24 C
Hanoi
01/05/2024
Image default
Phân tích chuyên sâu thị trường

VIP Chuyên sâu: Dự báo FOMC tháng 7 tối nay: Ông Powell nắm trong tay 3 lá bài khủng, mỗi quân bài sẽ cho thị trường một nước đi, đó là?

Tóm tắt

  • Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 7 sau khi tạm dừng vào tháng 6.
  • Các nhà đầu tư sẽ theo dõi xem Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể sẵn sàng nâng tiếp lãi suất ở mức độ nào?
  • Nếu ông Powell ủng hộ nâng lãi suất trong tháng 9 thì đồng USD sẽ bứt tốc, ngược lại nếu chu kì thắt chặt tiền tệ kết thúc, USD sẽ rớt thảm.

Phân tích

Fed tiếp tục nâng lãi suất, nhưng sau đó thì sao? Đây chính là câu hỏi mà thị trường đang chờ Cục dự trữ Liên bang Mỹ giải đáp. Về cơ bản, Ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới đã thành công trong việc ngăn chặn lạm phát tăng phi mã, nhưng ‘chặng đường cuối cùng’ để đưa mức lạm phát xuống 2% là chặng đường khó khăn nhất, với những dấu hiệu kinh tế mâu thuẫn gây ra sự nhầm lẫn. Điều đó cũng đồng nghĩa với biến động tăng cao.

Dưới đây, chúng tôi đưa ra 3 kịch bản về quyết sách của Fed đưa ra lúc 18h GMT với phản ứng của Đô la Mỹ, chứng khoán và Vàng tương ứng.
Fed phải đối mặt với lạm phát giảm, thị trường lao động mạnh mẽ và nhiều tín hiệu kinh tế trái chiều.

Cục Dự trữ Liên bang có hai nhiệm vụ chính: ổn định giá cả và toàn dụng thị trường lao động. Ngân hàng trung ương Mỹ đang tập trung vào vấn đề đầu tiên: lạm phát. Lạm phát tại Mỹ bắt đầu tăng mạnh vào năm 2021 và đạt mức cao nhất là 9,1% (hàng năm) vào tháng 6/2022. Nhìn chung, Fed đã thành công khi lạm phát toàn diện tại Mỹ chỉ còn ở mức 3% vào tháng 6/2023.

Biểu đồ lạm phát tại Mỹ. Nguồn: FXStreet

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thứ Fed tập trung là lạm phát cơ bản, không bao gồm giá năng lượng và giá/chi phí lương thực dễ biến động, khó tác động hơn. Xét về lạm phát lõi, sự thành công của Fed khiêm tốn hơn, Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (CPI cốt lõi) đã giảm từ mức đỉnh 6,6% (tháng 10/2022) xuống 4,8% hàng năm vào tháng 6/2023.

Tuy nhiên, mục tiêu của ngân hàng quyền lực nhất toàn cầu là đạt tỷ lệ lạm phát cơ bản chỉ 2%. Như vậy, Fed có được coi là thành công không? Trong khi giá cả hàng hóa giảm và thị trường nhà ở sắp hạ nhiệt theo dữ liệu chính thức, các quan chức vẫn lo lắng về lạm phát liên quan đến lao động.

Chi phí dịch vụ, vốn phụ thuộc vào con người, vẫn đang tăng đều đặn, cho thấy lạm phát đang ở mức cao. Tiền lương được thúc đẩy bởi thị trường lao động, vốn vẫn chưa hạ nhiệt đáng kể. Mặc dù Bảng lương phi nông nghiệp NFP Mỹ không đạt kỳ vọng vào tháng 6/2023 – lần đầu tiên sau 14 tháng số liệu cao hơn dự báo liên tiếp – mức tăng trưởng việc làm trên 200.000 mỗi tháng vẫn là số liệu đáng khích lệ.

Hơn nữa, xu hướng tăng dần số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần – một dấu hiệu ban đầu của việc thay đổi xu hướng – đã đảo ngược. Gần đây, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lại giảm.

Bảng số liệu về đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần. Nguồn: FXStreet

Mặc dù có nhiệm vụ thứ hai của Fed là toàn dụng lao động, các nhà lãnh đạo Ngân hàng trung ương Mỹ chấp nhận mạo hiểm với một thị trường lao động kém sôi nổi hơn để góp phần làm hạ nhiệt lạm phát. Đó là lý do tại sao thị trường đã định giá Fed tăng lãi suất lên mức 5,25% – 5,5% dù lạm phát tháng 6 là rất đáng khích lệ.

Các tính toán phức tạp của ông lớn Fed

Bước đi chính sách tiếp theo của Fed là gì? Chính sách tiền tệ cần có thời gian để tác động đến nền kinh tế thực, đặc biệt là thị trường lao động, vốn được coi là một chỉ báo kinh tế trễ. Việc đẩy lạm phát giảm thêm 1% có đáng để tăng tỷ lệ thất nghiệp trong năm tới không? Hay tín hiệu kết thúc tăng lãi suất sẽ hâm nóng lại nền kinh tế, giải phóng lạm phát?

Các thị trường kỳ vọng lần tăng lãi suất này sẽ là lần tăng cuối cùng, với lãi suất duy trì ở mức 5,25-5,50% vào cuối năm.

Nguồn: CME

Trước khi đưa ra 3 kịch bản về quyết sách của Fed tối nay, chúng tôi muốn nhấn mạnh tới độc giả một số yếu tố mà Fed cần quan tâm.

Lĩnh vực sản xuất của Hoa Kỳ đang thu hẹp, dựa trên các số liệu về Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) và phù hợp với xu hướng toàn cầu. Sự phục hồi sau đại dịch đã đẩy người tiêu dùng từ hàng hóa sang dịch vụ. Liệu điểm yếu của ngành công nghiệp có dẫn đến việc thắt chặt hơn nữa?

Nhiều nhà máy mới tập trung vào năng lượng xanh và cơ sở hạ tầng đã bị phá vỡ mặt bằng do một số dự luật của chính phủ. Các nhà kinh tế dự đoán sự bùng nổ sản xuất vào năm 2024. Điều này sẽ quan trọng như thế nào? Đó là một câu hỏi mở.

Fed cũng cần nhìn xa hơn khỏi biên giới nước Mỹ. Các nền kinh tế ở châu Âu đang gặp khó khăn – lãi suất cao hơn, tác động của cuộc chiến của Nga ở Ukraine và các yếu tố khác khiến nhu cầu thấp hơn.

Nhưng còn Trung Quốc thì sao? Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có mối quan hệ giao thương khăng khít Mỹ, đang suy yếu. Chính quyền Bắc Kinh đã gợi ý rất nhiều về các chính sách hỗ trợ nền kinh tế vốn đang chật vật phục hồi sau giai đoạn dài đóng cửa chống Covid-19. Kích thích kinh tế tại Trung Quốc có thể xảy ra và dường như sắp xảy ra do lạm phát tại đây đang giảm.

Gã khổng lồ châu Á cũng đang vật lộn với nợ tư nhân tăng cao và nhu cầu kiểm soát ngày càng tăng – hạn chế tiềm năng mở rộng tăng trưởng của đất nước tỷ dân này.

Nói chung, có một mức độ không chắc chắn cao – cho cả Fed và thị trường – ngụ ý sự biến động cao trong bất kỳ tình huống nào sau đây.

Ba kịch bản về hành động của Fed tối nay cùng với đó là phản ứng của Vàng – USD – Chứng khoán

Trước khi nói về 3 kịch bản thị trường, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng mức tăng 25 bps đã được thị trường định giá đầy đủ và sẽ khó có tác động lớn tới các tài sản. Các nhà đầu tư đang tập trung vào những gợi ý về các động thái tiếp theo. Fed không công bố các dự báo mới tại cuộc họp này mà chỉ đưa ra thông báo chính sách lúc hết cuộc họp. Sau đó, Chủ tịch Fed Powell sẽ lên sân khấu, trả lời các câu hỏi của phóng viên và chính thời điểm ấy, sóng gió mới đến với thị trường.

Kịch bản 1: Ông Powell gợi ý về việc tăng lãi suất nhiều hơn, nhưng không phải ngay lập tức

Dự báo lãi suất mới nhất từ quan chức Fed sau cuộc họp tháng 6 cho thấy sẽ có thêm hai đợt tăng nữa trong năm nay, một động thái diều hâu đi kèm với quyết định giữ nguyên lãi suất hồi tháng 6.

Khả năng cao là ông Powell sẽ kiên định với lập trường này, nói rằng một đợt nâng lãi suất khác có thể sẽ đến, nhưng ông chưa thấy cần thiết phải thực hiện ngay.

Ngôn từ như vậy đồng nghĩa với việc Fed không nâng lãi suất trong tháng 9 nhưng sẽ nâng lãi suất vào tháng 11 là lần cuối. Ngân hàng trung ương Mỹ đã giảm dần tốc độ tăng lãi suất từ 75 điểm cơ bản xuống 50 điểm cơ bản, sau đó là 25 điểm cơ bản và sau đó hành động riêng lẻ từng cuộc họp.

Hành động thận trọng của Fed sẽ cho thấy họ thực sự bám sát nền kinh tế, bám sát thị trường, cũng như phù hợp với những gì họ đã từng nói.

Giavang.net đánh giá đây là kịch bản có xác suất cao nhất.

Trong kịch bản này, chúng tôi cho rằng Đô la Mỹ sẽ tăng, Vàng sẽ giảm và chứng khoán sẽ giảm ngay sau những gì ông Powell nói. Thị trường trái phiếu sẽ cần phải điều chỉnh theo hướng Fed thắt chặt hơn.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng bất kỳ động thái ban đầu nào cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Có hơn 3 tháng từ nay đến tháng 11 và nếu các dữ liệu kinh tế Mỹ không như kì vọng, lạm phát hạ nhiệt thì Fed sẽ hoàn toàn có cơ hội ngừng tăng lãi suất. Các thị trường có đủ thời để bỏ qua thái độ diều hâu của Fed, tiếp tục đà tăng của chúng.

Cũng theo kịch bản này, nên mua Vàng và bán USD cho và giữ lệnh dài cho tới cuối năm.

Kịch bản 2: Tiếp tục nâng lãi suất

Điều này chắc chắn không được thị trường cũng như nhà đầu tư chào đón. Nếu Fed khẳng định quay lại trạng thái tăng lãi suất tại mỗi cuộc họp, kể từ cuộc họp tháng 7 và ngay sau đó là cuộc họp tháng 9 thì vô hình chung Fed đã nhấn chìm thị trường, tạo ra nỗi sợ hãi cho mọi nhà đầu tư. Vàng, chứng khoán sụt sâu còn đồng USD thì băng băng leo dốc trong kịch bản ông Powell diều hâu như vậy.

Mặc dù chúng ta sẽ đón nhận 2 báo cáo lạm phát và 2 báo cáo việc làm nữa thì mới diễn ra cuộc họp tháng 9 nhưng chắc chắn thị trường sẽ điều chỉnh sâu và nhà đầu tư khó có thể bước ra khỏi ám ảnh là Fed đang quyết liệt như thế nào trong việc dập tắt lạm phát.

Dù rất ít xác suất xảy ra kịch bản Fed khẳng định muốn nâng lãi suất trong cả cuộc họp tháng 7 và tháng 9 nhưng nếu nó xảy ra, rất khó để thị trường giữ được mức cao hiện tại. Chúng ta sẽ cần phải thấy số liệu GDP Mỹ quý II và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp Mỹ hàng tuần công bố vào thứ Năm 27/7 rất rất tệ thì mới mong thị trường xoa dịu được những tổn thương do Fed gây ra.

Kịch bản 3: Chờ – xem

Đây là một kịch bản mang tính ôn hòa có xác suất thấp. Mặc dù Chủ tịch Powell có thể muốn kết thúc chu kỳ thắt chặt ngay tại cuộc họp tháng 7 và chờ xem tác động của những đợt lãi suất đối với nền kinh tế, nhưng cần nhớ rằng Ủy ban Thị trường Mở Liên bang có rất nhiều người theo chủ nghĩa diều hâu. Hơn nữa, các số liệu thị trường lao động mạnh mẽ gần đây dường như không cho phép các quan chức Fed mạnh miệng nói rằng sẽ ngay lập tức ngừng tăng lãi suất.

Tuy nhiên, lạm phát giảm và những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu sẽ giúp ông Powell có những ngôn từ nghe uyển chuyển hơn. Ông khả năng cao sẽ nói rằng mình tiếp tục dựa trên những số liệu kinh tế và hành động phù hợp theo diễn biến của nền kinh tế và đưa ra quyết sách tại mỗi cuộc họp.

Trong kịch bản này, Đô la Mỹ sẽ giảm, trong khi Vàng và chứng khoán tăng lên. Tuy nhiên, điều cần làm của chúng ta là chờ đợi

Kết luận

Quyết định chính sách tiền tệ tháng 7 của Fed được đưa ra vào giữa mùa hè nóng nực và những căng thẳng tranh luận luôn âm ỉ trong nền kinh tế. Lạm phát hạ nhiệt nhưng Fed có thể sẽ không ôn hòa như thị trường mong đợi, hãy chuẩn bị tâm lí cho cả kịch bản tốt nhất và tồi tệ nhất.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....