Sẽ không có cơ hội nghỉ hè cho các nhà đầu tư hay các nhà hoạch định chính sách trong những ngày sắp tới khi họ phải chuẩn bị cho tuần lễ bận rộn nhất của kinh tế toàn cầu trong năm nay.
Điểm nhấn quan trọng nhất của tuần này là vào ngày 31/7, khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định có hạ lãi suất hay không. Nhiều chuyên gia kinh tế và các chiến lược gia thị trường đều tin rằng lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, FED sẽ tiến hành hạ lãi suất sau cuộc họp kéo dài 2 ngày cuối tháng này.
Một số nhà quan sát cho rằng FED có thể giảm một nửa lãi suất. Tuy nhiên, quan điểm phổ biến hơn thiên về hướng FED sẽ giảm ¼ lãi suất so với hiện tại. Thậm chí, đây có thể không phải lần duy nhất FED cắt giảm lãi suất trong năm nay, phương thức nhằm duy trì sự tăng trưởng kéo dài kỷ lục của nền kinh tế Mỹ cũng như đối phó với nguy cơ lạm phát.
Việc FED giảm lãi suất dường như sẽ không còn gây bất ngờ với thị trường bởi điều này liên tục được nhắc đến trong thời gian gần đây. Câu hỏi lớn hiện tại là FED sẽ giảm lãi suất như thế nào và giảm bao nhiêu lần. Các chuyên gia tin rằng mức 50 đến 70 điểm cơ bản so với lãi suất hiện nay là phù hợp cho nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, FED giảm lãi suất không phải sự kiện duy nhất có khả năng định hình triển vọng kinh tế toàn cầu diễn ra trong tuần này.
Ngày 29/7, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ tới Trung Quốc để nối lại đàm phán thương mại cấp cao, cuộc đàm phán đầu tiên của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sau sự đổ vỡi hồi tháng 5.
Vào ngày 2/8, Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm hàng tháng, động thái phản ánh các chính sách của FED có cần thiết hay không. Trong một cuộc khảo sát của Bloomberg với các chuyên gia kinh tế, 166.000 việc làm ngoài nông nghiệp sẽ được tạo ra trong tháng 7, thấp hơn con số 224.000 của tháng 6.
Thêm vào đó, ngày 30/7, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ họp trong bối cảnh nhiều lời kêu gọi hạ lãi suất được đưa ra. Ngân hàng trung ương Brazil, một trong những nền kinh tế mới nổi hàng đầu, cũng có thể ra tuyên bố cắt giảm lãi suất vào ngày 31/7. Ngày 1/8, dữ liệu sản xuất toàn cầu sẽ được công bố trong bối cảnh nhiều ngành công nghiệp đang đứng trước nguy cơ suy thoái.
Khi các quan chức của FED bắt đầu thảo luận ngày 30/7, họ sẽ có thêm một số dữ liệu để đánh giá nền kinh tế. Thu nhập cá nhân, daonh số bán nhà và các thống kê khác về niềm tin tiêu dùng dự kiến đều được công bố trong buổi sáng cùng ngày.
Ngày 2/8, dữ liệu về thương mại của Mỹ cũng sẽ được công bố. Nó sẽ góp phần chứng minh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc của Chính quyền Trump có hiệu quả hay không. Tuần tới, Bộ Tài chính Mỹ cũng sẽ công bố số tiền cần vay trong bối cảnh thâm hụt ngân sách đang gia tăng.
Tuần quan trọng nhất năm 2019 diễn ra ngay sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi dọn đường cho việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9 đồng thời chuẩn bị tái khởi động việc mua vào trái phiếu. Ngày 29/7, một dữ liệu cũng sẽ được công bố trong đó cho thấy tốc độ tăng trưởng quý 2 của châu Âu chỉ còn một nửa so với mức 0,4% của 3 tháng trước đó. Cùng ngày, dữ liệu lạm phát cũng sẽ được công bố cho thấy một con số không mấy khả quan.
Ngày 1/8, Ngân hàng Trung ương Anh cũng công bố báo cáo mới nhất trong bối cảnh nước Anh đang chuẩn bị cho một Brexit không thỏa thuận. Việc ông Boris Johnson lên làm Thủ tướng Anh với quyết tâm rời EU bằng mọi giá vào hạn chót 31/10 đang khiến nhiều người cảm thấy lo sợ.
Ngày 31/7, Tân Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ Murat Uysal sẽ lần đầu chất vấn công khai sau khi trình bày báo cáo lạm phát hàng quý. Đồng Lira của nước này tương đối ổn định sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành đợt cắt giảm lãi suất lớn nhất trong lịch sử gần đây.
Tại Trung Quốc, Bloomberg cho biết áp lực xuất khẩu vẫn đè nặng lên quốc gia này. Hàn Quốc cũng sẽ hứng chịu những áp lực tương tự và sẽ có một tháng xuất khẩu sụt giảm thứ 8 liên tiếp. Dữ liệu xuất khẩu cũng cho thấy sự sụt giảm ngoài dự báo của Singapore trong quý vừa qua. Chiến tranh thương mại và những tín hiệu cảnh báo tình trạng suy thoái toàn cầu gây tác động mạnh mẽ nên những nền kinh tế vốn chủ yếu dựa vào thương mại toàn cầu.
Những dấu hiệu với Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước khác cho thấy một cuộc suy thoái đang đe dọa cả khu vực. Trong khi đó, châu Á là động lực tăng trưởng của thế giới. Những vấn đề với châu Á có thể gây ra những tác động trên quy mô toàn cầu.
Theo Tri Thức Trẻ