27 C
Hanoi
22/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Phân tích chuyên sâu thị trường Tin tức thị trường 24/7

VIP 24/7: Tuần 18-23/7/2022: Tăng gần 5 triệu từ đáy, SJC chốt tuần vẫn mất hơn 2 triệu đồng; Vàng thế giới thoát chuỗi giảm 5 tuần liên tiếp

Tóm tắt

  • Giá vàng thế giới tăng 1,2% sau 5 tuần giảm liên tiếp khi đồng USD suy yếu.
  • Vàng miếng SJC “một mình một chợ” với diễn biến tăng/giảm “bất thường”.
  • Nhẫn 9999 giảm 0,5% trong tuần này.

Nội dung

Vàng Nhẫn 9999

Chốt phiên cuối tuần (23/7) vàng nhẫn 9999 tại thương hiệu SJC, niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 51,90 – 52,80 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng giá mua và bán (tương đương giảm 0,5%) so với giá mở cửa phiên đầu tuần (18/7).

Nhẫn Vàng Rồng Thăng Long BTMC, niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 52,03 – 52,78 triệu đồng/lượng, mua vào giảm 300.000 đồng/lượng, bán ra giảm 250.000 đồng/lượng so với giá mở cửa phiên đầu tuần (18/7).

Vàng miếng SJC

Cùng thời điểm trên, vàng miếng tại thương hiệu SJC niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 64,70 – 66,20 triệu đồng/lượng, mua vào giảm 2,25 triệu đồng/lượng, bán ra giảm 1,35 triệu đồng/lượng (tương đương giảm 3,4%giá mua và 2% giá bán) so với giá mở cửa phiên đầu tuần (18/7).

Tại Bảo Tín Minh Châu, niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 64,72 – 66,18 triệu đồng/lượng, mua vào giảm 2,09 triệu đồng/lượng, bán ra giảm 1,2 triệu đồng/lượng so với giá mở cửa phiên đầu tuần (18/7).

Biểu đồ giá vàng BTMC 1 tuần. Nguồn: Giavang.net tổng hợp

Vàng miếng SJC vừa trải qua một tuần đầy sóng gió khi xu hướng tăng/giảm đảo chiều liên tục với mức điều chỉnh rất mạnh, không theo biến động của giá vàng thế giới.

So với mức giao dịch thấp nhất của tuần 60,00 – 62,50 triệu đồng/lượng (MV – BR) hôm 19/7, giá vàng SJC hiện đã hồi phục tới 4,7 triệu đồng/lượng giá mua và 4,3 triệu đồng/lượng giá bán. Tuy nhiên so với giá mở cửa của phiên đầu tuần, vàng miếng vẫn giảm hơn 2 triệu đồng/lượng giá mua và hơn 1 triệu đồng/lượng giá bán.

Chênh lệch mua vào – bán ra cũng gia tăng theo diễn biến “bất thường” của giá. Đỉnh điểm, trong tuần có lúc mức chênh lệch lên tới 2,5-3 triệu đồng. Hiên tại thì chênh lệch đã giảm còn khoảng 1,5-2 triệu đồng tùy thương hiệu, nhưng vẫn rất cao và gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư.

Chênh lệch với giá vàng thế giới cũng biến động mạnh theo diễn biến đầy “sóng gió” của SJC. Thời điểm giá vàng miếng SJC xuống mức thấp nhất tuần thì chênh lệch giữa hai thị trường cũng giảm “sốc” xuống dưới mốc 14 triệu đồng, từ chỗ hơn 19 triệu đồng cuối tuần trước. Sau khi SJC hồi phục mạnh thì hiện tại mức chênh lệch lại vượt 17 triệu đồng.

Các chuyên gia khuyến cáo, với biến động mạnh về giá, chênh lệch giữa giá mua – bán và giữa giá vàng trong nước với thế giới khá lớn, người mua cần thận trọng để tránh rủi ro.

Đối với vàng nhẫn 9999. Tuy cùng chung thị trường vàng nhưng vàng nhẫn 9999 tuần này lại đứng ngoài diễn biến “bất thường” của vàng miếng và biến động theo xu hướng của giá vàng thế giới.

Tuy nhiên tính chung cả tuần, vàng nhẫn vẫn ghi nhận xu hướng giảm với mức điều chỉnh khoảng 0,5%, do vậy, chênh lệch giữa vàng nhẫn và vàng thế giới thu hẹp gần 1 triệu đồng, từ 4,6 triệu xuống 3,7 triệu đồng.

Chênh lệch giữa vàng nhẫn và vàng miếng cũng giảm mạnh từ 14,9 triệu đồng cuối tuần trước xuống còn 13,4 triệu đồng. Khoảng cách mua vào – bán ra của vàng nhẫn hiện vẫn duy trì ở ngưỡng 900.000 đồng.

Giá vàng thế giới

Giá vàng thế giới chốt phiên cuối tuần (22/7) đứng ở ngưỡng 1.727,6 USD/ounce, tăng khoảng 20 USD/ounce, tương đương 1,2% so với giá chốt cuối tuần trước. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.550 VND/USD) vàng thế giới giao dịch tại 49,05 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí), thấp hơn vàng miếng SJC 17,1 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng nhẫn 3,7 triệu đồng.

Giá vàng thế giới thoát chuỗi 5 tuần giảm liên tiếp khi đồng USD suy yếu. Đồng USD giảm giá trong tuần này khi nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chỉ tăng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tuần tới, thay vì tăng với bước nhảy 1 điểm phần trăm như dự báo trước đó.

Cùng với sự giảm đặt cược vào bước nhảy lãi suất của Fed, đồng USD còn chịu áp lực giảm khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có đợt nâng lãi suất đầu tiên sau 11 năm, với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm – mạnh hơn so với mức dự báo 0,25 điểm phần trăm.

Cả tuần, chỉ số USD-Index đo sức mạnh đồng USD giảm 1,4%. Chỉ số chốt tuần ở mức gần 106,6 điểm. Tuần trước, chỉ số này có lúc đạt gần 109 điểm, cao nhất trong 20 năm trở lại đây. Tuần này đánh dấu tuần giảm đầu tiên sau 3 tuần tăng liên tiếp của USD.

Ngoài ra, giới phân tích cho rằng nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu trong môi trường lãi suất gia tăng cũng là một nhân tố thúc đẩy nhà đầu tư tăng nắm giữ vàng trong tuần này.

Hiện tại, môi trường lãi suất cao tiếp tục gây áp lực mất giá lên vàng – một tài sản không mang lãi suất. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư vẫn chuộng nắm giữ USD để phòng ngừa nguy cơ suy thoái, thay vì nắm giữ vàng.

Giá vàng đã thoát đáy một năm, tuy nhiên đã giảm hơn 380 USD/ounce kể từ đầu tháng 3 đến nay. Nguồn áp lực giảm giá chính đối với vàng vẫn là xu hướng tăng giá của đồng USD và môi trường lãi suất tăng cao.

Theo nhà phân tích Edward Meir tại ED&F Man Capital Markets đánh giá, giá vàng đang trong xu hướng giảm và sự phục hồi là trong ngắn hạn.

Tâm điểm chú ý của giới đầu tư trong tuần tới là cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed, dự kiến diễn ra vào ngày 26-27/7.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....