29 C
Hanoi
08/05/2024
Image default
Tin tức thị trường 24/7

VIP Tin 24/7: Buồn vui lẫn lộn của nhà đầu tư vàng nhẫn trong tháng 9, ‘ôm’ vàng miếng trong quý III lãi gần 1,5 triệu đồng

Tóm tắt ý chính

  • Vàng miếng giảm trong tuần này nhưng tăng gần 1 triệu trong tháng 9.
  • Rời đỉnh của năm, giá vàng miếng vẫn bứt phá mạnh trong quý III.
  • “Kẻ khóc, người cười” với diễn biến của giá vàng nhẫn trong tháng 9.
  • Vàng thế giới về sát mốc 55 triệu đồng, giảm hơn 2 triệu chỉ sau 1 tuần.
  • Chênh lệch giá vàng nội – ngoại biến động mạnh qua từng giai đoạn.

Nội dung chi tiết

Giá vàng thế giới chốt tuần cuối cùng của tháng 9, đồng thời cũng là mức giá chốt của quý III/2023 – tại ngưỡng 1.850 USD/ounce – thấp nhất 6 tháng qua. Với mức giá hiện tại, vàng thế giới giảm khoảng 4% trong tuần này, giảm 4,6% trong tháng 9 và 3,5% trong quý III. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (24.450 VND/USD) giá vàng đứng tại 55,1 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí).

Cuối tuần trước, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại 57,16 triệu đồng/lượng. Cuối tháng 8 là 57,3 triệu đồng/lượng và cuối quý II là 55,25 triệu đồng/lượng. Như vậy, nếu tính theo giá sau quy đổi, vàng thế giới hiện tại giảm 2,05 triệu đồng/lượng so với phiên cuối tuần trước, giảm 2,2 triệu đồng so với cuối tháng 8 và chỉ giảm hơn 100.000 đồng so với phiên 31/6 – tức phiên giao dịch cuối cùng của quý II.

Áp lực giảm đối với giá vàng thời gian qua đến từ xu hướng tăng mạnh của tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Đồng bạc xanh và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ được đẩy lên bởi kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian lâu hơn để chống lạm phát.

Báo cáo lạm phát quan trọng công bố ngày thứ Sáu cho thấy lạm phát ở Mỹ có vẻ dịu đi, nhưng chưa giảm nhiều tới mức đủ để nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ sớm thay đổi lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn.

“Triển vọng giá vàng đang phụ thuộc nhiều vào triển vọng lãi suất thời gian tới”, giám đốc phụ trách giao dịch kim loại quý của công ty High Ridge Futures, ông David Meger, nhận định.

Dù vàng được xem là biện pháp phòng trừ rủi ro khi lạm phát leo thang, nhưng lãi suất cao hơn sẽ đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ đi lên, từ đó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chốt phiên cuối tháng 9 ở mức 4,58%, cách không xa mức đỉnh của 17 năm là hơn 4,6% thiết lập trong phiên trước. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm nhẹ về dưới 106,2 điểm, nhưng tăng gần 0,6% trong tuần này và tăng gần 2% từ đầu tháng tới nay.

Chuyên gia Suki Cooper của Ngân hàng Standard Chartered dự đoán động lực thúc đẩy giá vàng sẽ bị hạn chế trong ngắn hạn, cho đến khi thị trường tin rằng lãi suất tại Mỹ và trên toàn cầu sẽ giảm xuống, và đồng USD yếu đi.

Tuy nhiên, nhiều khả năng Fed sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 1 lần trong năm nay và sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ bắt đầu từ giữa năm 2024. Áp lực lên đồng USD khi đó sẽ gia tăng và vàng có thể bước vào một xu hướng tăng giá kéo dài. Ngoài ra, trong vài tháng tới, sức cầu đối với vàng được dự báo gia tăng khi bước vào mùa cao điểm tiêu thụ vàng ở châu Á.

Theo chiến lược gia trưởng Ole Hansen của Saxo Bank cho rằng một bộ phận nhà đầu tư vẫn đang có nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro, bởi các thách thức kinh tế Mỹ đang tăng lên. Chính phủ Mỹ đang có nguy cơ đóng cửa vì Quốc hội Mỹ chưa thông qua được một dự luật ngân sách trước khi bắt đầu năm tài khoá mới vào ngày 1/10.

Không giữ được mức đỉnh của năm, đầu tư vàng miếng trong quý III vẫn lãi đậm

Trong tuần này, giá vàng miếng SJC tại các thương hiệu giảm khoảng 100-200.000 đồng/lượng – chưa bằng 1/10 đà giảm của giá vàng thế giới.

Dù không giữ được mức đỉnh của năm – trên 69 triệu đồng/lượng đạt được hôm 19/9, giá vàng miếng vẫn tăng khoảng 500-700.000 đồng mỗi lượng trong tháng này.

Đặc biệt, nếu tính trong quý III/2023, giá vàng miếng đã tăng xấp xỉ 2 triệu đồng/lượng. Với chênh lệch mua – bán ở mức 500-800.000 đồng tùy đơn vị, đầu tư vàng miếng trong quý III lãi khoảng 1,1-1,4 triệu đồng mỗi lượng.

Chốt phiên 30/9, giá vàng miếng giữ ở mức 68,95 triệu đồng/lượng (giá bán ra) tại các thương hiệu như SJC, DOJI, BTMC…, cao hơn giá vàng thế giới 13,8 triệu đồng, tăng 1,8 triệu đồng so với cuối tuần trước, tăng 2,9 triệu đồng so với phiên cuối tháng 8 và tăng khoảng 1,8 triệu đồng so với cuối quý II (ngày 30/6).

“Đu đỉnh” vàng nhẫn trong tháng 9 lỗ hơn 2 triệu đồng

Không sai khi nói nhà đầu tư có tâm trạng vui buồn lẫn lộn với diễn biến của giá vàng nhẫn trong tháng 9 này. Trong tháng 9, giá vàng nhẫn đã thiết lập đỉnh cao nhất mọi thời đại trên 58 triệu đồng vào ngày 20/9. Tuy nhiên, chỉ ngay sau đó – phiên 21/9, giá vàng nhẫn đã quay đầu và giảm liên tục không ngừng nghỉ cho tới ngày 30/9.

Nếu mua vàng nhẫn từ đầu tháng 9 và bán ra vào ngày 20/9 – trên 58 triệu đồng, cũng đã có lãi nhưng không đáng kể. Nếu mua từ đầu quý III và bán ra với mức đỉnh của ngày 20/9 thì nhà đầu tư lãi khoảng 800.000 đến gần 1,3 triệu đồng mỗi lượng. Còn nếu nắm giữ vàng nhẫn từ đầu năm với mức giá khoảng 54 triệu đồng mỗi lượng mà bán đúng đỉnh sẽ thu về khoản lợi nhuận lên tới 2,9 đến hơn 3 triệu đồng cho mỗi lượng vàng.

Tuy nhiên không ít người đã mua vào thời điểm giá vàng nhẫn ở mức đỉnh trên 58 triệu đồng với kỳ vọng đà tăng sẽ tiếp diễn và đưa giá vàng lên một mức cao hơn nữa, nhưng lại nhanh chóng “vỡ mộng” khi giá quay đầu và giảm liên tục cho tới ngày cuối tháng.

Tính từ ngày 20/9 đến ngày 30/9, tức chỉ sau 10 ngày, giá vàng nhẫn “bốc hơi” 1-1,4 triệu đồng/lượng, cộng với khoản chênh lệch mua – bán của vàng nhẫn từ 1-1,4 triệu đồng thì những ai “đu đỉnh” đến nay lỗ nặng từ 2 triệu đến gần 2,4 triệu đồng mỗi lượng.

Trở lại với diễn biến của giá vàng nhẫn. Trong tuần từ 25-30/9, giá vàng nhẫn cập nhật tại một số đơn vị có mức giảm từ 900.000 đến 1,2 triệu đồng/lượng. Tính trong tháng 9, tức từ 1/9 đến 30/9, giá vàng nhẫn chỉ giảm khoảng 100.000-300.000 đồng mỗi lượng. Còn trong quý III/2023, vàng nhẫn tăng 300.000 đồng đến 1,4 triệu đồng/lượng, nhưng mức tăng 1,4 triệu đồng lại ở chiều bán ra của nhà vàng nên đầu tư vàng nhẫn trong quý III vẫn lỗ, do nhà đầu tư phải “gánh” khoản chênh lệch giữa hai chiều mua – bán.

Chốt tháng 9 với mức giá bán ra ở ngưỡng 56,8 đến 57 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn hiện cao hơn giá vàng thế giới 1,8 triệu đồng, tăng khoảng 1 triệu đồng so với cuối tuần trước. Mức chênh lệch biến động so với phiên cuối tháng 8 lên tới gần 2 triệu đồng (phiên 31/8 vàng nhẫn thấp hơn vàng thế giới 50.000 đồng). Và so với cuối quý II, chênh lệch giữa hai mặt hàng này tăng khoảng 500.000 đồng.

Nếu tính mức chênh lệch giữa vàng nhẫn và vàng miếng của thương hiệu SJC, hiện tại vàng nhẫn rẻ hơn giá vàng miếng 12 triệu đồng, tăng hơn 700.000 đồng so với cuối tuần trước, tăng 1 triệu đồng so với cuối tháng 8 và tăng 1,2 triệu đồng so với cuối quý II 30/6.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....