Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, năm 2019 vừa qua, giá trị nhập khẩu rau quả ước đạt 1,775 tỷ USD, tăng 1,8% so với năm 2018. Trong đó, Thái Lan là thị trường Việt Nam nhập khẩu rau quả nhiều nhất, đạt gần 465 triệu USD. Tuy nhiên, kim ngạch nhập từ nước này giảm 26,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Sau Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Australia là những thị trường Việt Nam nhập nhiều rau quả. Rau quả thuộc nhóm những mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu. Năm qua, với mức tăng nhẹ 1,8% so với cùng kỳ, được đánh giá là đã có sự kiểm soát nhất định. Trong khi đó, ở chiều xuất khẩu lại có sự sụt giảm nhẹ, chỉ đạt 98,9% so với năm 2018. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,765 tỷ USD, giảm nhẹ so với mức 3,805 tỷ USD của năm 2018.
Bên cạnh những mặt hàng nông sản đang làm nên “tên tuổi” của Việt Nam như: gạo, cà phê, cao su, cá tra, basa…, mặt hàng các loại quả nhiệt đới như thanh long, dứa, xoài, bơ, đu đủ, mít… và các loại rau quả đóng hộp cũng đang góp phần định vị thương hiệu Việt Nam trên “bản đồ” xuất khẩu rau quả của thế giới.
Đa dạng hóa thị trường đang là hướng đi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rau quả hướng đến, đặc biệt trong bối cảnh EVFTA sẽ được thực thi, mang đến nhiều kỳ vọng.
Tuy nhiên để đa dạng hóa và xuất khẩu rau quả đến được với nhiều thị trường tiềm năng không phải là chuyện dễ. Nguyên nhân khiến phần lớn rau quả của Việt Nam khó xuất khẩu là do chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất bảo quản không đúng quy định diễn ra phổ biến đã gây lo ngại đối với người tiêu dùng.
Đến nay, ngành rau quả vẫn quá phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống như Trung Quốc, đã khiến cho không ít doanh nghiệp xuất khẩu, nhà vườn gặp nhiều khó khăn mỗi khi nước này thay đổi chính sách nhập khẩu. Điều này cho thấy cần phải tái cơ cấu thị trường, mở cửa và đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là các thị trường như: châu Phi, Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản,… để tránh rủi ro vì phụ thuộc vào một số ít thị trường nhất định.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho biết: Với các thị trường mới và tiềm năng, theo thống kê từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2019 xuất khẩu rau quả sang Mỹ, Thái Lan, châu Phi… đã có những tín hiệu tích cực. Trong đó, ở thị trường Mỹ, lần đầu tiên trái xoài của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn để thâm nhập, còn ở châu Phi, mặc dù nhu cầu nhập khẩu của thị trường này ngày càng tăng song yêu cầu về các tiêu chuẩn hàng hóa khá dễ tính so với các khu vực khác. Với Thái Lan, trong năm 2019, xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào nước này đạt 74,94 triệu USD, tăng mạnh tới 66,3% so với năm 2018.
Bên cạnh đó “Nghị viện EU đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và EU vào ngày 12/2/2020. Đây là cơ hội cho DN mở rộng thị trường xuất khẩu rau quả bởi mặt hàng này sẽ được xóa bỏ thuế ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực”, ông Nguyên chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương – ông Wilem Schoustra – Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam – cho biết: Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp lớn về sản xuất chế biến rau củ quả. Tuy nhiên các doanh nghiệp này cần phải tích cực nâng cao giá trị sản phẩm của mình. Hiện các doanh nghiệp Hà Lan có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao giá trị sản phẩm chế biến rau quả.
Theo ông Wilem Schoust, Việt Nam có rất nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Á. Hiệp định EVFTA và IPA giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp lĩnh vực rau quả mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có thị trường Á – Âu.
Ông Wilem Schoustra đánh giá cao về năng lực chế biến sản xuất rau quả của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên ông cho rằng, Việt Nam đang cần các nhà đầu tư lớn về sản xuất rau quả nhằm đẩy mạnh sản lượng chế biến, đặc biệt là khâu đóng gói và sau chế biến giúp sản phẩm có thời gian bảo quản lâu hơn, nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời doanh nghiệp cần từng bước trang bị kiến thức, kĩ thuật để đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường khác nhau.
Với Hà Lan, Hiệp định EVFTA và IPA sẽ đem lại rất nhiều cơ hội giao thương cho các doanh nghiệp của hai nước, cơ hội hợp tác giữa hai nước với nhau. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội, ông Willem Schoustra cho rằng, Việt Nam và Hà Lan cần hợp tác với nhau để cải thiện thêm về chất lượng nông sản, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đạt được những tiêu chuẩn gắt gao của châu Âu.
Thế nhưng đáng buồn là số lượng các đơn vị SX mặt hàng rau – hoa quả được cấp chứng nhận VietGAP, nhất là tại phía Bắc hiện nay vô cùng ít ỏi. Bên cạnh đặc thù trình độ SX hạn chế, quy mô SX manh mún, việc diện tích rau quả được chứng nhận VietGAP không thể bung ra diện rộng có nguyên nhân lớn bắt nguồn từ thủ tục và kinh phí để cấp chứng nhận VietGAP khá rườm rà tốn kém.
Theo số liệu từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đạt khoảng 1,5 tỷ USD, giảm hơn 14% so với năm 2019. Nguyên nhân khiến xuất khẩu rau quả lao dốc do thị trường Trung Quốc (chiếm hơn 60% lượng xuất khẩu) đã giảm mua.
Chi phí chứng nhận GlobalGAP cho một mã trái cây tại một vùng trồng rơi vào khoảng 200 triệu, doanh nghiệp nếu muốn xuất thêm 4 loại, chi phí sẽ lên tới gần 1 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp có thâm niên trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng rau an toàn thừa nhận: Xu hướng tiêu dùng nông sản sạch theo hướng GAP là tất yếu nông dân phải từng bước xây dựng. Ngoài một số mặt hàng xuất khẩu đòi hỏi phải thực hiện sản xuất theo GlobalGAP, có thể nói chứng nhận VietGAP hiện nay là thước đo cao nhất có tính pháp lí cho chất lượng nông sản tiêu thụ trong nước.
Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu nhiều nhất rau quả Việt Nam, chiếm khoảng 60,8% thị phần. Lượng nhập khẩu giảm hơn 29% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, hầu hết các thị trường nhập khẩu rau quả khác của Việt Nam đều tăng, như: Hàn Quốc tăng 25,4%; Hoa Kỳ tăng 8,2%; Nhật Bản 26,4%; Hà Lan tăng 28,3%…
Cũng theo các chuyên gia, Việt Nam cần có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị bằng cách xây dựng nhà máy chế biến sâu bên cạnh việc xây dựng vùng nguyên liệu an toàn. Đồng thời, ngành Nông nghiệp cần đẩy nhanh việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, góp phần nâng cao thị phần xuất khẩu trái cây nhiệt đới Việt vào vị trí các nước xuất khẩu rau củ hàng đầu khu vực.
Cũng dự kiến tăng sản lượng xuất khẩu vào châu Âu khi có lợi thế từ EVFTA, tuy nhiên, một số doanh nghiệp khá thận trọng, bởi trái cây từ châu Mỹ hay Thái Lan vẫn đang có cước phí vận chuyển rẻ hơn Việt Nam.
Các công ty chuyên nhập khẩu rau quả vào châu Âu nhận định, về chất lượng trái cây Việt Nam có thể cạnh tranh với Thái Lan, nhưng lại yếu hơn về khâu chế biến sau thu hoạch. Đây là những yếu tố mà thị trường châu Âu chấm điểm rất cao.
Theo Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam, diện tích cây ăn quả đạt tiêu chuẩn GlobalGAP chỉ ở con số vài phần trăm. Do đó, để đi trên “cao tốc” EVFTA, không còn cách nào khác là phải nâng cao chất lượng, nhưng đây lại là điều mà phần doanh nghiệp đang loay hoay, giậm chân tại chỗ. Một nghịch lý đang xảy ra là khi ký được hợp đồng xuất khẩu, DN phải ngậm ngùi giảm bớt hoặc bỏ đi đơn hàng chỉ vì sự chậm trễ cấp mã code từ phía cơ quan có thẩm quyền.
Mã code dùng để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nếu không có mã code, sản phẩm trái cây sẽ không được xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Mỗi ngày một doanh nghiệp xuất khẩu hơn 10 tấn trái cây các loại sang Hàn Quốc, Mỹ. Trên thực tế, nhu cầu của đối tác nhiều hơn con số này nhưng doanh nghiệp không thể đáp ứng. Nguyên nhân là do gần 3 tháng qua doanh nghiệp đăng ký mã code mới để xuất khẩu nhưng vẫn chưa được cấp.
Để được cấp mã code, vùng trồng trái cây phải có diện tích lớn, sản xuất sạch, ghi chép nhật ký rõ ràng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã trái cây ở vùng ĐBSCL bức xúc vì họ chuẩn bị các điều kiện nhưng chờ mãi vẫn chưa được cấp code. Điều bất cập là cơ quan cấp mã code ở xa vùng trồng, việc triển khai chậm trễ trong khi ngành nông nghiệp địa phương ở gần, đủ điều kiện thẩm định, xử lý thủ tục nhanh lại không được giao nhiệm vụ này.
Việc ký được một đơn hàng xuất khẩu trái cây vào những thị trường khó tính là chuyện không đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp. Với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường hiện nay, những bất cập về thủ tục này là không nên có bởi nó sẽ làm trì trệ, giảm đi tính cạnh tranh của cả một ngành hàng.
Việt Nam hiện là quốc gia có diện tích và sản lượng cây ăn quả nhiệt đới khá lớn ở khu vực châu Á với sự đa dạng về chủng loại. Tuy nhiên, kỹ thuật canh tác tiên tiến còn chậm được ứng dụng, thiếu liên kết bền vững theo chuỗi giá trị, khó giám sát chất lượng là những rào cản lớn nhất khiến thị trường 14 loại rau quả nhiệt đới với quy mô trên 10.000 ha/chủng loại không gia tăng được giá trị bằng sản phẩm chế biến mà chỉ phục vụ thị trường chủ yếu dưới dạng trái cây tươi, khó xuất khẩu.
Theo các nhà khoa học, nhà quản lý, việc xử lý dịch bệnh từ nước nhiệt đới khiến rau quả của Việt Nam rất khó kiểm soát chất lượng. Đặc biệt, khi nông dân chưa sản xuất theo chuỗi giá trị, sản phẩm trái cây chưa thể truy nguyên nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm nên dù cung không đủ cầu nhưng rau quả Việt vẫn gặp khó trong xuất khẩu.
Theo VITIC tổng hợp