Thị trường vàng quốc tế đang trở lại những ngày tươi đẹp khi ở vùng giá cao nhất trong hơn 6 năm qua tại mức 1.510 USD/oz.
Giá vàng SJC trong nước dù chỉ tăng 15% trong gần 8 tháng qua, nhưng cũng đang bật lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, càng lên cao thị trường càng trở nên khó lường đối với nhiều người.
Rủi ro khó lường
Chỉ tính riêng trong nửa đầu tháng 8/2019, giá vàng thế giới đã tăng hơn 7%, sau khi Tổng thống Trump tuyên bố áp hàng rào thuế quan mới lên 300 tỷ USD với hàng hóa còn lại của Trung Quốc. Giá vàng trong nước cũng phản ứng tức thời, khi tăng hơn 5,3% kể từ đầu tháng 8/2019 đến nay.
Nhu cầu tìm nơi trú ẩn an toàn vào vàng đã tăng lên trước rủi ro chiến tranh thương mại và suy thoái kinh tế, cũng như diễn biến một loạt Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) nới lỏng tiền tệ trở lại bằng cách giảm lãi suất hoặc chủ động phá giá tiền tệ.
Nhưng càng lên cao, thị trường vàng càng chứng kiến những diễn biến khó lường khi dao động rất mạnh chỉ trong tích tắc. Đơn cử như ngày 13/8/2019, giá vàng thế giới mở cửa ở 1.512 USD/oz, có lúc vọt lên 1.532 USD/oz, rồi lại lao dốc nhanh xuống tận 1.486 USD/oz, trước khi đóng cửa ngày tại 1.500 USD/oz, tức dao động trong biên độ rộng hơn 3,3%.
Giá vàng trong nước thậm chí còn dao động mạnh hơn, có khi mất hơn nửa triệu đồng/lượng chỉ sau một đêm, khiến nhiều nhà đầu tư trở tay không kịp. Việc giá vàng thế giới tăng giảm đột ngột thiếu ổn định, các công ty kinh doanh vàng đã liên tục nới rộng chênh lệch mua bán lên đến 500.000-600.000 đồng/lượng, đẩy rủi ro cực lớn về phía khách hàng.
Một rủi ro khác mà nhà đầu tư phải tính đến là giá vàng trong nước có thể điều chỉnh trở lại trong ngắn hạn theo giá vàng quốc tế, khi đã tăng khá nóng trong thời gian ngắn nên có thể thúc đẩy giới đầu cơ sớm chốt lời. Thống kê cho thấy, giá vàng SJC từ đầu tháng 6/2019 đến nay tăng hơn 15,3%, tức mức tăng trong gần 8 tháng hoàn toàn chỉ diễn ra trong vòng hai tháng rưỡi qua.
Lo lắng này là có cơ sở, khi chất xúc tác cho giá vàng là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung mới đây có dấu hiệu hạ nhiệt, khi tổng thống Trump cho biết sẽ hoãn lại việc đánh thuế một số mặt hàng của Trung Quốc để không làm ảnh hưởng đến mùa mua sắm lễ Giáng sinh ở Mỹ.
Cơ hội trong dài hạn?
Tuy những rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn ngày càng tăng lên, khi giá vàng quốc tế có 11 tuần tăng trong số 13 tuần gần đây, nhưng về dài hạn các nhà đầu tư vẫn đang đứng trước cơ hội rất lớn ở thị trường này. Sau khi tạo đáy ở gần 1.000 USD/oz vào những ngày đầu năm 2016, giá vàng từ đó đến nay đã đảo chiều và thiết lập xu hướng tăng trở lại. Nhiều chuyên gia dự báo, giá kim loại quý này có thể sẽ quay trở lại đỉnh lịch sử tại 1.920 USD đạt được vào tháng 9/2011.
Những dấu hiệu về khủng hoảng hay nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng xuất hiện nhiều hơn, từ sự giảm tốc của Mỹ, trì trệ ở châu Âu, cho đến sự suy yếu của Trung Quốc đang khiến giới đầu tư tìm đến những tài sản an toàn như vàng hay trái phiếu. Cuộc chiến thương mại rồi đến cuộc chiến tiền tệ theo cách mà các quốc gia đua nhau giảm giá đồng tiền chỉ càng thúc đẩy giới đầu tư lựa chọn vàng như một tài sản bảo toàn được giá trị.
Trung Quốc đã phá giá mạnh đồng nhân dân tệ gần đây, Tổng thống Trump tuyên bố muốn làm suy yếu đồng USD để trả đũa, hệ quả là các nền kinh tế còn lại khó có thể ngồi yên nhìn đồng tiền của mình lên giá mà sẽ ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh thương mại.
Trong khi đó, việc các NHTƯ quay trở lại với chính sách nới lỏng tiền và tiếp tục bơm tiền ồ ạt sẽ chỉ càng tích lũy rủi ro cho bóng ma lạm phát quay trở lại. Chỉ trong một tháng qua, hàng loạt NHTƯ từ Á, Âu sang Mỹ đã bất ngờ hạ lãi suất để ngăn chặn suy thoái và hỗ trợ cho nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng.
Thực tế không chỉ các nhà đầu tư cá nhân, mà các tổ chức, quỹ đầu tư đã liên tiếp đẩy mạnh mua vàng trong thời gian gần đây. Ngay cả các NHTƯ cũng tìm cách đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối bằng vàng, trước lo ngại Mỹ có thể chủ động làm yếu đồng USD, vốn đang là tài sản chủ yếu trong kho dự trữ ngoại hối của các NHTƯ hiện nay.
Đơn cử như Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC), song song với việc bán trái phiếu Mỹ thì thời gian qua cũng quay trở lại mua ròng trên thị trường vàng. Dữ liệu của PBoC cho thấy, dự trữ vàng của nước này đã tăng lên 62,26 triệu ounce từ mức 61,94 triệu ounce, tương đương tăng thêm khoảng 10 tấn chỉ riêng trong tháng 7/2019. Được biết, PBoC đã bắt đầu tăng lượng mua vàng hằng tháng kể từ tháng 12/2018, tăng trị giá tổng lượng trữ vàng tính đến cuối tháng 7/2019 lên đến 88,9 tỷ USD.
Việc các NHTƯ từ Nga cho đến Trung Quốc, Ba Lan không ngừng mua vào đã khiến nhu cầu vàng tăng cao ở thời điểm giá tăng. Ngoài nỗi lo về kinh tế thế giới, với tình trạng cầu vượt cung có thể diễn ra trong thời gian tới, không khó để nhận ra xu hướng giá kim loại quý này có thể tiếp tục leo cao trong dài hạn. Những ngày tỏa sáng rực rỡ của giá vàng có thể chỉ mới bắt đầu.
Theo Anh Khoa/doanhnhansaigon.vn