24 C
Hanoi
02/05/2024
Image default
Phân tích chuyên sâu thị trường

VIP Chuyên sâu: Bà Lagarde – Chủ tịch ECB đã nói gì mà khiến EUR chìm nghỉm, Vàng tụt đáy 2 tháng?

Việc Ngân hàng Trung ương châu Âu chuyển sang lập trường phụ thuộc vào dữ liệu, thể hiện thái độ ‘trung lập hơn’ về thắt chặt tiền tệ đã khiến đồng EUR sụt sâu so với đồng USD trong ngày 27/7. Đà tăng thần tốc của đồng bạc xanh phiên thứ Năm cũng là nguyên nhân khiến vàng chìm xuống đáy nhiều ngày.

Thị trường vàng rơi nhanh, thủng hỗ trợ $1950/oz sau khi Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói rằng ngân hàng trung ương không còn ở trong môi trường định hướng tương lai. Bà chia sẻ rằng định hướng chính sách sẽ phụ thuộc vào dữ liệu sắp tới và được chia sẻ trực tiếp từng cuộc họp.

Chúng tôi có thể tăng lãi suất, hoặc chúng tôi có thể giữ nguyên và những gì chúng tôi quyết định vào tháng 9 là không dứt khoát.

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường châu Âu cấp cao tại OANDA cho biết:

Việc ECB không cam kết tăng lãi suất hơn nữa trong cuộc họp tháng 7 đã gây áp lực lên đồng euro và khiến lợi suất của khu vực đồng euro giảm. Đồng tiền chung lao dốc so với đồng đô la, trượt trở lại dưới mức 1,10.

Động lực mới của đồng đô la Mỹ đã đẩy giá vàng xuống mức thấp nhất trong hai tuần. Giá vàng kỳ hạn tháng 8 về $1945, giảm 1,27% trong ngày hôm qua.

Bình luận của Lagarde được đưa ra sau khi ECB tăng 25 điểm cơ bản cho 3 loại lãi suất cơ bản. Ngân hàng trung ương cho biết trong tuyên bố của mình, lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn chính; lãi suất đối với cơ sở cho vay cận biên và cơ sở tiền gửi sẽ được tăng lên lần lượt là 4,25%, 4,50% và 3,75%.

Mặc dù có lập trường sắc thái hơn về chính sách tiền tệ, Lagarde nói rằng mục tiêu cuối cùng của ngân hàng trung ương vẫn được giữ nguyên.

Chúng tôi quyết tâm đánh bại lạm phát. Hành động quá nhiều không phải là điều chúng tôi quan tâm. Giảm lạm phát xuống 2% là mục tiêu của chúng tôi.

Trong tháng 6, lạm phát tăng 5,5% trong năm, giảm so với mức tăng 6,1% của tháng 5. ECB cũng lưu ý rằng giá năng lượng hạ nhiệt, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái; lạm phát giá lương thực tiếp tục chậm lại nhưng vẫn ở mức cao, 11,6%.

Theo một số nhà phân tích, cách tiếp cận phụ thuộc vào dữ liệu của ECB ôn hòa hơn so với những gì thị trường mong đợi. Một số nhà phân tích cho biết họ kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ đặt nền móng cho các đợt tăng lãi suất tiếp theo.

Trong một ghi chú được công bố ngay sau quyết định về chính sách tiền tệ và cuộc họp báo của Lagarde, Naeem Aslam, giám đốc đầu tư tại Zaye Capital Markets, cho biết ông hy vọng ECB sẽ tăng lãi suất thêm 75 đến 100 điểm cơ bản trước khi đạt đến mức lãi suất cuối cùng.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng nền kinh tế châu Âu đang chậm lại sẽ tạo ra một số thách thức cho ngân hàng trung ương trong chu kỳ thắt chặt hiện tại.

Trong khi con đường tăng lãi suất trong tương lai từ ECB trở nên ít chắc chắn hơn, bà Lagarde khẳng định lập trường của mình rằng ngân hàng trung ương sẽ không tìm cách cắt giảm lãi suất sớm.

Trong tuyên bố mở đầu của mình, bà Lagarde lưu ý rằng mặc dù lạm phát đã giảm so với mức cao nhất của năm ngoái, nhưng vẫn có những rủi ro là nó sẽ tiếp tục tăng cao. Đồng thời, bà nói thêm rằng mặc dù tăng trưởng kinh tế đã phục hồi trong nửa đầu năm 2023, nhưng sự không chắc chắn và rủi ro vẫn còn. Bà Lagarde cho biết trong bài phát biểu khai mạc hội nghị:

Triển vọng tăng trưởng kinh tế và lạm phát vẫn còn rất bấp bênh. Những rủi ro tiêu cực đối với tăng trưởng bao gồm cuộc chiến phi lý của Nga tại Ukraine và sự gia tăng căng thẳng địa chính trị rộng lớn hơn, có thể gây chia rẽ thương mại toàn cầu và do đó ảnh hưởng đến nền kinh tế khu vực đồng euro. Tăng trưởng cũng có thể chậm hơn nếu tác động của chính sách tiền tệ mạnh hơn dự kiến, hoặc nếu nền kinh tế thế giới suy yếu và do đó làm giảm nhu cầu xuất khẩu của khu vực đồng euro.

Những rủi ro ngược đối với lạm phát bao gồm áp lực gia tăng tiềm ẩn đối với chi phí năng lượng và lương thực, cũng liên quan đến việc Nga đơn phương rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Điều kiện thời tiết bất lợi, do cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra, có thể đẩy giá lương thực lên cao hơn nữa.

Việc lạm phát kỳ vọng tăng cao hơn mục tiêu của chúng tôi, hoặc mức tăng tiền lương hoặc tỷ suất lợi nhuận cao hơn dự kiến, cũng có thể đẩy lạm phát cao hơn, bao gồm cả trong trung hạn.

Sau quyết định của ECB và bình luận của Lagarde, nhiều nhà kinh tế kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất lần cuối vào tháng 9 vì họ giữ lãi suất ở mức cao trong suốt thời gian còn lại của năm.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....