So với chốt phiên cuối cùng của năm 2018, mỗi lượng vàng SJC cũng đã tăng khoảng 14% giá trị.
Nhìn lại thị trường vàng miếng trong nước năm 2019 có thể thấy, những biến động của giá trong nước bắt nhịp khá nhịp nhàng với thị trường thế giới.
Trong đó, sự biến động giá được ghi nhận ở hai mốc chính.
Đầu tiên là vào thời điểm tháng 6, khi giá vàng SJC liên tục tăng “nóng” từ mức 36,30 – 36,47 triệu đồng/lượng cuối tháng 5 lên mốc 39,25 triệu đồng/lượng (giá bán ra) hôm 25/6.
Giá vàng theo đó đã tăng tới 2,78 triệu đồng, tương đương 7,6% giá trị chỉ sau 25 ngày và chính thức lập đỉnh cao nhất trong vòng hơn 3 năm qua.
Giá vàng trong nước tăng mạnh trong bối cảnh giá kim loại quý trên thị trường thế giới cũng đang có những phiên tăng đột biến.
Theo đó, giá vàng giao kỳ hạn có những thời điểm lên tới 1.421 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 6 năm qua.
Tiếp đến, vào đầu tháng 8/2019, thị trường tiếp tục ghi nhận thêm một đợt tăng sốc mới. Theo đó, chỉ trong vòng hơn 1 tuần, giá vàng SJC đã nhảy vọt từ quanh mức 39,5 triệu đồng/lượng lên tới hơn 42 triệu đồng/lượng. Đây cũng là ngưỡng cao nhất của giá vàng trong 7 năm qua.
Cũng như đợt tăng đầu tiên, giá vàng trong nước lần này tăng mạnh vẫn bám sát diễn biến thị trường thế giới khi giá vàng giao kỳ hạn đã vượt mốc quan trọng 1.500 USD/ounce và lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2013.
Giá vàng trong nước sau đó tiếp tục đi lên, tiến sát mốc 43 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 9 trước khi “hạ nhiệt” và trở về giao dịch quanh mốc 41,6 -41,8 triệu đồng/lượng như hiện tại.
Dù vậy, so với chốt phiên cuối cùng của năm 2018, mỗi lượng vàng SJC cũng đã tăng khoảng 14% giá trị.
Tỷ suất lợi nhuận của vàng theo đó khá hấp dẫn khi cao gần gấp đôi so với lãi suất tiết kiệm 12 tháng (khoảng 6,8-8%/năm, tùy ngân hàng) và cũng cao hơn lãi suất trái phiếu doanh nghiệp (từ 12-14%/năm).
Một điểm đáng chú ý, cả hai đợt tăng mạnh của giá vàng trong nước đều có nguyên nhân bắt nguồn từ những yếu tố bên ngoài.
Kim loại quý đã được hỗ trợ mạnh khi những lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ – Trung và đe dọa áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Mexico của Washington sẽ làm tổn thương nền kinh tế toàn cầu.
Thêm vào đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất, đồng USD xuống giá và tình hình bất ổn trên thị trường chứng khoán cũng là những yếu tố đưa các nhà đầu tư tìm đến vàng và các kim loại quý khác.
Điều này một phần lý giải vì sao, dù giá vàng biến động khá mạnh, nhưng thị trường vàng trong nước vẫn thiếu những cơn sốt thực sự trong giao dịch. Giá vàng năm 2019 cũng bớt đi sự tung hứng từ tỷ giá USD/VND, khi phần lớn thời gian trong năm tỷ giá khá ổn định và thậm chí giảm nhẹ so với đầu năm.
Cùng với đó, với chủ trương chống vàng hóa, thị trường vàng ổn định, nhà đầu tư cũng ít còn cơ hội “lướt sóng”. Vì thế, vàng miếng cũng bớt hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.
Một điều đáng lưu ý khác, phần lớn thời gian trong năm qua, giá vàng trong nước đều thấp hơn giá vàng thế giới, khoảng 0,5 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 11, bắt đầu có sự “đổi ngôi” khi giá vàng thế giới chuyển hướng, thấp hơn giá vàng trong nước, dù khoảng cách chênh lệch không lớn.
Nhận định về giá vàng năm 2020, nhiều chuyên gia vẫn tiếp tục tỏ ra khá lạc quan. Động lực chính của giá kim loại quý năm tới là các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung ở tình trạng không chắc chắn, tình trạng căng thẳng trong quan hệ quốc tế và tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức thấp.
Ngoài ra, giá vàng cũng sẽ phụ thuộc nhất định mức độ điều chỉnh chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Theo Bizlive