21 C
Hanoi
29/03/2024
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

Trung Quốc công bố gói giải cứu quy mô ‘khủng’ để vực dậy thị trường bất động sản

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) và Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) hôm 11/11 đã cùng đưa ra thông báo cho các tổ chức tài chính để chuẩn bị các kế hoạch nhằm đảm bảo “sự phát triển ổn định và lành mạnh” của lĩnh vực bất động sản.

Hôm thứ Sáu (11/11) cơ quan giám sát tài chính Trung Quốc đã đưa ra một kế hoạch 16 điểm nhằm tiếp sức cho thị trường bất động sản, với các biện pháp từ giải quyết tình trạng cạn kiệt thanh khoản của các công ty phát triển nhà cho tới nới quy định về tiền đặt cọc đối với người mua nhà – nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg. Kế hoạch được đưa ra đồng thời với một kế hoạch gồm 20 điểm của Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc nhằm giảm bớt ảnh hưởng kinh tế và xã hội của việc chống Covid-19.

Theo kế hoạch giải cứu này, các khoản nợ ngân hàng của các doanh nghiệp trong vòng 6 tháng tới có thể được gia hạn đến 1 năm, cùng lúc đó, việc trả lại các khoản tiền trái phiếu cũng có thể được kéo dài hoặc thực hiện điều chỉnh điều khoản thông qua đàm phán.

Cho tới nay, đây là động thái mạnh mẽ nhất từ phía các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản – yếu tố đang tác động tiêu cực nhất tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bên cạnh các chính sách Zero Covid. Trước đó, giới chức Trung Quốc cũng nới lỏng kiểm soát dịch bệnh, đồng thời đưa ra các biện pháp để giảm bớt tác động từ các biện pháp kiểm soát dịch Covid.

Nhìn chung, sự thay đổi chính sách gần đây của Trung Quốc có thể xoa dịu hai trong số những yếu tố tác động tiêu cực nhất tới triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc, đồng thời tiếp thêm “nhiên liệu” cho đà tăng gần đây trên thị trường chứng khoán. Trong 2 tuần qua, cổ phiếu Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kông đã tăng 17%.

Giá nhà mới xây tại Trung Quốc đã liên tục giảm trong hai năm qua. Nguồn: Bloomberg

Những tháng gần đây, Trung Quốc đã nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản bằng một loạt biện pháp gồm cắt giảm lãi suất, yêu cầu các ngân hàng lớn tăng cường cho vay thêm 1.000 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 140 tỷ USD, trong những tháng cuối năm, và các ngân hàng chính sách cấp tín dụng đặc biệt để đảm bảo các dự án bất động sản có thể giao nhà đúng hạn.

Tuần trước đó, Trung Quốc cũng mở rộng một chương trình hỗ trợ tài chính cho các công ty tư nhân, bao gồm doanh nghiệp bất động sản, đưa quy mô của chương trình này lên mức khoảng 250 tỷ Nhân dân tệ. Động thái này nhằm giúp các công ty phát triển bất động sản bán được thêm trái phiếu và giảm bớt tình trạng kẹt thanh khoản.

Một trong những thay đổi chính sách lớn nhất trong những tuyên bố gần đây của Trung Quốc là cho phép nới lỏng “tạm thời” các hạn chế đối với việc ngân hàng cấp vốn cho doanh nghiệp bất động sản.

Trung Quốc bắt đầu áp đặt giới hạn cho vay bất động sản của các ngân hàng vào năm 2021, khi các nhà chức trách nước này tìm cách hạn chế rủi ro ‘bong bóng’ của thị trường bất động sản. Những ngân hàng không đáp ứng các hạn chế hiện tại sẽ được cho thêm thêm thời gian để đáp ứng các yêu cầu này.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý khuyến khích các ngân hàng đàm phán với người mua nhà về việc gia hạn trả nợ thế chấp và nhấn mạnh rằng điểm tín dụng của người mua sẽ được bảo vệ. Điều đó có thể làm giảm nguy cơ bất ổn xã hội đối với người mua nhà, những người đã tham gia vào một cuộc tẩy chay rộng rãi đối với các khoản thanh toán thế chấp kể từ tháng 7.

Thị trường nhà ở mới trị giá 2.400 tỷ USD của Trung Quốc hiện đang rất mong manh, các vụ vỡ nợ trên thị trường bất động sản đang có xu hướng gia tăng. Theo dữ liệu thống kê chính thức mới nhất, hồi tháng 9 năm nay giá nhà ở mới tại Trung Quốc ghi nhận mức sụt giảm lớn nhất trong gần 8 năm qua. Theo ước tính của Citigroup, tỷ lệ nợ xấu liên quan tới bất động sản tại các ngân hàng thương mại Trung Quốc hiện đã tăng 30%.

Các dấu hiệu nới lỏng hạn kiểm soát đối với lĩnh vực bất động sản và đại dịch Covid đã dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường tài sản Trung Quốc. Giá cổ phiếu của các công ty bất động sản đã tăng kỷ lục 18% hôm thứ Sáu, thậm chí có công ty như Country Garden Holdings Co. tăng tới 35%.

Tuy vậy, sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Trung Quốc được cho là “không thấm vào đâu” so với khối nợ khổng lồ sắp đáo hạn của các công ty địa ốc. Ngành bất động sản nước này có ít nhất 292 tỷ USD nợ trong nước và ngoài nước đáo hạn trong thời gian từ nay đến cuối năm 2023. Trong đó có 53,7 tỷ USD đáo hạn trong năm nay, tiếp đến là 72,3 tỷ USD  đáo hạn trong quý I năm tới.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....