(GVNET) – Audio
Các tin tức kinh tế đáng chú ý
- Mỹ: Đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi tháng 1 giảm 0,3% hàng tháng – trái ngược dự báo tăng 0,2%.
- Mỹ: Đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền tháng 1 giảm 6,1% – tệ hơn dự báo giảm 4,9%.
- Mỹ: Chỉ số giá nhà tháng 12 tăng 0,1% hàng tháng và tăng 6,6% hàng năm.
- Mỹ: Chỉ số niềm tin tiêu dùng của CB tháng 2 đạt 106,7 – thấp hơn nhiều dự báo là 114,8.
- Mỹ: Atlanta Fed GDP quý I đạt 3,2% – cao hơn dự báo là 2,9%.
Phố Wall diễn biến trái chiều
Các chỉ số chính trên phố Wall diễn biến giằng co trong ngày thứ Ba khi nhà đầu tư thận trọng trước dữ liệu lạm phát PCE. Cả 3 chỉ số chỉ dao động trong biên độ tối đa 0,5% so với giá tham chiếu.
Kết phiên giao dịch thứ Ba 27/2, chỉ số S&P 500 tiến 0,17% lên 5.078,18 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,37% lên 16.035,30 điểm. Trong khi, chỉ số Dow Jones mất 96,82 điểm (tương đương 0,25%) còn 38.972,41 điểm.
Có tới 8/11 nhóm ngành S&P 500 mang sắc xanh trong ngày 27/2 nhưng đa số đều tăng không đáng kể, chỉ cổ phiếu Tiện ích và Viễn thông là có được đà tăng rõ rệt.
Cổ phiếu Macy’s đi lên 3,4% sau khi gã khổng lồ bán lẻ thông báo đóng cửa khoảng 150 cửa hàng đang gặp khó khăn do doanh thu sụt giảm trong quý trước. Trong khi đó, cổ phiếu của Lowe’s tăng 1,7% nhờ công bố lợi nhuận vượt kỳ vọng.
Cổ phiếu của Zoom Video và Hims & Hers Health lần lượt tăng 8% và 31% sau khi hai công ty báo cáo lợi nhuận vượt mong đợi của Phố Wall.
Tỷ giá
Chỉ số đồng đô la DXY vẫn ổn định quanh mức 103,8 vào thứ Ba khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu quan trọng được công bố, điều này có thể ảnh hưởng đến các quyết định chính sách sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang. Báo cáo hôm thứ Năm về chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân, thước đo lạm phát chính của Fed, rất được mong đợi.
Đồng yên Nhật tăng hơn 0,2% so với đồng USD, với cặp USD về sát mốc 150, sau những con số lạm phát đáng khích lệ đã làm tăng kỳ vọng Ngân hàng Nhật Bản sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào cuối năm nay.
Trong tháng 1, đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền bất ngờ giảm 6,1%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020, trong khi niềm tin của người tiêu dùng cũng sụt giảm.
Dự báo thị trường cho thấy lãi suất sẽ không thay đổi trong tháng 3 và tháng 5, với suy đoán về khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 6.
Tăng gần 2%, dầu WTI lên sát mốc 79USD
Giá dầu tăng hơn 1 USD/thùng, khi OPEC+ đang xem xét gia hạn việc cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện vào quý 2/2024 để hỗ trợ giá.
Chốt phiên giao dịch ngày 27/2, dầu thô Brent tăng 1,12 USD tương đương 1,4% lên 83,65 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 1,29 USD tương đương 1,7% lên 78,87 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều tăng hơn 1% trong phiên trước đó, sau khi giảm 2-3% trong tuần trước đó.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh dẫn đầu là Nga, được gọi là OPEC+ đã đồng ý vào tháng 11/2023, về việc cắt giảm tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày (bpd) trong quý 1/2024, dẫn đầu là Saudi Arabia.
Giá vàng đi ngang
Sự suy yếu của đồng USD hỗ trợ các hàng hóa định giá bằng đồng tiền này, tuy nhiên, vàng lại chịu áp lực bán từ quỹ lớn nên diễn biến của thị trường là đi ngang.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/02, hợp đồng vàng giao ngay gần như không thay đổi ở mức $2031,77/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,3% lên $2044,10/oz.
Quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust trở lại trạng thái bán ròng. Lượng nắm giữ kim loại quý của quỹ ở mức 826,94 tấn (-0,87 tấn).
Kết luận
Các số liệu kinh tế Mỹ trái chiều khiến nhà đầu tư khó đưa ra những đánh giá chính xác về sức khỏe nền kinh tế cùng định hướng chính sách tiền tệ của Fed. Nhìn chung, thị trường vẫn trong trạng thái giằng co khi nhà đầu tư chờ tin lạm phát ưa thích của Fed – PCE, thể hiện bởi sự lình xình của vàng – chứng khoán. Hiện tại, thị trường cần quan tâm hơn tới đồng yên khi cặp USD/JPY đang ở mức đỉnh mọi thời đại và có khả năng đảo chiều sau dữ liệu lạm phát cao – ủng hộ BOJ ngừng chính sách lãi suất âm.
Giavang.net