Trong những giờ đầu phiên giao dịch thứ Ba 31/3 tại châu Âu, đồng USD tăng so với các đồng tiền trú ẩn thường thấy như Yên Nhật – Franc Thụy Sỹ.
Đồng USD tăng giá so với bảng Anh kể từ khi quốc gia này bị Fitch hạ xếp hạng tín dụng vào thứ Sáu tuần trước.
Tại Trung Quốc, đồng tiền nội tệ không tăng dù chỉ số quản trị mua hàng PMI lĩnh vực sản xuất tháng 3 ở mức tăng trưởng, cao hơn nhiều kì vọng (thực tế: 52,0; kì vọng: 45,0; kì trước: 35,7). Đà giảm của đồng NDT nhiều khả năng xuất phát từ việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hôm thứ Hai rằng họ hạ lãi suất repo ngược 7 ngày xuống 2,20%, từ mức 2,40% trước đó.
Trong khi đó, đồng Yên có xu hướng giảm khi nước này chấm dứt năm tài chính.
“Nói theo tiếng Nhật là thiếu đô la (khi năm tài chính kết thúc), điều này có khả năng giữ giá mua vào USD ở mức cao khi bước vào phiên giao dịch Luân Đôn”, Yukio Ishizuki, chiến lược gia ngoại hối tại Daiwa Securities, nói với CNBC.
Chỉ số USD và diễn biến các cặp tỷ giá chính
Cập nhật lúc 15h50 giờ Việt Nam, tức 8h50 giờ GMT, chỉ số đô la Mỹ, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với giỏ các đồng tiền chính, cộng 0,32% lên 99,602.
Đồng bảng nối dài kịch bản giảm hôm đầu tuần, tỷ giá GBP/USD mất 0,68% còn 1,2331.
Cùng chiều, đồng tiền chung giao dịch trong sắc đỏ, cặp EUR/USD lùi về 1,0991 (-0,50%).
Đồng Yên Nhật bị bán ra sau chuỗi ngày tăng giá ấn tượng, USD/JPY giao dịch tại 108,43 (+0,57%).
France Thụy Sỹ cũng chung kịch bản như đồng Yên, cặp USD/CHF ở ngưỡng 0,9641 (+0,61%).
Nhân dân tệ Trung Quốc trong giao dịch nội địa tăng giá, cặp USD/CNY mất 0,07% về mức 7,0935.
Đồng bạc xanh tăng trở lại so với các đồng tiền hàng hóa, gồm đồng tiền Úc và tiền tệ New Zealand. Cụ thể, USD/AUD tiến 0,28% lên giao dịch ở 1,6247. Tỷ giá USD/NZD cộng 0,60% chạm ngưỡng 1,6720.
Đô la Canada tiếp tục xu hướng giảm của phiên đầu tuần, cặp USD/CAD ở ngưỡng 1,4183 (+0,12%).
Giavang.net