18.6 C
Hanoi
18/01/2025
GiaVang.Net
Image default
Kinh nghiệm Tin mới nhất

Tuyệt chiêu để tiết kiệm nhanh hơn, đầu tư hiệu quả hơn

Lên kế hoạch tiết kiệm nhiều hơn và đầu tư khôn ngoan hơn thường là điều chúng ta nghĩ đến, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng lập kế hoạch tài chính.

Theo Business Insider, mặc dù các chuyên gia hay nói rằng, chẳng có trò ảo thuật hay giải pháp thần kỳ nào giúp bạn tiết kiệm nhanh chóng, nhưng rõ ràng, có các phương pháp lập kế hoạch và quản lý tài chính cá nhân rất hữu ích giúp bạn tiết kiệm và đầu tư nhanh hơn.

Mẹo giúp bạn thay đổi tích cực cách tiết kiệm và đầu tư

1. Đặt mục tiêu tiết kiệm, đầu tư rõ ràng

Muốn tiết kiệm 50 triệu sẽ không giống như khi bạn muốn để dành 200 triệu đồng – giám đốc kế hoạch tài chính tại công ty tư vấn Abante Asesores (Mỹ), ông Paula Satrústegui nói. Theo ông, điều đầu tiên mà mọi người cần làm khi cân nhắc thay đổi kế hoạch tiết kiệm và đầu tư là đặt mục tiêu, biết chính xác những gì bạn muốn.

Mục tiêu tiết kiệm và đầu tư giúp bạn có động lực và dễ dàng xây dựng kế hoạch tài chính. Nguồn: NerdWallet

Có mục tiêu có nghĩa là bạn biết chính xác tỷ suất lợi nhuận cần thiết để thực hiện những mục tiêu đó và giúp bạn chắc chắn hơn về việc đánh giá xem mục tiêu đã hợp lý hay chưa. 

Một khi biết về số tiền tiết kiệm mình cần để mỗi tháng hay khoản lợi nhuận mình cần từ cách khoản đầu tư thì bạn mới có thể bắt tay vào lập kế hoạch. Bạn cũng đừng quên xác định thời hạn để thực hiện các dự định của mình.

2. Biết bạn có thể tiết kiệm được bao nhiêu

Điều quan trọng khác là bạn phải biết thực tế mình có thể tiết kiệm được bao nhiêu hàng tháng. Điều đó có nghĩa là không chỉ tiết kiệm 2 triệu hay 3 triệu mỗi khi nhận lương mà phải nhìn vào tổng thể. 

Sau đó, bạn sẽ nhận thức được rằng nếu muốn đạt được mục tiêu cuối cùng trong khoảng thời gian đã đặt ra thì bạn có nên gia tăng số tiền để dành hay không.

Giáo sư Javier Niederleytner, Thạc sĩ Tài chính và Chứng khoán Javier Niederleytner tại Mỹ cho biết: “Ban đầu, bạn sẽ phải lập ngân sách hàng năm, lưu ý rằng bạn sẽ phải tính đến các chi phí hàng năm như thuế, bảo hiểm và hơn thế nữa. Bằng cách đó, sẽ dễ dàng hơn trong việc dự báo số tiền bạn sẽ tiết kiệm được”.

3. Kiểm soát chi tiêu

Thông thường, chúng ta không thực sự biết tiền của mình sẽ đi đâu, tiêu vào những khoản gì, nhất là khi chưa có kinh nghiệm quản lý tài chính. 

Đặc biệt, bạn sẽ gặp phải những tình huống đăng ký sử dụng thẻ hay dịch vụ mà ban đầu thì miễn phí nhưng sau đó có tính phí những tháng, năm tiếp theo nhưng bạn không biết. Ngay cả với những khoản chi tiêu nhỏ vài trăm nghìn mỗi năm, bạn cũng cần ghi lại để thực sự kiểm soát được số tiền bạn đã tiêu.

4. Tính toán lợi nhuận bạn cần

Nếu bạn có mục tiêu và biết mình có thể tiết kiệm được bao nhiêu, điều đó có nghĩa là bạn có thể tính toán lợi nhuận cần thiết để đạt được các mục tiêu đó. Nếu bạn để tiền trong một tài khoản tiết kiệm, bạn sẽ bị lạm phát làm trôi mất số tiền của mình và trong vài năm, bạn thậm chí còn bị lỗ vì đồng tiền mất giá.

Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải lập kế hoạch. Lập kế hoạch quản lý tài chính chính xác là những gì sẽ giúp bạn đạt được lợi nhuận và mục tiêu mà mình đã đặt ra ban đầu trong khung thời gian cố định. Đôi khi, nó có thể sẽ cảnh báo chúng ta rằng các mục tiêu mà đó là không thể đạt được.

Với lãi suất ở mức tối thiểu, cả thu nhập cố định và tiền gửi đều không mang lại lợi nhuận hấp dẫn thì bạn nên cân nhắc chuyển sang các quỹ đầu tư hay các hình thức khác.

5. Biết về những rủi ro

Việc thiết lập hồ sơ rủi ro sẽ giúp bạn xác định chắc chắn rằng mình có thể đầu tư vào sản phẩm nào và sản phẩm nào phù hợp nhất. Ví dụ, một người có hồ sơ rất thận trọng sẽ ít tiếp xúc với thị trường chứng khoán, còn người sẵn sàng thì coi đây là một trong những lựa chọn hàng đầu. 

Trong quá trình phân tích rủi ro, bạn cũng phải xem xét đến yếu tố thời gian vì có những khoản đầu tư thích hợp trong ngắn hạn, ngược lại cũng sẽ có những “mặt hàng” chỉ có lợi khi bạn sẵn sàng chờ đợi lâu dài.

6. Chọn đúng thời điểm để đầu tư vào các sản phẩm phù hợp

Như đã đề cập, sẽ có một số sản phẩm nhất định chỉ hấp dẫn trong thời gian ngắn. Ví dụ, trong một số thời điểm thì cổ phiếu A khả quan hơn cổ phiếu B; đầu tư vào bất động sản thì tốt hơn đầu tư vào vàng… 

Tùy thời điểm mà bạn phân tích, xem xét triển vọng tăng trưởng kinh tế vĩ mô một mặt và những vấn đề khách quan khác có thể gây ảnh hưởng tới kết quả.

7. Đa dạng hóa các khoản đầu tư

Về cơ bản, đừng bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Nguyên lý này không bao giờ sai. Một cách hay là bạn vẫn có thể đầu tư vào một sản phẩm duy nhất mà bạn thích nhưng kết hợp nhiều hình thức, loại hình đầu tư. 

Cùng với đó, bạn cũng cần lưu ý xem liệu mình có đủ hiểu biết về tài chính khi quản lý các khoản đầu tư hay không. Nếu bạn thiếu kiến thức và kỹ năng thì tìm kiếm sự hỗ trợ từ cố vấn, chuyên gia tài chính có thể sẽ tốt hơn.

Theo Vietnambiz

Tin liên quan

Đang tải....