Giá vàng quay đầu giảm nhẹ sau 7 phiên tăng liên tiếp vào ngày thứ Hai (15/11) sau khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, mặc dù giá vàng vẫn dao động quanh mức đỉnh 5 tháng được củng cố gần đây do lo ngại lạm phát.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0.3% xuống 1,858.70 USD/oz, sau khi chạm mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2021 là 1,870.04 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 0.3% còn 1,862.00 USD/oz.
Vàng đã tăng khoảng 100 USD trong 7 phiên vừa qua, chuỗi leo dốc dài nhất kể từ tháng 5/2021, khi sức hấp dẫn của kim loại quý như một kênh phòng ngừa rủi ro lạm phát được thúc đẩy bởi dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI tại Mỹ tăng vọt và khi các ngân hàng trung ương lớn duy trì lập trường “bồ câu” về lãi suất.
Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Kitco Metals, nhận định: “Vàng đã suy yếu do một số hoạt động chốt lời thường xuyên của các nhà đầu tư hợp đồng tương lai ngắn hạn nhưng xu hướng tăng vẫn còn vững chắc”.
Việc nâng lãi suất có xu hướng làm giảm sức hấp dẫn của vàng, vốn không đem lại lợi suất, vì làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ kim loại quý.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng, qua đó cũng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.
Chuyên gia phân tích Ole Hansen của Saxo Bank đã cảnh báo: “Nếu vàng không thể vượt mốc 1,870 USD/oz vào ngày hôm nay, thì có nguy cơ vàng trở lại vùng 1,830 – 1,835 USD/oz, vì điều đó làm một số nhà đầu tư thất vọng”.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khu vực Minneapolis hôm Chủ nhật (14/11) cho biết ông dự báo lạm phát sẽ cao hơn trong vài tháng tới nhưng cho biết ngân hàng trung ương Mỹ không nên phản ứng quá mức với lạm phát tăng cao vì nó có thể chỉ là tạm thời.
An Trần (Theo CNBC)
FILI