Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.
Kết thúc phiên 9/7, giá dầu Brent tương lai tăng 1,43 USD, tương đương 1,93%, lên 75,55 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 1,62 USD, tương đương 2,2%, lên 74,56 USD/thùng.
Chốt tuần, giá dầu Brent và WTI lần lượt giảm 0,8% và 0,6%.
Thị trường năng lượng trong tuần bị phủ bóng bởi cuộc họp chính sách sản lượng của OPEC và đồng minh, tức OPEC+, ngày 5/7 bị hủy và không có thỏa thuận nào được đưa ra. Cuộc họp ban đầu diễn ra ngày 1/7 nhưng do bất đồng giữa Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Arab Saudi nên phải tiếp tục lùi sang ngày 2/7.
OPEC+ ngày 2/7 bỏ phiếu về đề xuất bơm thêm 400.000 thùng/ngày ra thị trường mỗi tháng, từ tháng 8 đến hết năm, tương đương 2 triệu thùng/ngày, gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng từ tháng 4/2022 đến tháng 12/2022. UAE bác bỏ đề xuất trên. Cuộc họp phải dời sang ngày 5/7 nhưng cuối cùng cũng bị hủy.
OPEC+ nhất trí cắt giảm kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương 10% tổng sản lượng thế giới, hồi tháng 4/2020 để hỗ trợ giá dầu. Hạn chế này được nới lỏng dần và hiện còn giảm 5,8 triệu thùng/ngày.
Ban đầu, giá dầu tăng vì thông tin đàm phán thất bại nhưng bắt đầu giảm khi nhà giao dịch chú ý đến nguy cơ một số công ty dầu mỏ quốc gia sẽ “xả van”, xuất khẩu nhiều hơn ra thị trường. “Thị trường lo ngại UAE sẽ hành động và đơn phương bơm thêm cung, tiêp đó là những quốc gia khác trong OPEC”, Bob Yawger, giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho, nói.
Ed Moya, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường Mỹ tại OANDA, nhận định tuần giảm vừa rồi chỉ là “chớp đỏ thoáng qua” sau 6 tuần giá dầu tăng liên tiếp. Chớp đỏ này đủ nhỏ để thị trường phớt lờ.
Điều đáng ngại hơn là chưa rõ cuộc đối đầu UAE – Arab Saudi sẽ kết thúc thế nào.
“Các nhà giao dịch năng lượng không biết nên kỳ vọng nguồn cung thế nào trong tháng 8”, Moya nói. “Sản lượng có thể thiếu hụt trong những tuần tới nhưng tình trạng này đe dọa sự ổn định có được nhờ nỗ lực điều phối từ OPEC+”.
Mỹ cũng đã phải lên tiếng, sau khi chứng khiến giá dầu WTI tăng từ 40 USD/thùng, lần lượt vượt các mốc 50 USD/thùng, 60 USD/thùng và hiện giữ ở trên 70 USD/thùng.
“Chúng tôi không phải một bên trong đàm phán nhưng các quan chức chính quyền đã tương tác với các bên liên quan, kêu gọi một giải pháp nhượng bộ cho phép chính sách tăng sản lượng được thực hiện”, Nhà Trắng cho biết, bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng từ giá dầu tăng đến người tiêu dùng Mỹ.
Giá xăng bán lẻ tại Mỹ trong tuần trước lên đỉnh 7 năm, vượt 3 USD/gallon.
Adel Hamaizia, Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House, London, bình luận rằng kịch bản khả dĩ hơn là Arab Saudi và UAE sẽ tìm ra cách dàn xếp khác biệt.
Tồn kho tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 2/7 giảm 6,87 triệu thùng, tuần giảm thứ 7 liên tiếp, theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), vượt dự báo giảm 4 triệu thùng từ giới phân tích. Trung bình, tồn kho tại Mỹ giảm 5,8 triệu thùng/tuần kể từ tuần kết thúc ngày 17/5.
Tồn kho xăng tuần trước giảm 6,1 triệu thùng, vượt dự báo giảm 1,8 triệu thùng. Trong khi đó, tồn kho sản phẩm tinh chế tăng 1,6 triệu thùng, vượt dự báo tăng 150.000 thùng.
Các công ty năng lượng Mỹ tuần trước triển khai thêm 4 giàn khoan, nâng tổng số giàn khoan dầu và khí lên 479, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết. Cụ thể, số giàn khoan dầu tăng 2 lên 378, số giàn khoan khí tăng 2 lên 101 còn số giàn khoan dự phòng là 0.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 13/7
- Viện dầu mỏ Mỹ dự báo về tồn kho dầu thô hàng tuần.
Ngày 14/7
- EIA cập nhật số liệu hàng tuần về tồn kho dầu thô, xăng và sản phẩm tinh chế.
Ngày 16/7
- Baker Hughes cập nhật số liệu về giàn khoan dầu Mỹ.
Kim loại quý
Giá vàng ngày 9/7 tăng nhờ USD suy yếu và lo ngại liên quan biến chủng Delta gây Covid-19. Giá vàng giao ngay tại New York tăng 4,8 USD lên 1.807,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai tăng 0,6% lên 1.810,6 USD/ounce.
Giá vàng có tuần tăng thứ ba liên tiếp, trở về trên ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.800 USD/ounce, nhưng triển vọng năm nay vẫn khá u ám,
“Vàng ổn định trên ngưỡng 1.800 USD/ounce, có thể mở cánh cửa tăng hơn nữa trong tuần”, Moya nói. Tuy nhiên, hiện chưa rõ xu hướng lạm phát hiện tại ở Mỹ sẽ tác động thế nào đến vàng, vốn được coi là tài sản phòng hộ khi lạm phát tăng. “Nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ báo cáo lạm phát ngày 13/7 và mùa công bố lợi nhuận quý II”.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất 13 năm.
Bart Melek, giám đốc chiến lược toàn cầu tại TD Securities, cho rằng giá vàng có thể về 1.900 USD/ounce trong vài tháng tới nêu Fed giữ nguyên chính sách hỗ trợ thị trường.
Theo NDH