Vàng vừa trải qua một năm đầy thăng trầm và khép lại năm qua với mức giảm nhẹ 1%. Tuy nhiên, những bất ổn đang gia tăng trên toàn cầu được dự báo sẽ hỗ trợ cho kim loại quý này trong năm 2019.
Giá vàng thế giới đã phải đối mặt với nhiều cơn gió ngược trong hầu hết năm 2018. Đồng USD mạnh lên, Fed tiếp tục tăng lãi suất đều đặn mỗi quý một lần trong khi các NHTW khác vẫn duy trì chính sách nới lỏng, trong khi tăng trưởng kinh tế Mỹ được nâng lên nhờ động thái cắt giảm thuế của chính quyền ông Trump. Những yếu tố này thúc đẩy khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư, để từ đó lại đẩy giá cổ phiếu Mỹ tăng cao, ít nhất là cho đến đầu tháng 10.
Tuy nhiên khi những rủi ro địa chính trị và kinh tế vĩ mô tiếp tục tăng, các thị trường cổ phiếu mới nổi đảo chiều giảm mạnh, kéo theo sau là các thị trường cổ phiếu phát triển với một đợt bán tháo mạnh dẫn đầu là nhóm cổ phiếu công nghệ Mỹ. Điều này đã hỗ trợ cho giá vàng thế giới phục hồi trở lại trong những tháng cuối năm và khép lại năm 2018 với mức giá gần 1.280 USD/oz, giảm nhẹ 0,93% so với năm 2017.
Không ít nhà phân tích kỳ vọng những rủi ro, bất ổn, vốn đã trở nên rõ ràng hơn vào cuối năm 2018, sẽ tiếp tục trong năm nay và điều đó sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá vàng. Dưới đây là một số yếu tố chính được dự báo sẽ hỗ trợ cho giá vàng.
Bất ổn thị trường tài chính
Trên bình diện toàn cầu, đã xuất hiện dòng chảy ròng vào các quỹ ETF vàng trong năm 2018. Ngay cả các quỹ của Bắc Mỹ, đã chứng kiến dòng vốn chảy ra khá mạnh trong quý II và quý III, thì xu hướng này cũng bắt đầu thay đổi trong quý IV khi rủi ro gia tăng.
Theo dự báo của các nhà phân tích, trong năm 2019 các nhà đầu tư toàn cầu sẽ tiếp tục ủng hộ vàng như một công cụ phòng ngừa hiệu quả trước những rủi ro đang gia tăng: Cổ phiếu đang được định giá quá cao và biến động thị trường cao hơn; Bất ổn chính trị và kinh tế ở châu Âu; Lạm phát cao hơn từ các chính sách bảo hộ…
Đơn cử như việc ngày càng có nhiều chính phủ trên thế giới dường như đang chấp nhận các chính sách bảo hộ như là một động thái chống lại sau nhiều thập kỷ toàn cầu hóa. Mặc dù một số chính sách trong số này có thể có tác động tích cực tạm thời, song cũng gây ra nhiều hậu quả dài hạn hơn mà các nhà đầu tư có thể sẽ phải đối mặt trong những năm tới, ví dụ lạm phát cao hơn.
Các chính sách bảo hộ không chỉ thúc đẩy lạm phát tăng cao hơn – do kết quả của chi phí lao động và sản xuất cao hơn, hoặc do mức thuế cao hơn áp đặt để thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước so với nước ngoài; chúng cũng được dự kiến sẽ có tác động tiêu cực đến tăng trưởng dài hạn.
Kết hợp lại, tất cả những bất ổn hiện nay đang làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế trên toàn cầu.
Tác động của tỷ giá và đồng USD
Mặc dù rủi ro thị trường có thể sẽ vẫn ở mức cao, song vẫn có hai yếu tố có thể hạn chế sự tăng giá của vàng, đó là lãi suất cao hơn và sức mạnh của đồng đôla Mỹ. Mặc dù chỉ riêng lãi suất cao hơn của Mỹ không đủ để ngăn cản các nhà đầu tư mua vàng, như đã thấy trong giai đoạn 2004-2007 và 2016 và đầu năm 2018; tuy nhiên khi lãi suất cao hơn kết hợp với đồng USD mạnh có thể làm giảm hiệu suất của vàng.
Thế nhưng có nhiều lý do để tin rằng xu hướng tăng của đồng USD có thể đang mất đà. Đầu tiên, chỉ số USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt khác đã được định giá cao gần 10% so với mức thấp năm 2008. Một diễn biến tương tự đã được nhìn thấy trong năm 2016 và tiếp theo sau nó là một đợt điều chỉnh đáng kể của đồng bạc xanh.
Thứ hai, tác động hỗ trợ của lãi suất cao hơn tại Mỹ đối với đồng USD sẽ giảm đi khi lập trường chính sách của Fed đã có sự thay đổi, đặc biệt là khi sức mạnh đồng USD gần đây cũng được thúc đẩy một phần bởi chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn tiếp tục được duy trì bởi các ngân hàng trung ương khác.
Thứ ba, chính quyền ông Trump thường bày tỏ sự thất vọng về bất lợi cạnh tranh gây ra bởi đồng USD mạnh.
Cuối cùng, nhiều NHTW tại các thị trường mới nổi giảm tiếp xúc với đồng USD.
Cải cách cơ cấu kinh tế
Các thị trường mới nổi, vốn chiếm 70% nhu cầu của người tiêu dùng vàng, đang hỗ trợ cho vàng trong dài hạn. Nổi bật trong số này là Ấn Độ và Trung Quốc – hai quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.
Theo đó hiện hai quốc gia này đã bắt đầu thực hiện những cải cách kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo vị thế của họ trên bình diện toàn cầu. Chẳng hạn, sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc tập trung vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, thúc đẩy thị trường hàng hóa và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Trong khi Ấn Độ cũng đang nỗ lực hiện đại hóa nền kinh tế, giảm các rào cản đối với thương mại và thúc đẩy tuân thủ tài khóa. Trên thực tế, nền kinh tế Ấn Độ, dự kiến sẽ tăng 7,5% trong năm 2018 và 2019, mức tăng trưởng cao nhất trên toàn cầu.
Do có mối liên hệ mật thiết với sự giàu có và mở rộng kinh tế, giới phân tích tin rằng vàng sẽ được hưởng lợi từ những sáng kiến này. Họ cũng dự báo rằng nhu cầu trang sức bằng vàng sẽ mạnh hơn trong năm 2019. Những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển phương Tây cũng được dự kiến sẽ dẫn đến một kết quả tương tự, như đã được quan sát thấy ở Mỹ kể từ năm 2012.
Ngoài ra, vàng còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ động thái mua vào của các NHTW để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối và làm đối trọng để ngăn ngừa rủi ro tiền tệ. Đơn cử nhu cầu vàng của các NHTW trong năm 2018 là cao nhất kể từ năm 2015, do một loạt các quốc gia đã thêm vàng vào dự trữ ngoại hối.
Theo Thời báo ngân hàng