27 C
Hanoi
19/04/2024
Image default
Vàng

Vàng sẽ vẫn ‘lấp lánh’ dù ông Trump hay ông Biden đắc cử, và đây là lý do

Thị trường vàng đang biến động mạnh. Trong vài tuần tới, dự báo giá vàng sẽ hưởng lợi do những rủi ro gia tăng liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Ngay sau bầu cử, giá có thể tăng, cũng có thể giảm do hoạt động bán tháo, nhưng triển vọng sẽ vẫn ‘lấp lánh’.

Chỉ còn 2 tuần nữa là tới bầu cử Tổng thồng Mỹ. Các nhà đầu tư vàng hiện đang hạn chế hoạt động giao dịch để tìm kiếm các manh mối có thể giúp họ tiên đoán diễn biến giá vàng sẽ ra sao.

Nhìn chung, báo chí lúc này khi đưa thông tin về thị trường vàng đều nhận định thị trường đang chịu tác động bởi diễn biến cuộc đàm phán về gói kích thích kinh tế mới của Mỹ. Điều này đúng bởi giá vàng trên thực tế đang trồi sụt mỗi ngày theo tâm lý lạc quan hoặc bi quan về các cuộc đàm phán này. Khi mà lưỡng đảng của Mỹ còn nhiều bất đồng, nhà đầu tư vàng quyết định chờ đợi hơn là mua vào hoặc bán vàng ra.

Tuy nhiên, nhìn rộng ra thì thị trường vàng đang chịu tác động rất nhiều bởi một vấn đề khác, đó là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ xưa nay luôn giữ một vai trò rất lớn, không chỉ trong việc định hình tương lai của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng ít nhất 4 năm (kể từ sau khi bầu cử), mà còn tác động tới kinh tế toàn cầu.

Do đó, bầu cử Tổng thống Mỹ rõ ràng sẽ là chủ đề chính mà các thị trường tài chính và kim loại toàn cầu bàn luận và theo dõi trong mấy tuần tới.

Không còn nghi ngờ gì nữa, thị trường chứng khoán đã gia tăng biến động trong thời gian gần đây, và sẽ còn tiếp tục biến động mạnh cho đến kỳ bầu cử. Nhà đầu tư cũng có xu hướng tăng cường tìm đến những tài sản vốn có truyền thống là “nơi trú ẩn an toàn” như vàng, đặc biệt là khi cuộc đua giữa 2 ứng cử viên đang đến rất gần với rất nhiều yếu tố bất ngờ khó đoán.

Mặc dù vậy, dường như giá vàng chỉ biến động mạnh trước kỳ bầu cử chứ không kéo dài sau đó, bởi những dữ liệu lịch sử cho thấy, sau kỳ bầu cử Mỹ, giá vàng có thể tiếp tục đi lên, nhưng cũng có thể giảm xuống, dù dưới sự lãnh đạo của bất cứ đảng nào, thậm chí còn biểu hiện sự trái ngược nhau ở hai nhiệm kỳ liên tiếp của cùng một chính quyền.

Không ai có thể phủ nhận tác động của yếu tố chính trị, nhưng những điều kiện kinh tế vĩ mô cơ bản hiện nay có vẻ như tác động nhiều hơn tới giá vàng, nhất là trong ngắn và trung hạn.

Trong năm 2020, giá vàng đã có giai đoạn tăng ngoạn mục do kinh tế thế giới suy yếu và dịch Covid-19 bùng phát. Covid-19 buộc chính phủ các nước đồng loạt tung ra những gói kích thích kinh tế lớn, có nguy cơ khiến lạm phát gia tăng, giữa bối cảnh lãi suất thấp và căng thẳng địa chính trị gia tăng, khiến cho vàng là lựa chọn hàng đầu của rất nhiều nhà đầu tư.

Giá vàng đã đạt đỉnh cao lịch sử là 2.072,50 USD/ounce vào tháng 8/2020, so với chỉ 1.300 USD hồi giữa năm 2019. Đó là giai đoạn giá vàng tăng mạnh nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính cách đây một thập kỷ.

Sau đợt tăng đó, giá vàng đã giảm dần, xuống khoảng 1.900 USD/ounce, khi lợi suất trái phiếu Mỹ nhích lên và đồng USD ổn định. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng giá vàng. Kết quả thăm dò của Reuters mới đây cho thấy, các nhà phân tích dự báo giá vàng sắp tới sẽ hồi phục chậm, song vẫn tiếp tục đi lên, thậm chí có thể sẽ lập kỷ lục cao mới, và giá trung bình năm 2021 sẽ gần 2000 USD/ounce.

Mặc dù không có bằng chứng rõ ràng về mối quan hệ thống nhất giữa giá vàng các kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ trong quá khứ, nhưng chắc chắn cuộc bầu cử tháng 11/2020 sẽ gây nhiều bất ổn cho thị trường tài chính và kim loại (trong đó có vàng) trên toàn cầu, giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm đáng kể.

Các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về sự bất đồng giữa Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden – có thể dẫn đến kết quả bầu cử không chắc chắn, tức là trong ngày kiểm phiếu vẫn chưa thể phân định được ai thắng ai thua.

Bên cạnh đó, bầu cử năm nay có nhiều người gửi phiếu qua đường bưu điện do dịch Covid-19, có thể dẫn tới sự nhầm lẫn trong quá trình kiểm phiếu khiến cho việc công bố kết quả bị chậm lại, trong khi Tổng thống Trump tuyên bố ông không chấp nhận chuyển giao quyền lực một cách hòa bình trong trường hợp thua ở cuộc bầu cử tháng 11, làm dấy lên những lo ngại về nhiều yếu tố bất trắc.

Những thông tin gần đây liên quan đến hiện tượng nhiễm Covid-19 của Tổng thống Trump cũng là một yếu tố tạo nên sự thiếu chắc chắn về những tuần cuối cùng trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ.

Tất cả những yếu tố trên, từ khủng hoảng sức khỏe tới bất ổn kinh tế và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ gây tâm lý hoang mang khiến nhà đầu tư xa lánh thị trường chứng khoán đang biến động rất mạnh để tìm tới vàng.

Tóm lại, trong trường hợp Tổng thống Trump tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa thì chính quyền của ông ở nhiệm kỳ thứ 2 này sẽ có rất nhiều thăng trầm, ít nhất cũng bằng nhiệm kỳ đầu. Còn nếu ông Biden đắc cử, chính quyền Mỹ có thể sẽ trở về gần như những chính quyền trước, với mong muốn khôi phục lập trường đa phương trong lĩnh vực đối ngoại, tức là sẽ ít gây biến động liên quan đển rủi ro chính trị và căng thẳng quốc tế.

Tuy nhiên, mặc dù hai ứng cử viên đại diện cho những quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về tương lai của nền kinh tế lớn nhất thế giới, từ các chính sách trong nước đến vai trò của Mỹ trên trường quốc tế, song mục đích của cả 2 ông, từ gần hạn đến trung hạn, sẽ đều là nỗ lực kích thích kinh tế phục hồi để vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19.

Như vậy, trong bất cứ tình huống nào, Chính phủ Mỹ sẽ vẫn nỗ lực tăng cường chi tiêu và duy trì lãi suất cực thấp trong tương lai gần. Đó là chưa kể đến việc xu hướng USD yếu sẽ còn duy trì lâu dài, bởi dưới sự điều hành của ông Biden, đồng USD có thể sẽ ít biến động theo rủi ro địa chính trị.

Mặt khác, triển vọng Mỹ sẽ giảm thuế quan và các hiệp định thương mại quốc tế nếu ông Biden thắng cử có thể sẽ khiến đồng USD giảm giá nhiều hơn nữa.

Nhìn chung, ở cả 2 kịch bản, kinh tế Mỹ dự báo sẽ còn đối mặt với quá trình hồi phục lâu dài và gập ghềnh (nếu ông Biden đắc cử thì quá trình kinh tế Mỹ hồi phục sau Covid-19 sẽ chậm chạp hơn so với ông Trump tái đắc cử, vì ông Biden cam kết sẽ tăng thuế doanh nghiệp và tập trung cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Mỹ).

Qua đó có thể kết luận, trong ngắn hạn, thị trường vàng có thể biến động mạnh mẽ hơn nữa. Về trung và dài hạn, bất cứ ai đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, thì các điều kiện kinh tế vĩ mô cơ bản vẫn ở tình trạng rất khó khăn, môi trường lãi suất sẽ tiếp tục thấp, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc còn tồn tại, lạm phát có nguy cơ gia tăng và các làn sóng Covid-19 chưa đến hồi kết. Tất cả các yếu tố đó đều có lợi cho giá vàng đi lên.

Theo Nhịp sống kinh tế

Tin liên quan

Đang tải....