“Bản thân sự biến động vốn đã rất đáng sợ. Và cảm thấy sợ hãi đồng nghĩa bạn sẽ không minh mẫn, bạn nghĩ về chuyện đó quá nhiều, dẫn đến đưa ra những quyết định không tốt”.
Nỗi lo dịch bệnh đang lây lan ra nhiều nơi trên thế giới đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ phiên hôm qua (24/2). Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất hơn 1.000 điểm, đánh dấu ngày giảm điểm tồi tệ nhất kể từ 2018.
Trước cú lao dốc đột ngột, phản ứng của hầu hết các nhà đầu tư là kiểm tra lại tài khoản đầu tư của mình. Tuy nhiên, theo Dan Ariely, giáo sư ngành kinh tế học hành vi tại ĐH Duke và là chuyên gia kinh tế học hành vi của ứng dụng tài chính cá nhân Qapital, đó là điều bạn hoàn toàn không nên làm.
“Bản thân sự biến động vốn đã rất đáng sợ. Và cảm thấy sợ hãi đồng nghĩa bạn sẽ không minh mẫn, bạn nghĩ về chuyện đó quá nhiều, dẫn đến đưa ra những quyết định không tốt”, ông nói.
Năm 2008, khi thị trường chìm trong sự hoảng loạn, Ariely cũng kiểm tra tài khoản thường xuyên hơn so với bình thường, bởi tình hình thay đổi chóng vánh chỉ trong mỗi nửa giờ đồng hồ. Tuy nhiên, vào 1 buổi sáng thứ 6, trước khi đi nghỉ cuối tuần cùng với vợ, ông nhận ra đó hoàn toàn là một việc làm vô nghĩa, tốn thời gian và còn khiến ông chìm trong những cảm xúc tồi tệ.
“Tôi không định mua vào cũng chẳng định bán ra, chỉ đơn giản là bị ám ảnh với việc kiểm tra tài khoản. Và tôi bất chợt nhận ra mình rơi vào trạng thái mất kiểm soát”, ông nói.
Cuối cùng Ariely đã quyết định nhập sai mật khẩu 3 lần để tài khoản bị khóa lại. “Tôi không thể kiểm tra được nữa và cuối tuần đó trở nên thoải mái hơn rất nhiều”.
Theo Ariely, nếu chỉ chăm chăm nhìn vào các đồ thị giá lên xuống, bạn sẽ cảm thấy khổ sở hơn, thậm chí là đưa ra những hành động thiếu lý trí, ví dụ như tháo chạy khỏi mọi loại tài sản từ cổ phiếu đến trái phiếu. Nhưng nhìn vào lịch sử thì đó chính là những sai lầm lớn nhất mà chúng ta có thể mắc phải. Thường xuyên kiểm tra các con số cũng khiến bạn gặp nhiều khó khăn hơn trong việc diễn giải các xu hướng chính xác.
Hầu hết mọi người nên trì hoãn trước khi đưa ra bất kỳ động thái nào khi mà thị trường đang chao đảo. Tất nhiên cũng có những lúc bạn cần phải hành động, nhưng chìa khóa ở đây là hãy xác định rõ ràng mục tiêu mà bạn muốn hướng đến khi đưa ra quyết định, theo Ariely.
Theo Tri thức trẻ