(GVNET) – Ngày 9/12, Trung Quốc công bố quyết định điều chỉnh chính sách tiền tệ, chuyển từ lập trường “thận trọng” kéo dài suốt 14 năm sang “nới lỏng một cách phù hợp”. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh nhiều thách thức từ trong và ngoài nước.
Theo Tân Hoa Xã, Bộ Chính trị Trung Quốc đã định hướng chính sách tiền tệ năm 2025 tập trung vào việc thúc đẩy tiêu dùng, tăng nhu cầu nội địa và áp dụng các biện pháp tài khóa chủ động hơn. Động thái này đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2010, Trung Quốc thay đổi lập trường chính sách tiền tệ, vốn được duy trì “thận trọng” từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hiện có 5 lập trường chính sách: từ “nới lỏng” đến “thắt chặt”. Trong giai đoạn khủng hoảng 2008, PBOC đã áp dụng chính sách “nới lỏng phù hợp” để hỗ trợ nền kinh tế, trước khi chuyển sang lập trường “thận trọng” vào năm 2010.
Thời gian qua, kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu ổn định nhờ hàng loạt chính sách kích thích mạnh mẽ, đặc biệt là các đợt cắt giảm lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) tại các ngân hàng.
Các chuyên gia nhận định, chính sách “nới lỏng một cách phù hợp” báo hiệu một kế hoạch kích thích tài chính quy mô lớn, cùng khả năng cắt giảm lãi suất mạnh mẽ trong năm 2025. Điều này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng và tăng cường tính cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc trên thị trường quốc tế.
Quyết định này còn được xem là động thái chuẩn bị trước khả năng chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ áp thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc. Bên cạnh đó, nguy cơ giảm phát và áp lực từ nhu cầu xuất khẩu giảm sút cũng là những yếu tố khiến Bắc Kinh phải hành động.
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lam Phật An cho biết, các biện pháp kích thích đã được chuẩn bị, nhưng chưa tiết lộ chi tiết. Ông cũng nhấn mạnh rằng trọng tâm năm 2025 là tăng cường nhu cầu nội địa, ổn định thu nhập hộ gia đình, duy trì việc làm và thúc đẩy các ngành sản xuất chất lượng cao.
Chính phủ Trung Quốc được cho là sẽ duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế ổn định trong năm tới, đồng thời tăng cường các chính sách tài khóa để đối phó với những rủi ro từ thuế quan của Mỹ và tình trạng giảm phát.
Sự thay đổi chính sách lần này cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực cân bằng giữa việc phát triển kinh tế bền vững và đối phó với những thách thức trước mắt, đồng thời khẳng định quyết tâm tăng trưởng dựa trên nội lực và cải cách sâu rộng.
Tổng hợp