20 C
Hanoi
22/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Tin tức thị trường 24/7

VIP Tin 24/7: Dầu bật tăng, vàng – chứng khoán nhuộm đỏ

ĐIỂM TIN KINH TẾ NỔI BẬT phiên 8/8

  • Mỹ: Quan chức Fed Harker: Có lẽ vào một thời điểm nào đó trong năm tới, chúng tôi sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất.
  • Mỹ: Quan chức Fed Harker: Tôi nhận thấy Core PCE (PCE lõi) giảm xuống chỉ còn dưới 4% vào cuối năm 2023, dưới 3% vào năm 2024 và ở mức mục tiêu 2% vào năm 2025.
  • Mỹ: Quan chức Fed Harker: Trừ khi có dữ liệu mới đáng báo động vào giữa tháng 9, tôi tin rằng chúng ta có thể kiên nhẫn và giữ lãi suất ổn định.
  • Mỹ: Hàng hóa xuất khẩu đạt 247.50 tỷ USD – cao hơn trước đó là 247.10 tỷ USD.
  • Mỹ: Hàng hóa nhập khẩu ở 313.00 tỷ USD – thấp hơn trước đó là 316.10 tỷ USD.
  • Mỹ: Cán cân mậu dịch tháng 6 ở mức -65.50 tỷ USD – tệ hơn kỳ vọng -65.00 tỷ USD.

Phố Wall nhuốm sắc đỏ

Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều đi xuống trong phiên giao dịch ngày 8/8 sau thông tin Moody’s hạ xếp hạng của 10 nhà băng khu vực cũng như đưa một số ngân hàng vào diện xem xét.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Dow Jones giảm 158,64 điểm (tương đương 0,45%) xuống 35.314,49 điểm. Tại mức đáy trong phiên, chỉ số này đã sụt 465 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,42% còn 4.499,38 điểm, qua đó nâng tổng mức giảm của chỉ số này từ đầu tháng đến nay lên gần 2%. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,79% xuống 13.884,32 điểm, góp phần nâng tổng mức giảm trong tháng 8 lên 3,2%.

Cổ phiếu ngân hàng đã giảm trên diện rộng khi Moody’s hạ xếp hạng tín dụng của một loạt các nhà băng khu vực, trong đó có M&T Bank và Pinnacle Financial với lý do rủi ro tiền gửi, nguy cơ suy thoái kinh tế và danh mục đầu tư bất động sản thương mại gặp khó khăn. Cơ quan xếp hạng tín dụng này cũng đưa Bank of N.Y. Mellon và State Street vào diện xem xét hạ bậc.

Cổ phiếu của Goldman Sachs và JPMorgan Chase lần lượt trượt khoảng 2,1% và 0,6%. Trong khi đó, SPDR S&P Bank ETF (KBE) giảm 1,3%.

SPDR S&P Regional Banking ETF (KRE) – ETF đại diện cho cổ phiếu ngân hàng khu vực – cũng mất 1,3%. Vào tháng 3, ETF này từng tụt tới 28% trong bối cảnh ngân hàng Silicon Valley Bank sụp đổ.

Cổ phiếu của M&T Bank, ngân hàng vừa bị Moody’s hạ bậc, đã giảm gần 1,5%.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán cũng chú ý đến những báo cáo tài chính mới nhất. Cổ phiếu của gã khổng lồ vận tải UPS đã giảm 0,9% sau khi công bố doanh thu quý II thấp hơn dự kiến. Công ty cũng hạ triển vọng doanh thu cả năm.

Tỷ giá

Đóng phiên 8/8, Chỉ số DXY tăng 0,46% lên 102,542.

Cặp EUR/USD giảm 0,42% về 1,09563.

Cặp GBP/USD giảm 0,28% còn 1,27475.

Cặp USD/JPY tăng 0,61% đóng phiên ở 143,361.

Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm đóng phiên 8/8 tại 4,026% (-1,68% trong ngày).

Dầu bật tăng do triển vọng lạc quan từ Mỹ

Giá dầu đã tăng cao vào cuối phiên giao dịch khi EIA dự báo triển vọng lạc quan hơn về nền kinh tế Mỹ, nhưng dữ liệu giảm về nhập khẩu và xuất khẩu dầu thô của Trung Quốc đã hạn chế đà tăng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent tăng 83 xu lên 86,17 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI tăng 98 xu lên 82,92 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng dầu đều giảm 2 USD/thùng vào đầu phiên.

EIA cũng dự báo giá dầu Brent bình quân đạt 86 USD/thùng trong nửa cuối năm 2023, tăng 7 USD/thùng so với dự báo trước đó.

Vàng thấp nhất 1 tháng do USD tăng giá

Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 tháng vào ngày thứ Ba (08/08), khi nhà đầu tư chuyển sang đồng USD trú ẩn an toàn sau dữ liệu thương mại Trung Quốc suy yếu. Sự thận trọng chiếm ưu thế trước khi dữ liệu lạm phát của Mỹ công bố vào cuối tuần này.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng vàng giao ngay giảm 0,6% xuống $1925,79/oz, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 10/07/2023. Hợp đồng vàng tương lai giảm 0,5% còn $1959,9/oz.

Quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR không diễn ra hoạt động mua – bán trong phiên thứ Ba 8/8. Lượng vàng nắm giữ của quỹ hiện vẫn ở mức 903,69 tấn.

Kết luận

Thị trường tài chính gặp khá nhiều khó khăn trong phiên thứ Ba khi nhà đầu tư có xu hướng bán các loại tài sản để trú ẩn an toàn bằng đồng USD. Đặt cược Fed tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao trong một thời gian dài và chưa vội giảm lãi suất để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế đã khiến các tài sản nhạy cảm với lạm phát khi vàng, cổ phiếu Tài chính, Tiêu dùng không thiết yếu gặp nhiều khó khăn.

Tiêu điểm chú ý của tuần này là ngày thứ Năm 10/8 với số liệu lạm phát Mỹ và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần. Dữ liệu lạm phát Mỹ tháng 7 sẽ có ảnh hưởng sâu sắc nhất tới quyết sách tháng 9 của Fed. Nếu lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, đặc biệt là lạm phát lõi, Fed sẽ có khả năng duy trì vùng lãi suất 5,25 – 5,5% và phát đi những bình luận ôn hòa hơn. Tuy nhiên, với giá dầu thô và lương thực đang tăng trở lại, rủi ro lạm phát nóng trở lại là rất cao, nhà đầu tư cần chuẩn bị cho tâm lí bán tháo tài sản bởi Fed vẫn nhấn mạnh hành động phụ thuộc vào dữ liệu.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....