Quý 1/2019, tỷ giá trung tâm tăng mạnh trong khi giá USD niêm yết của các ngân hàng thương mại không nhiều thay đổi.
Tỷ giá trung tâm đã lên mức cao mới, đã cân bằng hơn trong tương quan với các mức tỷ giá trên các thị trường, cũng như phản ánh thị trường hợp lý hơn
Cụ thể, giá USD bán ra trên biểu niêm yết các ngân hàng thương mại phổ biến chỉ xoay quanh 23.250 VND, giá mua vào duy trì chênh lệch thấp hơn từ 90 – 100 VND tùy thành viên.
Nhưng tỷ giá trung tâm của VND với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố có bước tăng 0,7% cuối quý 1/2019 so với chốt năm 2018.
Đó là mức tăng mạnh trong bối cảnh giá các đồng tiền chủ chốt trên thế giới như USD, Nhân dân tệ… khá ổn định trong cùng khoảng thời gian; cũng như so với sự ổn định của tỷ giá USD/VND trên biểu niêm yết các ngân hàng thương mại; so với giá USD giao dịch trên thị trường liên ngân hàng.
Một điểm khác cũng đáng chú ý trong quý 1/2019, đã từng thể hiện trong năm 2018, giá USD trên thị trường tự do thường xuyên duy trì thấp hơn mức giao dịch của các ngân hàng thương mại, thay vì cao hơn phổ biến trong nhiều năm trước.
Với tỷ giá trung tâm, bước tăng trên không trực tiếp tác động đến tỷ giá thực trong giao dịch giữa các chủ thể trên thị trường, giữa các ngân hàng với dân cư và doanh nghiệp, nhưng phản ánh thông điệp cân đối của chính sách điều hành.
Theo cơ chế hiện hành, tỷ giá trung tâm được dùng làm tham chiếu cho tỷ giá các giao dịch, trong phạm vi mức sàn và mức trần với biên độ +/-3%.
Từ tháng 7/2018, tỷ giá USD/VND trên các thị trường biến động mạnh, gia tăng và tiến sát mức trần biên độ, cũng như cao chênh lớn so với tỷ giá trung tâm. Nói cách khác, mức độ “trung tâm” của tỷ giá này đã lệch đi khi thị trường có những biến động – thay đổi lớn cho đến cuối 2018.
Cuối 2018 đầu 2019, sau khi thiết lập lại ổn định trên thị trường và ổn định được tỷ giá USD/VND giao dịch thực trên các thị trường, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có những điều chỉnh chủ động.
Cụ thể, ngày 2/1/2019, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước nâng mạnh giá mua vào USD, từ 22.700 VND lên 23.200 VND. Nguyên do, sau quãng biến động mạnh từ tháng 7/2018, mức giá mua vào này giữ nguyên sau một năm trở nên mất cân đối, quá thấp so với các tỷ giá giao dịch thực.
Tương tự, tỷ giá trung tâm cũng vậy. Điểm tham chiếu quá thấp đã không còn phản ánh tốt hơn diễn biến trên thị trường, dù có hướng mở của biên độ. Theo đó, hàng ngày Ngân hàng Nhà nước khá đều đặn và chủ động nâng lên.
Sau ba tháng với các bước tăng chủ động, tỷ giá trung tâm đã lên mức cao mới, đã cân bằng hơn trong tương quan với các mức tỷ giá trên các thị trường, cũng như phản ánh thị trường hợp lý hơn.
Cùng đó, giá trị “trung tâm” của tỷ giá trung tâm được cân đối lại, hai biên giá sàn và giá trần xoay quanh nó có khoảng cách đã bao tỷ giá giao dịch thực trên thị trường cân đối hơn. Cụ thể nữa, mức trần tỷ giá theo đó được âm thầm nới rộng lên, thay vì bị tỷ giá của các ngân hàng thương mại áp sát và thu hẹp trước đó.
Khi tỷ giá trung tâm từng bước nâng lên và hiện đã ở mức cao hơn đáng kể so với cuối 2018, trần tỷ giá được nới lên, có không gian lớn hơn để có thể bao được những biến động lớn tiềm ẩn trong tương lai.
Theo Bizlive