30 C
Hanoi
25/04/2024
Image default
Phân tích Phân tích - Chiến lược Phân tích Vàng Tin mới nhất

Triển vọng giá dầu, vàng tuần 25 – 29/1

Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.

Tuần đầu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mang lại cảm xúc trái chiều cho thị trường hàng hóa.

Chốt phiên 22/1, giá dầu Brent tương lai giảm 69 cent xuống 55,41 USD/thùng, chốt tuần tăng 0,6%. Giá dầu WTI tương lai giảm 86 cent xuống 52,27 USD/thùng, phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 18/12, chốt tuần giảm 0,2%.

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 15/1 tăng 4,35 triệu thùng, tuần tăng đầu tiên kể từ tuần kết thúc ngày 7/12, trái với dự báo giảm 1,17 triệu thùng từ giới phân tích. Một nguyên nhân là xuất khẩu dầu thô của Mỹ giảm gần 750.000 thùng/ngày. Để tránh tồn kho tăng mạnh, Mỹ giảm nhập khẩu, chỉ còn 194.000 thùng/ngày.

Tồn kho xăng tại Mỹ giảm hơn 250.000 thùng, trái với dự báo tăng 2,8 triệu thùng. Hai tuần trước đó, tồn kho xăng tăng tổng cộng 9 triệu thùng.

Tồn kho sản phẩm tinh chế tăng chưa đến 500.000 thùng, thấp hơn dự báo tăng 1,2 triệu thùng.

Triển vọng lực cầu thế giới cũng đang có chiều hướng xấu. Từ giữa tháng 1, Trung Quốc hạn chế đi lại đối với khoảng 28 triệu người dân sau khi nước này ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 kể từ tháng 5/2020.

Tại Iran, giới chức nước này đang tăng cường sản lượng trong bối cảnh những chính sách thắt chặt do chính quyền Donald Trump triển khai đang dần đến hồi kết. Iran từng bơm hơn 3 triệu thùng/ngày và có thể sớm lấy lại đà xuất khẩu dầu mỏ.

Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước triển khai thêm 5 giàn khoan, nâng tổng số giàn khoan đang hoạt động lên 378. Cụ thể, số giàn khoan dầu tăng 2 lên 289, giàn khoan khí tăng 3 lên 88 còn giàn khoan dự phòng giữ nguyên 1.

Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.

Ngày 26/1

  • Viện dầu mỏ Mỹ (API) ước tính số liệu tồn kho hàng tuần.

Ngày 27/1

  • EIA cập nhật số liệu tồn kho dầu thô, xăng, sản phẩm tinh chế.

Ngày 29/1

  • Baker Hughes cập nhật số giàn khoan dầu tại Mỹ.

Kim loại quý

Giá vàng ngày 22/1 giảm hơn 1% trong bối cảnh kim loại quý này bị bán tháo vì USD tăng giá. Chốt phiên, giá vàng giao ngay tại sàn New York giảm 14,5 USD xuống 1.855,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giảm 0,5% xuống 1.856,2 USD/ounce.

Chốt tuần trước, giá vàng tương lai tăng 1,4% sau khi mất gần 3,5% trong hai tuần trước đó.

Chính quyền tân Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy các gói hỗ trợ, lên tới 1.900 tỷ USD, để giúp kinh tế Mỹ vượt qua ảnh hưởng từ Covid-19. Đây là điều đáng chú ý bởi thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ đã ở khoảng 4.500 tỷ USD sau khi chính quyền Trump tung gói hỗ trợ 3.000 tỷ USD trong năm 2020. Nợ công của Mỹ đang tiệm cận 28.000 tỷ USD, tỷ lệ tổng nợ trên GDP là 146%.

Trong khi đó, chính quyền Biden nhiều lần nói 1.900 tỷ USD chỉ là khởi đầu và khi ứng phó xong đại dịch, thâm hụt liên bang có thể lên đến 10.000 tỷ USD. Ngoài ra, Mỹ dường như đang ở giai đoạn khởi đầu của chu kỳ mở rộng tiền tệ, cung tiền M2 có thể tăng đều đặn, trở lại như thời khủng hoảng tài chính 2008 – 2009.

Lạm phát tại Mỹ gần như chắc chắn tăng và giá vàng có tương quan chặt chẽ với mở rộng tiền tệ.

“Tôi nghĩ vàng đang tích lũy năng lượng, sắp có diễn biến vững chắc trong ngắn hoặc trung hạn”, Eric Scoles, chiến lược gia thị trường tại Blueline Futures, Chicago, bang Illinois, nói nhưng không chắc chắn là theo hướng nào.

Ed Moya, nhà phân tích cấp cao tại OANDA, New York, có chung quan điểm.

“Đặt cược vào USD vẫn quá mức và đồng bạc xanh còn tăng giá trước khi đảo chiều. Vàng dường như tiếp tục củng cố, giữ nguyên triển vọng tích cực về dài hạn do bong bóng thâm hụt ngân sách và lạm phát”.

Theo NDH

Tin liên quan

Đang tải....