19 C
Hanoi
07/12/2024
GiaVang.Net
Image default
Tin mới nhất Vàng Vàng thế giới Vàng trong nước

TT vàng chiều 23/10: Thế giới chao đảo sau khi áp sát mốc 2760 USD, vàng miếng tăng gần nửa triệu giá mua vào

(GVNET) – Chiều nay, trong lúc vàng thế giới thiết lập kỷ lục mới ở ngưỡng 2758 USD/ounce, vàng nhẫn trong nước đã tranh thủ nhảy vọt lên mốc 89 triệu đồng, sánh vai cùng giá vàng miếng. Thị trường vàng miếng xuất hiện nhịp tăng hiếm hoi ở chiều mua vào.

Thị trường vàng miếng chiều nay nhìn chung không có nhiều biến động quá nổi bật, giá vàng miếng tại SJC Hồ Chí Minh, Doji hay BTMC tiếp tục giữ nguyên giao dịch mua – bán tại mốc 87,00 – 89,00 triệu đồng/lượng.

Riêng tại Phú Quý, giá mua vàng miếng chiều nay bất ngờ được điều chỉnh tăng 400.000 đồng/lượng lên 87,4 triệu đồng, giá bán ổn định theo thị trường chung tại mốc 89 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua – bán từ 2 triệu đồng hạ xuống còn 1,6 triệu đồng/lượng.

Tâm điểm thị trường tiếp tục tập trung vào giá vàng nhẫn. Sau khi có kỷ lục 88,4 triệu đồng trong phiên sáng, vàng nhẫn chiều nay tiếp tục thiết lập nền giá mới tại mốc 89 triệu đồng/lượng, bằng với giá vàng miếng SJC.

Cập nhật thời điểm 18h30 ngày 23/10, vàng nhẫn Doji ghi nhận mức giá mua – bán đạt 88,00 – 89,00 triệu đồng/lượng, tăng thêm 600.000 đồng/lượng cả hai chiều mua – bán so với cuối phiên sáng cùng ngày.

Nhẫn Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 600.000 đồng mỗi lượng cả hai chiều mua – bán so với chốt phiên sáng, lên 87,48 – 88,98 triệu đồng/lượng.

Nhẫn SJC tăng 400.000 đồng/lượng chiều mua và 600.000 đồng/lượng chiều bán so với cuối phiên sáng, lên 87,00 – 88,50 triệu đồng/lượng.

Chiều nay, thời điển 16h40 (Việt Nam), giá vàng thế giới đã leo lên kỷ lục mới 2758 USD/ounce, nhưng hạ nhiệt sau đó và hiện có giá 2750 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (25.620 VND/USD) giá vàng đạt 85,88 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng miếng và vàng nhẫn 3,12 triệu đồng.

Giá vàng thế giới đã tăng hơn 32% và lập kỷ lục gần 40 lần từ đầu năm đến nay. Có nhiều yếu tố kết hợp tạo thành một môi trường hoàn hảo cho sự tăng giá của vàng, gồm triển vọng lãi suất giảm trên toàn cầu, xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương, căng thẳng địa chính trị gia tăng, và hàng loạt cuộc bầu cử diễn ra trên thế giới trong đó có bầu cử ở Mỹ.

“Căng thẳng địa chính trị vẫn đang là động lực tăng chủ đạo của giá vàng… Chưa kể, chỉ còn 2 tuần nữa là đến bầu cử tổng thống Mỹ và cuộc đua đang rất nóng. Mức độ bấp bênh cao về chính trị cũng đang thúc đẩy nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro”, chiến lược gia cấp cao Peter A. Grant của công ty Zaner Metals nhận định với hãng tin Reuters.

“Chắc chắn là nếu tình hình Trung Đông nón lên, giá vàng có thể đạt mức 3.000 USD trước cuối năm nay. Nhưng tôi cho rằng khả năng cao hơn mức giá này sẽ xuất hiện vào quý 1/2025”, ông Grant nói, nhấn mạnh rằng chủ trương giảm lãi suất của đa số các ngân hàng trung ương lớn là một nhân tố quan trọng khác giúp vàng tăng giá.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 91% Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 7/11. Khả năng Fed không hạ lãi suất trong lần họp này là 9%.

Theo kết quả cuộc khảo sát mới nhất của Reuters/Ipsos, ứng cử viên của Đảng Dân chủ – Phó tổng thống Kamala Harris – được 46% người tham gia khảo sát dự báo sẽ đắc cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới. 43% cho rằng cựu Tổng thống Donald Trump – ứng cử viên của Đảng Cộng hòa – sẽ tái đắc cử.

“Khả năng trúng cử sát nút của hai ứng cử viên đã tạo ra một sự bất định lớn về triển vọng kết quả bầu cử. Điều này có lợi cho giá vàng”, một báo cáo của ngân hàng BNP Paribas nhận xét.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....