Trong phiên giao dịch hôm nay 5/3, giá vàng thế giới tiếp tục neo ở vùng dưới 1700$ sau khi mất ngưỡng này lần đầu tiên trong 9 tháng qua. Theo đó, giá vàng trong nước cũng điều chỉnh giảm theo, dù bước lùi của vàng nội vẫn ‘chẳng đáng là bao’.
Giá vàng thế giới: Áp lực đè nặng, dòng tiền chưa vào
Cập nhật lúc 14h04 giờ Việt Nam, tức 7h04 giờ GMT, hợp đồng tương lai vàng giao tháng 4/2021, được giao dịch trên sàn Comex của Sở giao dịch hàng hóa New York lùi 0,32%, về ngưỡng $1695,20/oz. Trên thị trường giao ngay, giá vàng định ở mức $1699,30/oz.
Một trong những yếu tố hiếm hoi hỗ trợ vàng bây giờ là tâm lý né tránh rủi ro. Chứng khoán châu Á tiếp nối đà giảm qua đêm của của phố Wall. Nhà đầu tư cổ phiếu đang rút tiền khỏi chứng khoán khi lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ tăng.
Hiện tại, lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm duy trì trên mức 1,5% – tiệm cận với mức đỉnh hơn 1 năm là 1,6% ghi nhận hồi tuần trước.
Thêm vào đó, đối trọng lớn của vàng là đồng USD tăng khá tốt trên thi trường ngoại hối. Hiện, chỉ số USD, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ, nhích 0,09% lên 91,727 điểm.
Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi động thái của thị trường toàn cầu để xác định hướng đi cho vàng. Về mặt cơ bản, áp lực trên thị trường vàng là rất lớn. Các nhà đầu tư tổ chức, thông qua các quỹ ETF, đã bán ròng vàng liên tục trong suốt thời gian vừa qua.
Phiên hôm nay theo giờ Mỹ, đêm nay theo giờ Việt Nam, nhà đầu tư sẽ đón nhận số liệu kinh tế quan trọng nhất tháng: báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 2.
Các nhà phân tích từ Investing.com đang dự báo nền kinh tế tạo thêm 182 nghìn việc làm mới trong tháng 2 sau khi tăng trưởng việc làm phi nông nghiệp hồi tháng 1 là 49 nghìn. Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo giữ nguyên ở mức 6,3%. Số liệu kinh tế kém hơn dự kiến thường có lợi cho vàng và ngược lại.
Dự báo về giá vàng, theo phân tích của chuyên gia Christopher Lewis, với trên 20 năm kinh nghiệm trên thị trường và tài sản – tiền tệ quốc tế, nếu giá vàng phá vỡ mức 1.700$, trong ngắn hạn có khả năng nó sẽ hướng tới mức 1550$, thậm chí có thể là 1.500$ trong dài hạn. Mặt khác, thị trường vượt lên được trên 1750$, thì giá vàng có thể hướng tới 1.800$.
Triển vọng của vàng đang phụ thuộc vào việc khi nào thị trường sẽ chạm vào điểm mà Fed sẽ cân nhắc can thiệp vào đường cong lợi suất. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn đang ở giai đoạn đầu. Vì thế, tác động tiêu cực ngắn hạn lên vàng là khó tránh khỏi. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell mới đây vẫn khẳng định duy trì lãi suất thấp tại Mỹ. Tuy vậy, lãi suất thực gần đây tăng lên cũng là tín hiệu cho thấy sự tự tin vào đà phục hồi kinh tế.
Vàng SJC: Cao chót vót, mua vào rất rủi ro
Cuối cùng, giá vàng SJC đã thủng mốc 56 triệu sau đà tăng bất ngờ chiều qua. Giá vàng SJC gần như hoàn toàn không bị chi phối bởi áp lực nặng nề của thị trường quốc tế thời gian gần đây. Khi giao dịch vàng chủ yếu là hoạt động mua đi bán lại, giá vốn vàng của các doanh nghiệp trong nước suốt từ tháng 8 năm ngoái ở mức rất cao, khó có thể thấy họ giảm giá giao dịch vàng nhanh và mạnh trong một sớm một chiều.
Cụ thể, lúc 14h30 giờ Việt Nam, giá vàng SJC Hà Nội, niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 55,37 – 55,79 triệu đồng/lượng, giảm 230 nghìn mỗi lượng cả hai chiều so với chốt phiên thứ Năm.
SJC Hồ Chí Minh có sự điều chỉnh giá tương tự, giao dịch mua – bán đứng tại mốc 55,37 – 55,77 triệu đồng/lượng.
Tại DOJI Hà Nội, niêm yết giao dịch mua – bán ở mức 55,30 – 55,70 triệu đồng/lượng, giảm 250 nghìn chiều mua và chiều bán so với mức giá chốt phiên chiều qua.
Theo đó, giá vàng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới 8,4 triệu đồng mỗi lượng quy đổi theo tỷ giá Ngân hàng Vietcombank (chưa kể thuế phí) – đây là mức chênh lệch cao nhất từ trước đến nay giữa hai thị trường.
Giavang.net