Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.
OPEC cùng đồng minh, tức OPEC+, bắt đầu nới lỏng thỏa thuận hạn chế sản lượng từ tháng 8 dần phủ bóng lên thị trường năng lượng, khiến giá dầu thô chỉ tăng được 1 USD/thùng trong tháng 7. Cụ thể, chốt phiên 31/7, Giá dầu Brent tương lai tăng 0,9% lên 43,31 USD/thùng, giá dầu WTI tương lai tăng 0,9% lên 40,27 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai trong phiên cuối cùng của tháng 6 là 39,27 USD/thùng.
OPEC+ bắt đầu giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày, mạnh tay chưa từng có, từ tháng 5 và dự định nới lỏng còn giảm 7,5 triệu thùng/ngày từ tháng 8, trong bối cảnh kinh tế Mỹ ghi nhận quý giảm kỷ lục với GDP quý II mất gần 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Khi OPEC+ quyết định nâng sản lượng hồi đầu tháng 7, họ cho rằng thị trường cần thêm nguồn cung”, Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, Chicago, bang Illinois, nói. “Giờ đây, với bất ổn liên quan làn sóng Covid-19 thứ hai, số liệu việc làm hàng tuần kém, GDP Mỹ giảm kỷ lục, tăng sản lượng dầu dường như không phải ý hay”.
Thị trường ngày 31/7 còn đón nhận tin sốc khi cả Exxon Mobil và Chevron, hai nhà sản xuất dầu lớn nhất Mỹ, đều ghi nhận lỗ kỷ lục trong quý II. Đầu tuần trước, ConocoPhilips, một gã khổng lồ trong ngành dầu đá phiến, thông báo lỗ 1 tỷ USD trong cùng giai đoạn.
Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 29/7 cảnh báo tốc độ phục hồi của kinh tế Mỹ từ khi tái mở cửa trong tháng 5 đã chững lại. Một số việc làm biến mất do Covid-19 có thể không bao giờ trở lại. Những nhà hàng, cơ sở giải trí công cộng cũng không có đủ việc làm để tuyển dụng nhân sự về quy mô trước đại dịch.
“Những người lo thị trường giá xuống… nghĩ rằng lực cầu không phục hồi mạnh mẽ như dự kiến”, theo Scott Shelton, nhà môi giới năng lượng tương lai tại ICAP, Durham, bang North Carolina.
“Họ đang theo dõi thị trường cận biên và thị trường thực tế. Họ theo dõi xu hướng mua dầu của Trung Quốc, giá dầu và nhận thấy tồn kho không giảm như những gì các ngân hàng, công ty tư vấn nhận định. Họ thảo luận về Covid-19 không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới và lo ngại về một đợt phong tỏa quy mô lớn tiếp theo. Họ sợ nguồn cung tăng còn lực cầu thì không”.
Tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 24/7 giảm 10,6 triệu thùng xuống còn 526 triệu thùng, theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2019. Nhập khẩu dầu thô ròng của Mỹ giảm 1 triệu thùng/ngày xuống còn 1,9 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, các công ty năng lượng Mỹ tuần trước giữ nguyên số giàn khoan dầu và khí đốt ở mức thấp kỷ lục là 251, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Cụ thể, số giàn khoan dầu giảm 1 xuống 180, giàn khoan khí tăng 1 lên 69 và giàn khoan hỗn hợp vẫn là 2.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 4/8
- Viện dầu mỏ Mỹ ước tính số liệu tồn kho hàng tuần.
Ngày 5/8
- EIA cập nhật số liệu tồn kho dầu thô, xăng, sản phẩm tinh chế hàng tuần.
Ngày 7/8
- Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan dầu Mỹ hoạt động.
Kim loại quý
Giá vàng giao ngay tuần trước tiến sát mốc 2.000 USD/ounce hơn và trong khi giá vàng giao tháng 12 lập đỉnh 2.005,4 USD/ounce. Câu hỏi đặt ra là giá vàng có thể tiến xa thế nào.
Lập luận của những người theo quan điểm giá lên là với việc quốc hội Mỹ bắt đầu thảo luận về gói kích thích 1.000 tỷ USD tiếp theo, trong bối cảnh đã hỗ trợ nền kinh tế hơn 3.000 tỷ USD, nhà đầu tư “không cần phải nghĩ” từ bỏ USD do nguy cơ siêu lạm phát và chuyển sang tài sản an toàn là vàng.
Một số ý kiến cho rằng giá vàng đang ở đỉnh và một đợt điều chỉnh lên tới 200 USD/ounce sẽ sớm xuất hiện.
David Lin của Kitco News là một trong số đó. Trong bài viết ngày 31/7, Lin nhắc lại việc giá vàng lập đỉnh trên 1.900 USD/ounce hồi tháng 9/2011 sau đó giảm, bắt đầu xu hướng giá xuống dài hạn kéo dài đến tháng 12/2015. Nhưng Lin cũng dẫn lại lời Dan Oliver, nhà sáng lập Myrmikan Capital, rằng giá vàng “có thể lên 10.000 USD/ounce” và không nêu rõ thời điểm dự đoán.
“Cơn sốt vàng tiếp tục và sau khi vượt mốc 2.000 USD/ounce, nhà đầu tư sẽ đặt câu hỏi khi nào xảy ra đợt điều chỉnh kéo tụt giá xuống”, Ed Moya, nhà phân tích tại nền tảng giao dịch trực tuyến OANDA, New York, nói.
“Nhu cầu mua vàng làm tài sản an toàn vẫn mạnh do quốc hội và Nhà Trắng vẫn bất đồng về gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo”.
Ngoài vàng, bạc và đồng cũng hưởng lợi. Giá bạc tăng 34% trong tháng 7, chạm đỉnh 7 năm 26,26 USD/ounce, còn giá đồng tăng hơn 11%, tiến sát đỉnh 3 năm 3 USD/pound.
Theo NDH