm 260.000 đồng/lượng so với giá mở cửa phiên đầu tuần (12/9).
Trở lại với xu hướng tăng trong phiên cuối tuần nhưng tính chung cả tuần, SJC vẫn giảm 300.000 đồng/lượng. Với mức chênh lệch giữa giá mua và bán ở mức 800.000 đồng, người mua lỗ 1,1 triệu đồng cho mỗi lượng SJC.
Do biên độ giảm hẹp hơn so với giá vàng thế giới, nên chênh lệch giữa SJC vàn giá vàng thế giới vốn đã rất lớn lại tiếp tục gia tăng. Hiện tại, mức chênh lệch đang ở ngưỡng 18,6 triệu đồng, tăng 700.000 đồng so với mức 17,9 triệu đồng cuối tuần trước. Trong tuần, có lúc chênh lệch đã tăng lên 18,9 triệu đồng.
Theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, giá vàng SJC tiếp tục cách biệt lớn với giá thế giới trong bối cảnh thị trường thiếu hụt nguồn cung vàng miếng nên nhu cầu giao dịch dù chỉ biến động nhẹ cũng ảnh hưởng đến diễn biến giá. Cụ thể, trong vài ngày qua, khi giá vàng SJC giảm về vùng quanh 66,6 triệu đồng/lượng, người mua tăng nhưng lại không có người bán.
“Rất nhiều người đã mua vàng SJC ở vùng giá cao trên 67 triệu đồng/lượng, thậm chí cao hơn 68-69 triệu đồng/lượng nên khi giá vàng miếng giảm, họ không bán ra. Ngược lại, giá vàng SJC giảm đã kích thích nhu cầu mua vào của thị trường, dù lực mua không nhiều nhưng không ai bán cũng khiến giá khó giảm mạnh như đà lao dốc của giá vàng thế giới”, ông Trần Duy Phương phân tích.
Vàng Nhẫn 9999
Cùng thời điểm trên, nhẫn trơn 9999 tại thương hiệu SJC, niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 50,40 – 51,30 triệu đồng/lượng, mua vào và bán ra cùng giảm 650.000 đồng/lượng so với giá mở cửa phiên đầu tuần (12/9).
Diễn biến tiêu cực của thị trường vàng thế giới đã “phủ bóng” lên thị trường vàng trong nước, nhất là đối với mặt hàng nhẫn trơn 9999. Trong khi vàng miếng SJC chỉ mất 300.000 đồng/lượng thì nhẫn 9999 lại mất tới 650.000 đồng/lượng. Nếu cộng cả chênh lệch mua – bán, nhà đầu tư mất tới 1,55 triệu đồng cho mỗi lượng vàng nhẫn 9999 khi mua tại thời điểm đầu tuần và bán ra vào thời điểm cuối tuần.
Dù vẫn bám sát theo biến động của giá vàng thế giới, nhưng vàng nhẫn vẫn có xu hướng gia tăng chênh lệch với vàng thế giới từ 2,9 triệu đồng cuối tuần trước, lên 3,2 triệu đồng cuối tuần này. Bên cạnh đó, do giảm mạnh hơn nên vàng nhẫn cũng tăng khoảng cách với vàng miếng SJC lên 15,4 triệu đồng, từ 15 triệu đồng cuối tuần trước.
Với mức chênh lệch giá vàng SJC quá cao so với giá thế giới, các chuyên gia khuyến cáo người dân nếu có nhu cầu mua vàng nên chọn vàng nhẫn để bớt rủi ro hơn.
Giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới chốt phiên cuối tuần (16/9) đứng ở ngưỡng 1.675 USD/ounce, giảm 2,4% so với giá chốt cuối tuần trước. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.795 VND/USD) vàng thế giới giao dịch tại mốc 48,04 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Cuối tuần trước, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại 49,04 triệu đồng/lượng.
USD đã tăng giá khá mạnh trong tuần này do kỳ vọng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục nâng lãi suất với bước nhảy lớn để chống lạm phát. Nếu tính cả tuần, Dollar Index tăng gần 0,6%. Trong tuần, có lúc chỉ số đạt gần 111 điểm, mức cao nhất trong 20 năm.
Cả xu hướng tăng giá của USD và kỳ vọng lãi suất Fed đều gây áp lực giảm giá lên vàng, khiến kim loại quý này giảm 2,5% trong tuần và có lúc tụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020.
“Đồng USD giảm giá trong phiên ngày thứ Sáu đã kích thích một số nhà đầu tư mua vàng”, chiến lược gia trưởng Philip Streible của Blue Line Futures nhận định. Tuy nhiên, ông Streible nhấn mạnh rằng vàng đã không phát huy được vai trò kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ ngày càng lớn.
Diễn biến giá vàng tuần tới sẽ tuỳ thuộc nhiều vào cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed, dự kiến diễn ra vào ngày thứ Ba và thứ Tư. Thị trường đang đặt cược khả năng 75% Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong lần họp này và khả năng 25% bước nhảy lãi suất tròn 1 điểm phần trăm sẽ được áp dụng.
“Có vẻ như nỗi hoảng sợ đột ngột về bước nhảy lãi suất 1 điểm phần trăm có thể được Fed sử dụng sau báo cáo lạm phát nóng hơn dự báo đã khiến giá vàng sụt mạnh tuần này”, nhà giao dịch Tai Wong của Heraeus Precious Metals nhận định.
Giavang.net