16 C
Hanoi
19/02/2025
GiaVang.Net
Image default
Đầu tư vàng Tin mới nhất Vàng

Tuần 10-15/2: Vàng đua nhau lập đỉnh, không còn cảnh NĐT FOMO theo sức nóng của giá vàng

(GVNET) – Tóm tắt

  • Thoát tuần vía Thần Tài, giá vàng trong nước vẫn hết sức sôi động theo diễn biến của giá vàng thế giới.
  • Tuần này, cả vàng miếng và vàng nhẫn đều có kỷ lục mới khi vàng thế giới leo đỉnh thời đại 2942 USD.
  • Một tuần hiếm thấy, khi mà phần lớn thời gian giá vàng trong nước chịu đứng “dưới cơ” vàng thế giới.

Vàng miếng SJC và lần đầu tiên có kỷ lục mới sau 9 tháng

Trong tuần này, vàng miếng đã thiết lập đỉnh cao mới khi giá vàng thế giới vượt 2940 USD/ounce. Cụ thể, trong phiên thứ Ba ngày 11/2, giá vàng thế giới có kỷ lục mới 2942 USD, vàng miếng trong nước cũng tăng vọt lên 90,1 triệu đồng/lượng chiều mua và 93,1 triệu đồng/lượng chiều bán. Đỉnh mới 93,1 triệu đồng của SJC cao hơn 700.000 đồng so với đỉnh cũ 92,4 triệu đồng xác lập vào ngày 10/5/2024.

Tuy nhiên, sau khi vượt 2940 USD, giá vàng thế giới bất ngờ giảm mạnh khiến vàng miếng trong nước cũng lao dốc và kết thúc phiên 11/2 với giá mua ở mức 88 triệu đồng/lượng và giá bán còn 90,5 triệu đồng. Các phiên sau đó cho tới hết tuần, vàng miếng chưa có thêm lần nào chinh phục lại vùng đỉnh trên 93 triệu đồng.

Sau một tuần đầy biến động, vàng miếng mua vào tăng chưa đến 1 triệu đồng trong khi chiều bán ra quay trở lại “vạch xuất phát”.

Cụ thể, kết thúc phiên cuối tuần 15/2, vàng miếng tại SJC Hồ Chí Minh, DOJI, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 87,3 – 90,3 triệu đồng/lượng. So với giá chốt cuối tuần trước, giá mua tăng 500.000 đồng/lượng, giá bán ngang bằng.

Tại Phú Quý, vàng miếng mua vào và bán ra chốt phiên 15/2 ở mức 87,5 – 90,3 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng/lượng chiều mua, ngang giá chiều bán so với giá chốt cuối tuần qua.

Hiện tại, chênh lệch mua – bán của vàng miếng dao động trong khoảng 2,8-3 triệu đồng, giảm so với mức 3,5 triệu đồng cuối tuần trước.

Vàng nhẫn và kỷ lục thứ 5 trong năm 2025

Tương tự vàng miếng, vàng nhẫn trong ngày 11/2 cũng xác lập thêm kỷ lục mới 93,05 triệu đồng mỗi lượng sau khi chứng kiến đà tăng phi mã của giá vàng thế giới và là kỷ lục thứ 5 trong năm nay.

Trước đó, trong phiên 4/2, vàng nhẫn có đỉnh đầu tiên của năm 2025 tại ngưỡng 90,55 triệu đồng/lượng. Sang phiên 5/2, đà tăng nối tiếp đã đưa kim loại quý này lên tầm cao mới 91 triệu đồng mỗi lượng. Chưa dừng lại, sang phiên 6/2, vàng nhẫn tiếp đà tăng và đỉnh mới lại được thiết lập ở mức 91,2 triệu đồng và phiên 10/2 là 91,3 triệu đồng mỗi lượng cho đến phiên 11/2 là 93,05 triệu đồng.

Sau khi đạt đỉnh 93,05 triệu đồng, vàng nhẫn quay đầu giảm khi vàng thế giới suy yếu và kết thúc tuần với giá mua không quá 88,5 triệu đồng, giá bán không quá 90,3 triệu đồng/lượng.

Chốt phiên cuối tuần 15/2, nhẫn SJC mua – bán đứng ở mức 87,3 – 91,1 triệu đồng/lượng. So với giá chốt cuối tuần trước, chiều mua tăng 500.000 đồng, chiều bán tăng 300.000 đồng/lượng.

Tại Bảo Tín Minh Châu, vàng nhẫn mua và bán ra chốt phiên 15/2 ở mức 88,45 – 90,3 triệu đồng/lượng, tăng 1,65 triệu đồng/lượng giá mua và 50.000 đồng/lượng giá bán so với giá chốt cuối tuần trước.

Tại Phú Quý, vàng nhẫn mua vào – bán ra chốt tuần ở ngưỡng 88,5 – 90,3 triệu đồng/lượng, mua vào tăng 1,8 triệu đồng, bán ra tăng 100.000 đồng so với giá chốt cuối tuần qua.

Với mức tăng 1,7 triệu đồng/lượng chiều mua, ngang giá chiều bán so với đóng cửa cuối tuần trước, vàng nhẫn DOJI chốt tuần tại ngưỡng 88,3 – 90,3 triệu đồng/lượng.

Thoát khỏi tuần vía Thần Tài, chênh lệch mua – bán của vàng nhẫn giảm mạnh thông qua việc giá mua tăng mạnh hơn giá bán ra. Mức chênh hiện dao động từ 1,85-2,8 triệu đồng, từ mức 3-3,7 triệu đồng cuối tuần trước.

Phần lớn thời gian trong tuần này giá vàng trong nước giao dịch với mức giá thấp hơn vàng thế giới với khoảng cách từ 1 triệu đồng trở lại. Hiện tại, với giá 90,3 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn và vàng miếng đều đang thấp hơn vàng thế giới sau quy đổi 155.000 đồng. Cuối tuần trước, vàng trong nước vẫn cao hơn 779.000 đồng.

Nhà đầu tư vàng ngày càng thận trọng, tránh tâm lý FOMO

Trong 5 phiên liên tiếp từ ngày 11/2, giá vàng trong nước duy trì mức thấp hơn vàng thế giới – một hiện tượng hiếm thấy trên thị trường. Trước đây, khi giá vàng trong nước quá cao so với thế giới, nhà đầu tư thường có tâm lý lo ngại rủi ro nếu vàng bất ngờ giảm mạnh để thu hẹp khoảng cách với giá thế giới. Giờ đây, khi vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới – một điều hiếm khi xảy ra, cũng tạo tâm lý e ngại cho nhà đầu tư.

Thị trường vàng từng chứng kiến không ít nhà đầu tư FOMO (Fear of Missing Out – sợ bỏ lỡ cơ hội) khi giá vàng liên tục tăng. Trong quá khứ, mỗi khi vàng vào sóng tăng, nhiều người đổ xô mua vàng vì lo ngại giá sẽ tiếp tục leo thang, mà không có chiến lược đầu tư rõ ràng. Khi giá đảo chiều giảm mạnh, họ lại hoảng loạn bán tháo vì lo ngại giá tiếp tục giảm khiến khoản đầu tư ngày càng lỗ, tạo nên những đợt biến động lớn của giá vàng.

Tuy nhiên, qua nhiều chu kỳ biến động, nhà đầu tư cũng nhận ra rằng “vàng giảm là để mua và tăng mới là lúc nên bán”. Điều này thể hiện rõ trong thời điểm gần ngày vía Thần Tài năm nay. Thay vì chỉ có người mua vàng cầu may, thị trường chứng kiến lượng lớn người bán chốt lời khi giá vàng leo cao. Sự thay đổi này phản ánh tư duy đầu tư đã trở nên thực tế hơn, không còn chạy theo hiệu ứng tâm lý đám đông.

Trong tuần này, giá vàng trong nước và thế giới đua nhau lập đỉnh, thị trường không còn thấy cảnh nhà đầu tư đua nhau đi mua vàng như trước kia. Việc nhà đầu tư tạm thời đứng ngoài thị trường cũng góp phần khiến cầu vàng giảm, là một trong những lý do khiến giá vàng trong nước liên tục duy trì ở mức thấp hơn so với thế giới trong những ngày qua. Điều này cho thấy sự thay đổi tích cực trong tâm lý giao dịch: cẩn trọng hơn, có chiến lược hơn và tránh những quyết định mang tính cảm tính.

Liên quan tới vấn đề quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có văn bản trả lời cử tri về việc quản lý giá vàng. Ngân hàng Nhà nước khẳng định không can thiệp vào giá vàng trong nước mà chỉ thực hiện các biện pháp can thiệp để ổn định thị trường vàng.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, giá mua, bán vàng hiện nay do các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng niêm yết và quyết định. Thực tế, các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng không quản lý giá vàng, mà giá vàng chủ yếu được quyết định bởi cung cầu thị trường.

Giá vàng thế giới

Vàng thế giới chôt tuần ở ngưỡng 2882 USD, sau quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (25.750 VND/USD) đạt 90,45 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), tăng 930.000 đồng so với cuối tuần trước.

Ở vùng giá hiện tại, vàng giao ngay đang thấp hơn 60 USD so với đỉnh kỷ lục 2942 USD thiết lập hôm 11/2, nhưng vẫn tăng khoảng 0,8% trong cả tuần và hoàn tất tuần tăng thứ 7 liên tiếp, trong bối cảnh nhu cầu phòng ngừa rủi ro tăng cao vì các kế hoạch thuế quan của Tổng thống Donald Trump.

Tuần này, ông Trump công bố kế hoạch áp thuế quan 25% lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu, tiếp đến là kế hoạch áp thuế quan đối ứng lên tất cả các quốc gia có đánh thuế quan hàng Mỹ. Việc các thuế quan này mới được công bố chứ chưa được thực thi ngay, nhưng cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu có thể thổi bùng lạm phát và gây suy yếu tăng trưởng kinh tế.

Theo Giám đốc hoạt động Alex Abkarian của công ty Allegiance Gold, giá vàng vẫn đang trong xu hướng tăng nhờ sự hậu thuẫn của nhiều yếu tố gồm thuế quan, lạm phát, đồng USD yếu hơn và nhu cầu nắm giữ vàng dịch chuyển ngày càng nhiều từ vàng chứng chỉ sang vàng vật chất.

Số liệu thống kê ngày thứ Sáu cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 1 của Mỹ giảm 0,9%, mạnh hơn mức dự báo giảm mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm tốc trong quý 1/2025.

Tuy nhiên, trong cuộc điều trần định kỳ về chính sách tiền tệ trước Quốc hội Mỹ trong tuần này, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell khẳng định lại quan điểm không vội hạ lãi suất. Việc lãi suất giữ ở mức cao hơn lâu hơn có thể sẽ không có lợi cho giá của vàng – một tài sản không mang lãi suất.

Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang kỳ vọng phải đến tháng 9 Fed mới có đợt giảm lãi suất đầu tiên trong năm nay vì lạm phát ở Mỹ có dấu hiệu cao dai dẳng, chưa kể thuế quan có thể khiến lạm phát tăng tốc. Hai báo cáo lạm phát của Mỹ công bố trong tuần này, gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) đều nóng hơn dự báo.

Julia Khandoshko, Tổng giám đốc điều hành tại Mind Money cho biết, bà đang nhìn xa hơn sự biến động ngắn hạn của vàng và bất kỳ sự điều chỉnh ngắn hạn nào vì bà kỳ vọng vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ tốt cho đến năm 2025. Bà lưu ý rằng ngay cả khi áp lực lạm phát vẫn ở mức cao, các ngân hàng trung ương, đứng đầu là Cục Dự trữ Liên bang, sẽ buộc phải cắt giảm lãi suất khi nền kinh tế toàn cầu suy yếu. Đồng thời, bà kỳ vọng vàng vẫn là tài sản trú ẩn an toàn quan trọng.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....