28 C
Hanoi
22/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Phân tích Phân tích - Chiến lược Tin mới nhất

Triển vọng giá dầu, vàng tuần 28/6 – 2/7

Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.

Kết thúc phiên 25/6, giá dầu Brent tương lai tăng 62 cent, tương đương 0,8%, lên 76,18 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 75 cent, tương đương 1%, lên 74,05 USD/thùng.

Chốt tuần, giá dầu Brent và WTI lần lượt tăng 3,6% và 3%, tuần tăng thứ 5 liên tiếp. Kể từ đầu năm, giá dầu Brent tăng 47%, WTI tăng 52%.

“Giá dầu tăng nhờ triển vọng lực cầu cải thiện và dự báo thị trường vẫn thắt chặt với OPEC+ khả năng cao chỉ tăng sản lượng một chút trong cuộc họp tháng 7”, Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, nói.

Thị trường đang chờ kết quả cuộc họp của OPEC và đồng minh, tức OPEC+, vào ngày 1/7.

“OPEC+ có nhiều dư địa để tăng cung mà không ảnh hưởng đến tồn kho nhờ triển vọng màu hồng của lực cầu”, theo Stephen Brennock của PVM.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng kêu gọi OPEC+ bắt đầu tăng sản lượng.

Bộ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi Abdulaziz bin Salman ngày 24/6 khiến nhiều người bất ngờ khi cho rằng giá dầu có thể đã tăng quá nhiều, quá nhanh.

“Chúng tôi có vai trò trong kiểm soát lạm phát, bằng cách đảm bảo thị trường năng lượng không vượt tầm kiểm soát”, ông nói. Hiện không rõ lo ngại trên có giúp OPEC+ quyết định tăng sản lượng 500.000 thùng/ngày trong tháng 8 hay không.

Goldman Sachs ước tính thị trường đang thiếu hụt khoảng 3 triệu thùng/ngày và dự báo giá dầu Brent lên 80 USD/thùng. Bank of America đưa ra con số 100 USD/thùng.

Một yếu tố ảnh hưởng thị trường năng lượng là đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc, trong đó có Mỹ, bắt đầu từ tháng 4. Nếu thành công, Iran có thể được Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với ngành dầu và vận tải biển nước này, đổi lại Tehran cần từ bỏ chương trình hạt nhân.

Số liệu ngày 25/6 cho thấy tồn kho dầu thô của Trung Quốc đang thấp nhất kể từ tháng 2, đồng nghĩa nước này có thể tăng nhập khẩu để tích trữ thêm.

Tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 18/6 giảm 7,6 triệu thùng xuống 459,1 triệu thùng, theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), vượt xa dự báo giảm 3,9 triệu thùng từ giới phân tích. Tồn kho tại Cushing, Oklahoma, cửa ngõ giao dầu WTI, giảm 1,8 triệu thùng xuống thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Lực cầu xăng cũng tăng.

Tổng số giàn khoan dầu và khí tại Mỹ trong tuần trước không đổi, giữ ở 470, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Cụ thể, số giàn khoan dầu giảm 1 xuống 372, số giàn khoan khí tăng 1 lên 98 còn số giàn khoan dự phòng vẫn là 0.

Ảnh: Reuters.

Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.

Ngày 29/6

  • Viện dầu mỏ Mỹ dự báo về tồn kho dầu thô hàng tuần.

Ngày 30/6

  • EIA cập nhật số liệu hàng tuần về tồn kho dầu thô, xăng và sản phẩm tinh chế.

Ngày 1/7

  • OPEC+ họp bàn chính sách sản lượng.

Ngày 2/7

  • Baker Hughes cập nhật số liệu về giàn khoan dầu Mỹ.

Kim loại quý

Giá vàng ngày 25/6 tăng sau khi số liệu cho thấy chỉ số chi tiêu dùng cá nhân giúp xoa dịu lo ngại Fed sớm thắt chặt chính sách tiền tệ. Giá vàng giao ngay tại sàn New York tăng 7 USD lên 1.781,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giữ ở 1.782,8 USD/ounce.

Đây là tuần tăng đầu tiên của giá vàng trong 4 tuần qua, sau khi kim loại quý này bất ngờ để mất mốc 1.900 USD/ounce.

“Giá vàng tiếp tục phục hồi, cần vượt lên trên 1.795,6 USD/ounce”, theo giám đốc chiến lược thị trường Phillip Streible của Blue Line Futures. “Đợt bán tháo đã kết thúc, tạo ra cơ hội tốt cho nhiều người”.

Khả năng cao giá vàng sẽ kẹt quanh 1.790 USD/ounce nếu thị trường không có thông tin gì có thể tác động mạnh, giám đốc chiến lược toàn cầu Bart Melek của TD Securities nhận định. Việc Fed tăng lãi suất vào năm 2023 mới chỉ là dự báo và khó thành hiện thực. Điều khả dĩ hơn là Fed còn hỗ trợ nền kinh tế một thời gian nữa.

Ngưỡng kháng cự của giá vàng lần lượt là 1.818 USD/ounce rồi 1.833 USD/ounce, ngưỡng hỗ trợ là 1.775 USD/ounce.

Theo NDH

Tin liên quan

Đang tải....