Trong một động thái nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy cho vay, giúp hãm đà suy giảm của tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) ở tất cả ngân hàng thêm 100 điểm cơ bản (tương đương 1%) trong tháng 1-2019.
Bơm 218 tỉ đô la vào hệ thống ngân hàng
Quyết định trên được công bố vào ngày 4-1, sẽ giải phóng 1.500 tỉ nhân dân tệ (218 tỉ đô la) ở các ngân hàng Trung Quốc để phục vụ các hoạt động cho vay dành các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Song thực tế, các ngân hàng chỉ được bơm khoảng phân nửa trong số 218 tỉ đô la này vì họ phải dành phân nửa nguồn quỹ để hoàn trả các khoản cho vay đến hạn thanh toán trong quí 1-2019.
Đây là lần hạ RRR thứ 5 của Trung Quốc kể từ đầu năm 2018. Lần hạ này đến sớm hơn dự đoán của cộng đồng tài chính cho thấy đã có sự lo lắng về đà suy giảm tăng trưởng kinh tế. Động thái của PBoC diễn ra một tháng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán của Trung Quốc khi người dân chi tiêu mua sắm nhiều hơn.
Cũng trong ngày 4-1, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chỉ thị ba trong số các ngân hàng nhà nước lớn nhất phải phân bổ 30% nguồn vốn cho vay mới dành cho các doanh nghiệp nhỏ với mức lãi suất thấp. Ông xem đây là động thái hỗ trợ quan trọng để giúp ổn định tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.
Nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng chậm lại vào đầu năm nay một phần là do chính phủ nước này phát động chiến dịch giảm nợ và hạn chế các hoạt động cho vay rủi ro. Đà giảm tốc tăng trưởng càng nghiêm trọng hơn khi Washington phát động cuộc chiến tranh thương mại với Bắc Kinh.
Mark Williams, nhà kinh tế ở tổ chức tư vấn Capital Economics (Anh), cho rằng các quan chức Trung Quốc cảm thấy cần khẩn cấp hỗ trợ nền kinh tế vì các dữ liệu kinh tế mới công bố gần đây đều yếu đi rõ rệt, bao gồm doanh số ô tô, doanh thu bán lẻ, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đều suy giảm.
Trong thư gửi cho khách hàng hôm 4-1, Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng châu Á ở Công ty Nghiên cứu kinh tế Oxford Economics (Anh), nhận định tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2018 sẽ giảm về mức 6,6% và tiếp tục lao về mức 6,1% trong năm nay, do vậy Bắc Kinh sẽ dựa vào chính sách nới lỏng tiền tệ để hãm tốc độ suy giảm tăng trưởng.
Nỗ lực vực dậy các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, đang cung cấp hơn 80% việc làm ở Trung Quốc, trở thành một nhiệm vụ ưu tiên sau nhiều năm Bắc Kinh dành các chính sách ưu ái chủ yếu cho các doanh nghiệp nhà nước.
Trong những tháng gần đây, nước này đã tung ra nhiều biện pháp giúp các doanh nghiệp nhỏ phát hành trái phiếu, được ngân hàng cho vay vốn và được giảm thuế.
Chỉ là “liều thuốc trợ tim” tạm thời?
Giới phân tích cho rằng nỗ lực thúc đẩy các khoản vay dành cho các doanh nghiệp nhỏ có thể mang lại hiệu quả trong ngắn hạn nhưng có nguy cơ làm nợ xấu gia tăng. “Nỗ lực như vậy không bền vững. Nó chỉ có thể được sử dụng như “liều thuốc trợ tim” tạm thời cho khu vực kinh tế tư nhân nhưng rốt cục có thể gây ra thêm nhiều vấn đề cho nền kinh tế nếu được áp dụng trong dài hạn”, Chen Shujin, nhà phân tích lĩnh vực ngân hàng ở Công ty Đầu tư và dịch vụ tài chính Huatai Financial Holdings (Hong Kong), nhận định.
Theo một giám đốc của chi nhánh Ngân hàng China Citic Bank ở tỉnh Chiết Giang, vào tháng trước ngân hàng này nhận được chỉ thị của chính phủ yêu cầu đẩy mạnh giải ngân các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ ở mức lãi suất thấp đến mức không thể có lợi nhuận.
Vị giám đốc này nói: “Một số khoản vay này chắc chắn sẽ dẫn đến thua lỗ vì mức lãi suất thấp như vậy. Nhưng vì đó là mệnh lệnh hành chính, chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác”. Được biết China Citic Bank là ngân hàng lớn thứ bảy ở Trung Quốc.
Yu Yongding, nhà kinh tế ở Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng cắt giảm RRR có thể giúp giải quyết các khó khăn tài chính của các doanh nghiệp và hãm đà suy giảm tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ông cho rằng để giải quyết các vấn đề của nền kinh tế, Trung Quốc cần phối hợp giảm RRR với nhiều chính sách khác. Ông cũng cảnh báo sẽ rất rủi ro nếu dòng tiền cho vay mới chảy vào các lĩnh vực như bất động sản và chứng khoán.
Một số nhà phân tích cho rằng động thái hạ RRR của PBoC là dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ chủ động ngăn chặn bất kỳ nguy cơ suy giảm tăng trưởng tồi tệ nào. Geoffrey Yu, Giám đốc đầu tư của Ngân hàng USB (Thụy Sĩ) tại Anh, nói: “Hành động nhanh chóng của PBoC củng cố quan điểm của chúng tôi cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ không giảm tốc mạnh trong năm nay và những nỗi lo sợ về đà tăng trưởng toàn cầu suy giảm đã đi quá xa”.
Giới phân tích dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ trong thời gian tới. Robin Xing, nhà kinh tế trưởng ở Ngân hàng Morgan Stanley, nhận định Trung Quốc sẽ hạ RRR thêm 300 điểm cơ bản nữa (3%) trong năm nay. Ông dự báo tăng trưởng GDP của nước này có thể chạm đáy trong quí 1-2019.
Theo KTSG