Trong những giờ đầu phiên giao dịch thứ Hai ngày 27/7 tại thị trường châu Âu, USD bị bán tháo mạnh mẽ trước những nghi ngờ về khả năng kinh tế Mỹ phục hồi, trước thềm cuộc họp chính sách của Ngân hàng trung ương.
Đồng đô la bị áp lực bởi một loạt các yếu tố, bao gồm mối quan hệ ngày càng tồi tệ hơn với Trung Quốc và sự không chắc chắn xung quanh cuộc bầu cử tổng thống tháng 11. Tuy nhiên, mối quan tâm hàng đầu là nỗi nghi ngờ về sức mạnh của sự phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ khi đất nước đang gồng mình để đối phó với làn sóng Covid-19 thứ hai.
Thứ Năm tuần trước, Hoa Kỳ đã báo cáo về sự gia tăng đầu tiên số đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ tháng 3, phần lớn là do một số bang đông dân phải quay trở lại tình trạng đóng cửa vì đại dịch. Các nhà phân tích tại Danske Bank cho biết:
Dữ liệu quan trọng đã chỉ ra sự đình trệ trong quá trình phục hồi của Mỹ trong những tuần gần đây. PMI của Hoa Kỳ tháng 7 đã xác nhận bức tranh này với PMI dịch vụ (thực tế: 49,6; kì vọng: 51,0; kì trước: 47,9) cho thấy sự cải thiện hơn nữa nhưng vẫn nằm trong vùng suy giảm, trái ngược với khu vực châu Âu.
Bộ Thương mại dự kiến công bố dữ liệu lần đầu về GDP quý II của Hoa Kỳ vào thứ Năm, với các nhà phân tích dự báo mức giảm kỉ lục 34% trong giai đoạn 3 tháng. Trước đó, số liệu đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền cho tháng 6 sẽ được công bố vào hôm nay thứ Hai (kì vọng: 7,2%; tháng 5: 15,7%).
Cục Dự trữ Liên bang sẽ họp trong tuần này, với cuộc họp kéo dài 2 ngày, kết thúc vào thứ Tư, trong bối cảnh kỳ vọng ngày càng tăng rằng ngân hàng trung ương Hoa Kỳ sẽ phải hỗ trợ nền kinh tế một lần nữa.
Đó là giai đoạn khẩn cấp khi cuộc khủng hoảng corona đang ở đỉnh điểm, “và giờ đây là giai đoạn tiếp theo của việc hỗ trợ phục hồi – một sự phục hồi, mà một số thành viên Fed trong những tuần qua đã nói sẽ mất vài năm”, nhà phân tích Morten Lund tại Nordea cho biết trong một ghi chú nghiên cứu. “Vì vậy, với tư cách là thành viên hội đồng quản trị của Fed, Brainard đã đưa nó vào bài phát biểu gần đây, trọng tâm của chính sách tiền tệ sẽ chuyển từ ổn định sang phù hợp. Những công cụ sử dụng lúc đó có thể trông như thế nào sẽ là đầu mối của cuộc họp FOMC”.
Chỉ số USD và diễn biến các cặp tỷ giá chính
Cập nhật lúc 15h50 giờ Việt Nam, tức 8h50 giờ GMT, chỉ số đô la Mỹ, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với giỏ các đồng tiền chính, sụt 0,47% về 93,938 sau khi rớt đáy 93,907 – thấp nhất kể từ tháng 5/2018.
Đồng bảng khởi động tuần mới bằng đà tăng tốt, tỷ giá GBP/USD cộng 0,32% lên 1,2831.
EUR tiến thêm 0,37% so với tiền tệ Mỹ, cặp EUR/USD ở mức 1,1697 sau khi chạm đỉnh tại 1,1708 – cao nhất 22 tháng qua.
Giới đầu tư đồng loạt chuyển sang trú ẩn bằng Yên Nhật, USD/JPY lao dốc 0,61% về còn 105,48.
France Thụy Sỹ cũng khá được ưa chuộng, cặp USD/CHF ở ngưỡng 0,9196 (-0,11%).
Nhân dân tệ Trung Quốc trong giao dịch nội địa tăng trở lại, cặp USD/CNY lùi về mức 7,0017 (-0,18%).
Tiền tệ hàng hóa như Đô la Úc và đô la New Zealand tăng giá tốt. Cụ thể, USD/AUD lùi 0,26% về giao dịch ở 1,4042. Tỷ giá USD/NZD sụt 0,34% chạm 1,5014.
Đồng đô la Canada hồi phục sau phiên giảm cuối tuần, cặp USD/CAD ở ngưỡng 1,3389 (-0,18%).
Giavang.net