Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.
Binh pháp gia Trung Quốc Tôn Tử từng nói yếu tố quan trong nhất trong chiến tranh là “sự bất ngờ”. Đó cũng chính là điều Trung Quốc mang đến cho Mỹ hồi cuối tuần trước, khi tuyên bố áp thuế đáp trả 5 – 10% lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ, bao gồm cả dầu thô – mặt hàng không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại trong suốt hơn một năm qua.
Tổng thống Donald Trump lập tức phản ứng, yêu cầu các công ty Mỹ tìm địa điểm thay thế Trung Quốc, bao gồm chuyển sản xuất về quê nhà.
Trong khi đó, tại hội nghị chính sách kinh tế thường niên, tổ chức ngày 22 – 24/8 ở bang Wyoming, chủ tịch Fed Jerome Powell không đưa ra nhiều gợi ý về lộ trình chính sách tiền tệ sắp tới, khiến ông chủ Nhà Trắng một lần nữa sử dụng Twitter để công kích người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ.
Kinh tế Mỹ đang ở “vị thế thuận lợi” và Fed sẽ “hành động phù hợp” để giữ đà tăng trưởng, ông Powell nói.
Giá dầu Brent và WTI đều lao dốc trong phiên 23/8. Chốt tuần trước, giá dầu Brent giảm 1,2%, giá dầu WTI giảm 2,7%.
“Giá dầu đã bước vào giai đoạn biến động, mắc kẹt trong thế giới đầy sự bất ổn”, theo Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, bang Illinois.
Trong khi đó, tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 16/8 giảm 2,7 triệu thùng, nhiều hơn con số ước tính 1,9 triệu thùng từ giới phân tích. Tuy nhiên, tồn kho xăng tăng 312.000 thùng trong khi tồn kho sản phẩm tinh chế tăng 2,6 triệu thùng.
“Nhu cầu xăng và sản phẩm tinh chế dự báo vẫn không có cải thiện trước cuối năm”, theo Jim Ritterbusch, chủ tịch Ritterbusch & Associates.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước giảm 16 giàn khoan, nhiều nhất 4 tháng, xuống còn 754, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2018.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 27/8
- Viện dầu mỏ Mỹ ra báo cáo hàng tuần về tồn kho dầu.
Ngày 28/8
- Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ cập nhật số liệu tồn kho dầu.
Ngày 30/8
- Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan dầu Mỹ đang hoạt động.
Kim loại quý
Trái ngược với những biến động trên thị trường năng lượng và chứng khoán, giá vàng giao ngay và tương lai đều diễn biến tích cực. Kim loại quý này hiện trở thành tài sản an toàn cho những nhà đầu tư muốn tránh rủi ro từ chiến tranh thương mại, hơn là đề phòng lãi suất giảm.
Giá vàng giao ngay và tương lai đều tăng 2% trong phiên 23/8, có khả năng lập đỉnh 6 năm mới trên 1.550 USD/ounce.
Tổng thống Trump, mong muốn Fed hạ lãi suất 1%, đã đặt một câu hỏi trên Twitter cá nhân hôm 23/8. “Ai là địch thủ lớn hơn của Mỹ: chủ tịch Fed hay chủ tịch Trung Quốc?”.
Giá vàng gần đây thường dao động quanh mốc 1.500 USD/ounce.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá vàng trong tuần.
Ngày 26/8
- Viện Ifo Đức ra báo cáo về môi trường kinh doanh.
- Mỹ công bố số đơn đặt hàng dài hạn.
- Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard phát biểu.
- Hội nghị thượng đỉnh G7 tiếp tục họp.
Ngày 27/8
- Mỹ công bố chỉ số giá nhà ở S&P/Case-Shiller, chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ.
Ngày 29/8
- Mỹ cập nhật số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, ước tính GDP quý II.
Ngày 30/8
- Eurozone ra số liệu lạm phán giá tiêu dùng (CPI) ước tính.
- Mỹ công bố mức thu nhập/chi tiêu mỗi cá nhân.
Theo NDH