Trung Quốc đã bắt đầu tìm cách kiềm chế đà tăng của đồng NDT trước tác động đối với hoạt động xuất khẩu – một trong những động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế.
Ngày 14/6, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) cho biết sẽ nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của các ngân hàng có chi nhánh ở nước này từ 5% lên 7% từ ngày 15/6. Đây là sự gia tăng đầu tiên kể từ năm 2007.
Theo các chuyên gia, động thái trên cho thấy PBoC đã không còn giữ tâm lý chờ đợi nữa và đây cũng là dấu hiệu chứng tỏ Bắc Kinh đã nhận thấy những bất lợi từ sự mạnh lên của đồng NDT.
PBoC cho biết các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ của Trung Quốc đạt khoảng 1.000 tỷ USD vào cuối tháng 4 và như vậy có nghĩa là các ngân hàng sẽ cần trích lập thêm 20 tỷ USD. Động thái này sẽ rút bớt thanh khoản khỏi thị trường, qua đó thúc đẩy lợi suất và khiến các nhà đầu tư giảm nhu cầu bán ngoại tệ để mua đồng NDT.
Quyết định điều chỉnh chính sách của PBoC được công bố sau khi đồng NDT chạm mức cao nhất trong ba năm khi giao dịch trong khoảng 6,35 NDT/USD.
Đồng nội tệ của Trung Quốc đã tăng 13% sau khi rơi xuống mức thấp trong tháng 5/2020, khi kinh tế Trung Quốc phục hồi tương đối nhanh chóng sau đại dịch COVID-19.
Đà tăng của đồng NDT đã đè nặng lên nhu cầu xuất khẩu, một động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Dù vậy, PBoC đã khá kiên quyết trong việc “ngồi yên” bất chấp tình trạng này. Chỉ một tuần trước khi ra quyết định thay đổi chính sách, ngày 23/5, Phó Thống đốc PBoC Liu Guoqiang cho biết ngân hàng sẽ giữ tỷ giá hối đoái ổn định ở mức hợp lý và cân bằng.
Sự thay đổi cách tiếp cận của PBoC trong tuần này được thúc đẩy bởi những dấu hiệu cho thấy đồng NDT mạnh hơn đang bắt đầu ảnh hưởng đến xuất khẩu. Số liệu thống kê cho thấy trong tháng 5 cho thấy chỉ số về các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm xuống dưới mốc 50 (ngưỡng phân định tăng trưởng và suy giảm).
Xuất khẩu là một thành tố quan trọng của chiến lược “lưu thông kép” trong kế hoạch 5 năm mới nhất của Trung Quốc, nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước đồng thời duy trì hoạt động kinh tế ở nước ngoài.
Câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu động thái của PBoC có thực sự kìm hãm đà tăng giá của đồng NDT hay không, song câu trả lời vẫn chưa rõ ràng.
Trong khi đó, chuyên gia Takamoto Suzuki tại chi nhánh Trung Quốc của tập đoàn kinh doanh, đầu tư Marubeni (Nhật Bản) cho rằng áp lực tăng giá đối với đồng NDT sẽ không suy yếu trừ khi Mỹ bắt đầu rút lại các chương trình nới lỏng định lượng và chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Trung Quốc thu hẹp.
Theo Vietnambiz