ĐIỂM TIN KINH TẾ NỔI BẬT phiên 14/07
- Châu Âu: Cán cân mậu dịch tháng 5 ghi nhận sự thâm hụt 0,3 tỷ EUR, tốt hơn nhiều dự báo là thâm hút 7,6 tỷ EUR.
- Mỹ: Chỉ số giá xuất khẩu tháng 6 giảm 0,9% hàng tháng và giảm 12% hàng năm, tệ hơn dự báo giảm 0,2% và giảm 11,1% tương ứng.
- Mỹ: Chỉ số giá nhập khẩu tháng 6 giảm 0,2% hàng tháng và giảm 6,1% hàng năm, tệ hơn dự báo giảm 0,1% và giảm 3,6% tương ứng.
- Canada: Doanh số sản xuất tháng 5 tăng 1,2% hàng tháng – tốt hơn dự báo là 0,8%.
- Mỹ: Kỳ vọng lạm phát 5 năm của Michigan tháng 7 sơ bộ ở mức 3,1%.
- Mỹ: Kỳ vọng tiêu dùng của Michigan tháng 7 sơ bộ ở mức 69,4 – cao hơn dự báo là 61,8.
- Mỹ: Tâm lí tiêu dùng của Michigan tháng 7 sơ bộ ở mức 72,6 – cao hơn dự báo là 65,5.
- Mỹ: Chỉ số tình trạng hiện tại của Michigan tháng 7 sơ bộ ở mức 77,5 – cao hơn dự báo là 70,4.
- Mỹ: Kỳ vọng lạm phát của Michigan tháng 7 sơ bộ ở mức 3,4% – cao hơn dự báo là 3,3%.
Áp lực chốt lời quá nhỏ bé so với đà tăng của phố Wall tuần này
Chứng khoán Mỹ mở phiên giao dịch cuối tuần trong sắc xanh nhưng áp lực chốt lời dần xuất hiện sau đà tăng nóng thời gian qua. Tới cuối phiên, chỉ duy nhất Dow Jones giữ được sắc xanh.
Cụ thể, chốt phiên 14/07, chỉ số Dow Jones tiến 113,89 điểm (tương đương 0,33%) lên 34.509,03 điểm và ghi nhận 5 phiên tăng liên tiếp. Trong khi, chỉ số S&P 500 hạ 0,1% xuống 4.505,42 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 0,18% còn 14.113,70 điểm. Cả S&P 500 và Nasdaq Composite đều chạm mức cao nhất trong phiên kể từ tháng 4/2022.
Cổ phiếu gã khổng lồ ngành bảo hiểm UnitedHealth vọt hơn 7% sau khi công bố doanh thu và lợi nhuận được điều chỉnh tốt hơn kỳ vọng. Cổ phiếu JPMorgan Chase tiến 0,6% sau khi công bố lợi nhuận quý II vượt kỳ vọng. Ngược lại, cổ phiếu ngân hàng Wells Fargo mất 0,3% dù ngân hàng này báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn mong đợi.
Áp lực chốt lời cuối tuần diễn ra trên khá nhiều nhóm ngành, tập trung vào cổ phiếu năng lượng. Ở chiều tăng, cổ phiếu Y tế dẫn đầu xu hướng tăng, cộng 1,5%.
Tính theo tuần, chỉ số Dow Jones đã ghi nhận kết quả tốt nhất kể từ tháng 3, tăng 2,3%. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt có mức tăng là 2,4% và 3,3%.
Tỷ giá
Đóng phiên 14/7, Chỉ số DXY hồi phục 0,18% lên 99,959 sau khi giảm liên tục 6 phiên về đáy hơn 1 năm qua.
- Cặp EUR/USD đi ngang (-0,01%) tại 1,12251 sau khi chạm đỉnh 17 tháng.
- Cặp GBP/USD mất 0,33%, còn 1,30918 sau 6 phiên tăng mạnh lên cao nhất từ tháng 3/2022.
- Cặp USD/JPY tăng trở lại 0,46% đóng phiên ở 138,681 sau khi từng về mức thấp 137,235.
Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm đóng phiên 14/07 tại 3,834% (+1,72% trong ngày).
USD hồi phục khiến Nhà đầu tư chốt lời dầu thô
Dù rằng gặp áp lực chốt lời trong phiên cuối tuần, dầu thô vẫn có tuần tăng giá khá tốt.
Kết thúc phiên thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent lùi 1,49 USD (tương đương 1,8%) xuống 79,87 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 1,47 USD (tương đương 1,9%) còn 75,42 USD/thùng.
Giá dầu tăng gần 2% trên cơ sở hàng tuần, sau khi gián đoạn nguồn cung ở Libya và Nigeria làm gia tăng lo ngại rằng thị trường sẽ thắt chặt trong những tháng tới.
Thị trường dầu đã thấy dấu hiệu cho thấy những nỗ lực hỗ trợ giá của Saudi Arabia (tăng giá và cắt giảm thêm sản lượng) đang phát huy tác dụng.
Vàng đi ngang quanh mức cao nhất gần 1 tháng
Dù USD và Lợi suất có dấu hiệu hồi phục trong phiên cuối tuần, vàng vẫn giữ quanh vùng đỉnh 1 tháng khi nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ chỉ nâng lãi suất thêm duy nhất một lần trong tháng 7.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/7, vàng giao ngay giảm 0,1% xuống $1959,27/oz, nhưng tính chung cả tuần tăng khoảng 1,8%. Hợp đồng vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 vững ở mức $1964,40 USD. Đây là tuần tăng mạnh nhất của vàng từ tháng 4 năm nay.
Quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR không có động thái mới trong phiên thứ Sáu, duy trì lượng nắm giữ ở mức 914,66 tấn.
Kết luận
Tuần này thực sự là một tuần quá phấn khích đối với các nhà đầu tư giá lên cổ phiếu và hàng hóa. Vàng – Dầu tăng mạnh, chứng khoán toàn cầu ghi nhận tuần tăng tốt nhất nhiều tháng khi nhà đầu tư tin rằng với sự hạ nhiệt sâu của lạm phát, Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ chỉ nâng lãi suất thêm một lần nữa trong năm 2023 vào tháng 7 và sau đó ngừng chu kì thắt chặt tiền tệ để kiểm định sức khỏe nền kinh tế.
Tuần tới, nhà đầu tư sẽ chỉ có thể định hướng chiến lược thông qua các số liệu kinh tế châu Âu, Trung Quốc, Mỹ, Anh… và bài phát biểu của Chủ tịch ECB và các quan chức Ngân hàng trung ương Anh, BOJ… Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách của Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ bước vào giai đoạn ‘im lặng’ trước cuộc họp tháng 7.
Giavang.net