Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.
Thị trường năng lượng có một tuần biến động liên quan đến diễn biến cuộc họp giữa OPEC và đồng minh, tức OPEC+, về giảm sản lượng. Cụ thể giá dầu Brent tương lai ngày 9/4 tăng 3%, giá dầu WTI tương lai tăng 6,3%.
Trước đó, giá hai loại dầu đều tăng mạnh nhờ thông tin Nga và Arab Saudi có thể đạt thỏa thuận giảm sản lượng lên tới 20 triệu thùng/ngày tại cuộc họp của OPEC+ ngày 9/4. Tuy nhiên, OPEC+ chỉ nhất trí giảm 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và 6, 8 triệu thùng/ngày từ tháng 7 đến hết năm 2020 và 6 triệu thùng/ngày kể từ ngày 1/1/2021 cho đến hết tháng 4/2022.
Mức giảm trên được cho là lịch sử nhưng dường như vẫn chưa đủ để ứng phó đà giảm trong lực cầu, ước tính mất hơn 30% kể từ khi đại dịch virus corona bùng phát. Một số quốc gia châu Âu từng đề cập khả năng nới lỏng lệnh hạn chế đi lại nhưng vẫn sẽ đóng cửa biên giới, không cho phép di chuyển quốc tế cho đến khi có vắc xin phòng Covid-19.
Điều này đồng nghĩa nhu cầu năng lượng trong hai loại hình vận tải đường bộ và đường không khó tăng đáng kể trước mùa thu. Sau OPEC+, thị trường giờ đây đang trông chờ vào hành động của các nước sản xuất dầu lớn khác như Mỹ, Brazil , Mexico và Canada.
Tồn kho tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 3/4 tăng 15,2 triệu thùng, ngay cả khi sản lượng đã giảm 600.000 thùng/ngày xuống còn 12,4 triệu thùng/ngày, theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA).
Mỹ trong tuần trước đã vượt Italia, trở thành quốc gia có số ca nhiễm và tử vong vì virus corona cao nhất thế giới. Một số liệu đáng quan ngại nữa là tình trạng thất nghiệp gia tăng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 4/4 là 6,6 triệu đơn, giảm so với mức đỉnh lịch sử 6,8 triệu đơn trong tuần trước đó và 3,3 triệu đơn của tuần trước nữa.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần giảm 58 giàn khoan dầu, đưa tổng số giàn khoan hoạt động xuống 504, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 14/4
- Viện dầu mỏ Mỹ ước tính số liệu tồn kho hàng tuần.
- Trung Quốc công bố số liệu thương mại tháng 3.
Ngày 15/4
- EIA cập nhật số liệu tồn kho dầu thô hàng tuần.
Ngày 16/4
- OPEC ra báo cáo hàng tháng về thị trường năng lượng.
Ngày 17/4
- Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan dầu Mỹ hoạt động.
Kim loại quý
Giá vàng tăng gần 6% trong tuần trước và xu hướng này còn tiếp tục, theo các nhà phân tích. Họ cho rằng các bất ổn liên quan Covid-19 vẫn sẽ bao phủ thị trường, có lợi cho kim loại quý này.
“Số ca nhiễm virus corona tại nhiều nước còn rất lâu mới đạt đỉnh”, Kieran Clancy, kinh tế gia hàng hóa tại Capital Economics, nhận định.
Các ngân hàng như Citigroup và JPMorgan Chase ước tính kinh tế thế giới sẽ mất ít nhất 5.000 tỷ USD trong hai năm tới do ảnh hưởng từ Covid-19.
“Nhà đầu tư hoài nghi xu hướng đi lên gần đây của chứng khoán Mỹ. Mọi người có phần lạc quan về gói kích thích từ Fed”, theo Phillip Streible, giám đốc chiến lược thị trường tại Blue Line Futures. Streible dự báo giá vàng trung bình trong quý II, III và IV lần lượt là 1.750 USD/ounce, 1.850 USD/ounce và 2.000 USD/ounce.
Theo NDH