24 C
Hanoi
29/03/2024
Image default
Phân tích Phân tích - Chiến lược Phân tích Vàng Tin mới nhất

Vàng tuần 4/1 – 9/1: Biến động giật gân, nhà đầu tư trở tay không kịp

Sau khi ghi nhận một năm 2020 đầy thắng lợi, với mức tăng hơn 25%, giá vàng đã khởi động tuần giao dịch đầu tiên của năm mới không thể tuyệt vời hơn bằng cú bật gần 3% chỉ trong 2 phiên. Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài lâu, giá vàng đã có cú ‘đảo chiều’ khá gắt, rơi tự do vào phiên cuối tuần để rồi xác nhận tuần diễn biến tệ nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Thị trường vàng trong nước tuần liên tục ghi nhận các phiên biến động mạnh

Thị trường vàng trong nước 3 phiên đầu tuần diễn biến tăng theo biến động của thị trường thế giới. Sau đó, giá vàng có xu hướng giảm và chốt tuần đi xuống khá nhẹ nhàng so với cú đổ đèo của thế giới.

Cụ thể, xét với thương hiệu vàng Bảo Tín Minh Châu, giá vàng mở phiên 4/1 tại mức 55,85 – 56,24 triệu đồng mỗi lượng lượng (mua vào- bán ra) tới 10h00 trưa nay 9/1 giá vàng ở mức 55,36 – 55,94 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Như vậy, trong tuần này, vàng BTMC giảm 490 nghìn mỗi lượng chiều mua và giảm 300 nghìn mỗi lượng chiều bán. Giá vàng bán ra cao nhất là vào sáng thứ Tư, tại 56,70 triệu đồng/lượng chiều mua và 57,20 triệu đồng mỗi lượng chiều bán.

Xét với thương hiệu vàng Doji, giá vàng mở phiên 4/1 tại mức 55,40 – 56,25 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra) và tới 10h00 trưa nay 9/1 giá vàng ở mức 55,30 – 56,05 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Như vậy, trong tuần này, vàng DOJI giảm 100 nghìn mỗi lượng chiều mua và giảm 200 nghìn mỗi lượng chiều bán. DOJI cũng ghi nhận giá vàng bán ra vượt 57 triệu hôm thứ Tư.

Diễn biến giá vàng SJC cũng đi theo kịch bản tương tự, thể hiện bằng biểu đồ sau:

Theo ghi nhận của phóng viên Giavang.net, sự biến động mang tính ‘giật gân’ của vàng khiến nhiều nhà đầu tư trở tay không kịp. Cũng có nhiều nhà đầu tư lựa chọn bán ra vàng phiên thứ Tư để cắt lỗ giai đoạn mua phải giá cao hồi tháng 7,8.

Ở phía cầu, lực mua vàng trong nước giai đoạn vừa qua khá tốt vì trùng với mùa cưới và lễ Tết thường niên. Nhìn chung, do biến động giá, nhu cầu đầu cơ trong nước không cao, lượng giao dịch vàng miếng giá trị lớn như 5 lượng, 10 lượng khá ít, chủ yếu là vàng miếng nhỏ lẻ và vàng trang sức được chế tác đẹp, tinh xảo.

Thị trường vàng thế giới: Lên bổng – xuống trầm

Thị trường vàng thế giới có tuần giao dịch đầu năm 2021 khiến không ít nhà đầu tư ‘choáng váng’. Giá tăng rất nhanh nhưng giảm còn khủng hơn nhiều.

Thị trường khởi động phiên 4/1 ở mức 1913$, sau đó chạy mạnh lên vùng 1957,84$ hôm 6/1 – cao nhất từ ngày 9/11/2020. Những ngày đầu tuần, USD sụt đáy gần 3 năm khiến cho nhà đầu tư đổ xô mua vàng. Ngoài ra, việc chính phủ Mỹ xác nhận Tổng thống và lưỡng viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã khiến kì vọng vàng tăng nhờ các biện pháp kích thích.

Tuy nhiên, diễn biến lạc quan không kéo dài. Sự tăng của lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ đã kích hoạt đà hồi phục của USD và làm cho vàng mất đi sức hấp dẫn. Phiên thứ Sáu, hợp đồng vàng giao ngay có lúc rớt xuống mức đáy 1828,36$ trong phiên và cuối cùng mất 3,6% còn 1843,06$, qua đó ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2020.

Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm đã vượt mức 1% lần đầu kể từ tháng 3/2020 và tiếp tục đi lên, hỗ trợ bước hồi phục tốt của đồng USD từ đáy tháng 4/2018. Hiện chỉ số USD neo quanh mức 90,07 điểm; sau khi vọt lên 90,24 – cao nhất kể từ 29/12/2020 và xác nhận tuần tăng đầu tiên sau hơn 10 tuần giảm giá.

Edward Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định:

Bạn có thể thấy rằng thị trường trái phiếu đang chứng kiến một số dòng vốn mạnh chảy vào và điều đó đang lấy đi một phần sức hấp dẫn từ vàng.

Diễn biến giá vàng giao ngay theo đồng USD. Nguồn Investing.com

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đang kì vọng rằng đây chỉ là nhịp điều chỉnh của vàng khi các yếu tố cơ bản vẫn đang ủng hộ kim loại quý. Việc chính phủ Mỹ chính thức xác nhận Làn sóng Xanh với Tổng thống Mỹ và lưỡng viện của đảng Đân chủ, kì vọng sẽ có thêm kích thích kinh tế. Năm ngoái, kim quý đã tăng hơn 25% nhờ 12 nghìn tỷ USD các Ngân hàng trung ương và chính phủ trên toàn cầu bơm ra nền kinh tế để xoa dịu những tác động nghiệt ngã mà đại dịch Covid-19 gây nên.

Thứ hai, số liệu kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ làm suy giảm đồng USD – đồng tiền định giá vàng. Hôm qua, số liệu kinh tế quan trọng nhất tháng đã được công bố. Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế nước này đã mất 140.000 việc làm trong tháng 12/2020, trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 50.000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.

Giavang.net tổng hợp

Tin liên quan

Đang tải....