(GVNET) Thị trường đã theo dõi sự lao dốc của vàng từ $2780 xuống vùng $2540 chỉ trong vọn vẹn 2 tuần. Nhà đầu tư và giới phân tích thực sự quá bất ngờ với động thái tồi tệ này và họ đang trở nên cảnh giác hơn bao giờ hết…
Cho dù các nhà đầu tư nắm giữ vàng vẫn tự trấn an nhau rằng động lực trung và dài hạn đằng sau xu hướng tăng của kim loại quý vẫn còn nguyên vẹn, rõ ràng việc giá giảm ngày qua ngày đã khiến những người lạc quan nhất cũng phải e dè.
Alex Kuptsikevich, nhà phân tích thị trường cấp cao tại FxPro bình luận:
Chỉ tính riêng trong tuần này, giá vàng đã sụt gần 5%, đánh dấu mức giảm hàng tuần mạnh nhất trong gần 3 năm. Từ mức đỉnh, kim loại này hiện đã mất hơn 250USD – tương đương khoảng 9%, tạo thành nhịp giảm tệ nhất nhiều tháng.
Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng bất chấp sự sụt giảm mạnh này, “vàng vẫn trong đợt tăng giá gần bắt đầu từ tháng 10 năm ngoài. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi giảm xuống $2400 cũng chỉ là sự điều chỉnh, đưa giá trở lại đường trung bình động 200 ngày mà thôi. Với tốc độ giảm hiện tại, vàng có thể đạt mức này trước khi kết thúc năm.
Về mặt kỹ thuật, Kuptsikevich cho biết một tín hiệu giảm giá đáng kể đã xuất hiện trên biểu đồ hàng tuần: “một đợt giảm mạnh sau khi vàng thoát khỏi vùng quá mua, đi kèm với RSI (Chỉ số sức mạnh tương đối) giảm từ mức trên 80. Sự đảo ngược kiểu này ở mức cực đoan thường báo hiệu sự thay đổi động lực”.
Để hiểu được hàm ý của diễn biến đó, chúng ta có thể xem lại các tiền lệ lịch sử. Hai trường hợp đảo ngược giảm giá mạnh gần đây nhất từ điều kiện quá mua ở mức cao nhất mọi thời đại đã xảy ra vào năm 2009 và 2011.
Ông lưu ý rằng vào năm 2009, “vàng đã chứng kiến mức giảm 15% từ đỉnh xuống đáy trước khi hoạt động mua mới đẩy giá lên mức cao kỷ lục mới. Thị trường tăng giá này kéo dài gần 2 năm, chỉ có những đợt tạm dừng ngắn ngủi”.
Sau đó, vào năm 2011, mức giảm ban đầu của vàng là gần 20%. Ông cho biết:
Mặc dù vàng đã phục hồi 17% sau đó, nhưng xương sống của thị trường tăng giá đã bị phá vỡ. Trong 4 năm tiếp theo, vàng đã mất 45% giá trị so với đỉnh.
Kuptsikevich cho biết trong cả 2 trường hợp, đường trung bình động 50 tuần đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ trung hạn trong suốt đợt bán tháo. Ông cho biết:
Hiện tại, đường trung bình động này ở mức $2330 nhưng đang có xu hướng tăng và có thể đạt $2400 vào cuối năm. Một sự phá vỡ quyết định dưới mức này có thể gây ra sự suy giảm sâu hơn nữa.
Naeem Aslam, giám đốc đầu tư tại Zaye Capital Markets, thừa nhận sự yếu kém gần đây của kim loại quý nhưng thấy một số yếu tố có thể tạo ra sự điều chỉnh hướng đi cho hành động giá.
“Đã có áp lực giảm đáng kể đối với vàng trong vài ngày qua do đồng đô la Mỹ mạnh lên và kỳ vọng thay đổi về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang”, Aslam cho biết, lưu ý rằng vàng vừa ghi nhận mức lỗ hàng tuần lớn nhất trong nhiều tháng. Theo nhà lãnh đạo:
Các nhà giao dịch và nhà đầu tư lo ngại rằng kim loại quý có thể phải đối mặt với khoảng thời gian khó khăn hơn nữa trong giai đoạn tới vì Fed không vội thay đổi chính sách tiền tệ của mình cho tới khi có dữ liệu kinh tế mới. Tuy nhiên, những người săn hàng giá rẻ đang nhìn nhận tình hình theo một góc độ khác.
Ông chỉ ra rằng trong khi USD mạnh hơn và kỳ vọng cắt giảm lãi suất ít hơn đang tác động đến giá vàng, thì một số yếu tố có thể thay đổi quỹ đạo của nó trong những tháng tới.
Sức hấp dẫn của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn có thể được củng cố bởi những bất ổn kinh tế toàn cầu, chẳng hạn như tranh chấp thương mại và căng thẳng địa chính trị. Các nhà đầu tư có thể tìm nơi trú ẩn ở vàng trong trường hợp bất ổn gia tăng.
Lạm phát cũng có thể thay đổi cuộc chơi của thị trường kim loại quý. “Cục Dự trữ Liên bang có thể chịu áp lực gia tăng để điều chỉnh chính sách của mình nếu lạm phát tiếp tục vượt quá kỳ vọng”, Aslam cho biết. “Cuối cùng, vàng có thể được hưởng lợi từ lạm phát dai dẳng nếu lạm phát vượt quá mức tăng lãi suất”.
Bình luận từ các thành viên Cục Dự trữ Liên bang cũng sẽ có tác động, như họ đã làm vào thứ Năm khi Thống đốc Kugler gợi ý rằng tốc độ cắt giảm lãi suất có thể chậm lại.
Các bài phát biểu và tuyên bố sắp tới của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang, bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell, sẽ được theo dõi chặt chẽ. Giá vàng có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi bất kỳ dấu hiệu nào về sự thay đổi trong chính sách tiền tệ.
Cuối cùng, hiệu suất vượt trội gần đây của đồng đô la có thể được theo dõi lại.
Nhu cầu về vàng có thể tăng lên nếu đồng đô la Mỹ bắt đầu xấu đi do các yếu tố trong nước hoặc quốc tế.
Kinh tế tuần tới có gì?
Lịch kinh tế tuần tới khá ảm đạm, tập trung hoàn toàn vào lĩnh vực nhà ở Mỹ. Đáng chú ý, sẽ có một số quan chức Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ có bài phát biểu, bao gồm Goolsbee của Fed vào thứ Hai và Hammack với Goolsbee vào thứ Năm. Nhà đầu tư sẽ thông qua đó sẽ đánh giá tốc độ và mức độ sâu rộng của các đợt cắt giảm lãi suất sắp tới mà Fed thực hiện.
Lịch kinh tế tuần 18 – 22/11
- Thứ Ba: Số nhà khởi công & Giấy phép xây dựng Mỹ tháng 10.
- Thứ Tư: Đơn xin thế chấp MBA.
- Thứ Năm: Đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, Chỉ số sản xuất của Cục Dự trữ Liên bang Philly tháng 11, Doanh số bán nhà hiện tại tháng 10.
- Thứ Sáu: Chỉ số PMI tháng 10, Tâm lý người tiêu dùng Đại học Michigan cuối cùng tháng 11.
Kết luận
Thị trường vàng đã rơi vào nhịp giảm sâu giảm mạnh nhất thời gian qua và chưa có dấu hiệu rõ ràng của sự hồi phục. Trong ngắn hạn, phe mua có thể canh các nhịp điều chỉnh sâu hơn để gom thêm kim loại quý vì xu hướng dài hạn vẫn là tăng. Tuần tới, nhà đầu tư cần chú ý dữ liệu thị trường nhà ở Mỹ cũng như bài phát biểu của các quan chức Fed vì chúng cung cấp manh mối về triển vọng lãi suất tương lai.
Giavang.net