18.8 C
Hanoi
19/01/2025
GiaVang.Net
Image default
Phân tích chuyên sâu thị trường

VIP Chuyên sâu: Lạm phát Mỹ – Tiêu điểm kinh tế quyết định số phận giá vàng cuối năm

Trong ngắn hạn, thị trường vàng vẫn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro cho dù nó đã có cú bứt phá ấn tượng mốc $1700 trong đầu tuần này. Dưới góc nhìn của các nhà phân tích, dữ liệu lạm phát Mỹ tuần tới sẽ là yếu tố then chốt quyết định xem vàng sẽ đi về đâu trong những ngày cuối năm 2022.

Sau 6 tháng giảm liên tục, từ tháng 4 đến tháng 9; vàng đã khởi đầu quý IV không thể tuyệt vời hơn. Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá vàng kỳ hạn tháng 12 trên sàn Comex ở mức 1.703,60 USD, tăng hơn 1% so với tuần trước. Trong tuần, có lúc giá vàng lên $1735USD – chạm đỉnh gần 4 tuần.

Sự bứt tốc của vàng trong tuần này chủ yếu là bởi rủi ro gia tăng trên thị trường tài chính và khả năng suy giảm kinh tế toàn cầu ngày một lớn. Một loạt tin tức tiêu cực đã làm gia tăng đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ xoay trục khỏi chính sách tiền tệ thắt chặt mà họ đang theo đuổi. Trao đổi với Kitco, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, Edward Moya đưa ra quan điểm:

Một số sự kiện có tính rủi ro lớn sắp diễn ra đã giúp vàng phục hồi. Vương quốc Anh phải đối mặt với thời hạn mua trái phiếu trong một tuần và họ có thể phải công bố các biện pháp khác vào cuối tuần. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã phải can thiệp để hỗ trợ đồng yên Nhật. Chúng ta có khả năng sẽ thấy nhiều hành động khẩn cấp hơn từ các ngân hàng trung ương, điều này cho thấy rủi ro trên thị trường toàn cầu đang tăng cao. Đó là lý do tại sao nhiều người đặt cược rằng Fed sẽ sớm đảo ngược chính sách của họ.

Tất nhiên, không phải tất cả dữ liệu vĩ mô đều ủng hộ quan điểm đó. Báo cáo việc làm tháng 9 hôm thứ Sáu một lần nữa khẳng định rằng thị trường lao động Mỹ vẫn hết sức mạnh mẽ, với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,5%. Số liệu Bảng lương phi nông nghiệp Mỹ gần nhất hoàn toàn ủng hộ Fed theo đuổi những gì họ đang làm.
Chuyên gia về kim loại quý của Gainesville Coins, Everett Millman, nói với Kitco News:

Báo cáo cho thấy chính sách tiền tệ thắt chặt hơn vẫn chưa thực sự ảnh hưởng tới thị trường lao động.

Theo CME FedWatch Tool, thị trường đang định giá 81,1% khả năng Fed tăng 75 điểm cơ bản khác tại cuộc họp vào tháng 11. Đây sẽ là lần tăng thứ tư liên tiếp Fed nâng lãi suất với biên độ lớn như thế.

Moya bình luận:

Sự sụt giảm lạm phát quá chậm chạp. Fed sẽ tiếp tục rất hung hăng với luận điệu diều hâu của mình và đó là một môi trường khó khăn cho vàng. Chúng ta sẽ thấy vàng dễ bị tổn thương hơn ở đây.

Các nhà phân tích thậm chí còn đưa ra lời cảnh báo rằng đà phục hồi của vàng trong tuần này có thể nhanh chóng đảo ngược nếu kỳ vọng tăng lãi suất tăng cao. Millman biện giải:

Đây có thể là một đợt phục hồi ngắn hạn một phần vì lý do nhà đầu tư gom thêm vàng bởi đặt cược Fed xoay trục hay giảm biên độ nâng lãi suất. Giả định cơ bản là chúng ta đã thấy các ngân hàng trung ương khác xoay trục. Nhưng khác các ngân hàng trung ương sẽ nhanh chóng xoay trục hơn Fed. Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ không hành động quá nhanh vì điều đó sẽ khiến sự tín nhiệm giảm sút nghiêm trọng.

Việc làm là một chỉ báo kinh tế có phần tụt hậu

Khi thị trường tiếp tục tiêu hóa các dữ liệu vĩ mô mới nhất, điều quan trọng cần lưu ý là việc làm là một chỉ báo tụt hậu. Millman lưu ý:

Việc tăng lãi suất phải mất từ 9 đến 18 tháng thì mới thể hiện rõ ra nền kinh tế. Fed thậm chí đã lo lắng và hành động chống lạm phát quyết liệt hơn những gì họ đã cam kết trước đó.

Đối với vàng, điều này có nghĩa là trong ngắn hạn vàng vẫn rất khó khăn. Nhưng vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới, vàng có thể tăng rất sốc nếu như nền kinh tế chịu hậu quả rõ rệt vì lãi suất cao.

Một số động lực hỗ trợ vàng trong thời gian này là căng thẳng địa chính trị, bao gồm cuộc chiến ở Ukraine, mối đe dọa hạt nhân gia tăng và cuộc khủng hoảng năng lượng.

Ngoài ra, động lực theo mùa đang có lợi cho vàng. Millman chỉ ra:

Thị trường vàng bước vào mùa lễ hội ở Ấn Độ, sau đó là mùa cưới. Ở Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, nhập khẩu vàng đã tăng mạnh.

Số phận của vàng phụ thuộc vào lạm phát

Báo cáo CPI Mỹ tháng 9 sẽ được công bố vào thứ Năm 13/10. Đây là sự kiện chính mà thị trường theo dõi vào tuần tới.

Nếu số liệu lạm phát hạ nhiệt, nhà đầu tư sẽ đặt cược rằng Fed giảm biên độ nâng lãi suất và giúp vàng tăng giá. Ngược lại, nếu lạm phát nóng lên, vàng sẽ chịu áp lực bán tháo khủng khiếp. Moya cho biết:

Thị trường đang chứng kiến sự phá hủy nhu cầu thực tế khi việc tăng lãi suất là quá nhanh và quá mức. Vẫn có một số thành phần tham gia thị trường đặt cược lành mạnh rằng Fed sẽ xoay trục. Nếu lạm phát như dự báo hoặc cao hơn kì vọng, vàng có thể gặp khó khăn trong ngắn hạn. Nhưng, lần tăng lãi suất 75 điểm vào tháng 11 sẽ là lần cuối cùng. Sau tháng 11, Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ sẽ tìm cách hạ biên độ nâng lãi suất.

Hiện tại, thị trường kì vọng lạm phát Mỹ tháng 9 tăng 8,1% so với cùng kì năm ngoái. Lạm phát cơ bản hàng năm ước tính tăng từ 6,3% lên 6,5%.

Nhà kinh tế quốc tế James Knightley của ING cho biết:

Lạm phát chung sẽ giảm do ảnh hưởng của giá xăng dầu giảm. Điều này cũng có khả năng dẫn đến việc giá vé máy bay giảm ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, lạm phát cốt lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) sẽ tiếp tục tăng.

Các dữ liệu kinh tế quan trọng tuần 10-14/10

  • Thứ Tư: PPI của Hoa Kỳ
  • Thứ Năm: Chỉ số CPI của Hoa Kỳ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu.
  • Thứ Sáu: Doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ, tâm lý người tiêu dùng Michigan.

Kết luận

Tuần này vàng đã có một sự bứt phá ngoạn mục khi thị trường lo ngại nhiều vấn đề rủi ro. Tuy nhiên, số phận của vàng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào lạm phát Mỹ. Nếu CPI Mỹ tuần sau vượt 8,1%, hay CPI lõi vượt 6,5% hãy chuẩn bị cho kịch bản vàng bán tháo, mất sạch thành quả tăng giá vừa qua.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....