(GVNET) – Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9 cũng như cuối quý III, thị trường vàng nhẫn và vàng miếng đều neo ở mức cao khi giá vàng thế giới suy yếu nhưng vẫn giữ trên mốc 2600 USD. Nhà đầu tư đều có lãi nếu nắm giữ cả hai mặt hàng kim loại quý này.
Trước tiên, cùng so sánh mức biến động của giá vàng trong tháng 9 vừa qua.
Kết thúc tháng 9 cũng như quý III/2024, vàng miếng mua vào tại các doanh nghiệp lớn neo ở ngưỡng 81,5-81,7 triệu đồng/lượng, giá bán đồng mức 83,5 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua – bán khoảng 1,8-2 triệu đồng.
So với giá mở cửa ngày đầu tháng 9, chiều mua ghi nhận đà tăng khoảng 2,5-2,7 triệu đồng/lượng và chiều bán cùng mức tăng 2,5 triệu đồng/lượng.
Như vậy, nếu mua và nắm giữ vàng miếng trong tháng 9, nhà đầu tư sẽ có mức lợi nhuận khoảng 500-700.000 đồng cho mỗi lượng vàng tùy đơn vị.
Tại mảng vàng nhẫn, thị trường kết thúc tháng 9 và quý III với giá mua vào neo ở khoảng 81,5-82,54 triệu đồng/lượng và giá bán khoảng 83-83,4 triệu đồng/lượng tùy đơn vị, chênh lệch mua – bán có khoảng cách 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng.
So với giá mở cửa ngày 1/9, vàng nhẫn mua vào có đà tăng khoảng 4,3-5,3 triệu đồng/lượng và bán ra tăng khoảng 4,5-4,9 triệu đồng/lượng.
Với đà tăng mạnh, nhà đầu tư nắm giữ vàng nhẫn trong tháng 9 sẽ ghi nhận mức lãi khoảng 3-4 triệu đồng mỗi lượng tùy đơn vị.
Nhìn vào các con số thống kê, có thể thấy việc nắm giữ vàng nhẫn đang có lợi thế hơn hẳn so với nắm giữ vàng miếng.
Vàng thế giới kết thúc tháng 9 vơi mức giá 2627 USD/ounce, tăng hơn 100 USD (khoảng 5%) so với ngày đầu tháng. Giá sau quy đổi đạt ngưỡng 81 triệu đồng, tăng gần 4 triệu đồng trong cả tháng 9.
Thị trường vàng tăng bùng nổ trong quý III/2024
Tính trong quý III, thị trường vàng miếng ghi nhận đà tăng khoảng 6-6,5 triệu đồng mỗi lượng chiều mua và 6,5 triệu đồng/lượng chiều bán. Với chênh lệch mua – bán khoảng 1,5-2 triệu đồng, nắm giữ vàng miếng từ đầu quý tới nay sẽ có mức lợi nhuận khoảng 4,5-4,7 triệu đồng mỗi lượng.
Trong khi đó, thị trường vàng nhẫn đạt mức tăng khoảng 7,6-8,6 triệu đồng/lượng chiều mua và khoảng 7,5-7,7 triệu đồng/lượng trong quý III vừa qua. Nếu nắm giữ vàng nhẫn, nhà đầu tư sẽ đạt mức lãi từ 6-7 triệu đồng mỗi lượng sau 3 tháng mua vàng.
Như vậy, trong khoảng thời gian 3 tháng, người “ôm” vàng nhẫn vẫn đang thắng thế so với người nắm giữ vàng miếng.
Tại thị trường thế giới, giá vàng tăng hơn 300 USD mỗi ounce (khoảng 13%) trong quý III. Giá sau quy đổi chốt ngày cuối quý đạt 82 triệu đồng/lượng, tăng 7,4 triệu đồng/lượng so với mở cửa ngày đầu quý.
Chốt tháng 9 và quý III, chênh lệch giữa vàng miếng và giá vàng thế giới có khoảng cách 2,4 triệu đồng, giảm 1,3 triệu đồng so với cuối tháng 8 và giảm 900.000 đồng so với cuối quý II.
Cùng thời điểm, chênh lệch giữa vàng nhẫn và vàng thế giới cũng là 2,4 triệu đồng, giảm 1 triệu đồng so với ngày cuối tháng 8 và chỉ giảm 100.000 đồng so với cuối quý II.
Trong khi đó, chênh lệch giữa vàng miếng SJC và vàng nhẫn SJC cùng thời điểm trên có khoảng cách 500.000 đồng, giảm xấp xỉ 2 triệu đồng so với cuối tháng 8 và giảm xấp xỉ 1 triệu đồng so với cuối quý II.
Vàng thế giới ghi nhận quý tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2020
Mặc dù đã giảm khá sâu so với mức kỷ lục 2685 USD thiết lập hôm 26/9, giá vàng thế giới vẫn tăng 13% trong quý III/2024, đánh dấu quý tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2020, nhờ triển vọng lãi suất giảm trên toàn cầu, đặc biệt là sự xoay trục chính sách tiền tệ ở Mỹ và căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Vàng – loại tài sản không mang lãi suất – thường hưởng lợi trong môi trường lãi suất thấp, đồng thời đóng vai trò là nơi trú ẩn an toàn khi tình hình kinh tế và chính trị trở nên bất ổn, giúp bảo vệ giá trị tài sản của nhà đầu tư trước những biến động khó lường.
Dù xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương có chậm lại do giá vàng liên tiếp lập kỷ lục, việc các ngân hàng trung ương lớn xoay trục chính sách tiền tệ sang nới lỏng và căng thẳng địa chính trị nóng lên ở Trung Đông đã thúc đẩy giá vàng tăng trong quý vừa qua.
“Một số nhà đầu tư có thể chuyển vốn từ thị trường kim loại quý sang cổ phiếu, nhưng tôi không cho rằng điều này sẽ kéo dài. Xu hướng của vàng vẫn là tăng giá”, Phó chủ tịch Peter A. Grant của công ty Zaner Metals nhận định về triển vọng giá vàng.
Trong khi đó, nhà phân tích Suki Cooper của ngân hàng Standard Chartered cho rằng giá vàng “có thể tiếp tục tích lũy trong ngắn hạn”. “Ở giai đoạn này, chất xúc tác chính của giá vàng có vẻ là các yếu tố kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ. Bởi vậy, những thông tin gây bất ngờ về tiến độ cắt giảm lãi suất có thể tác động mạnh tới giá vàng”, bà Cooper nói.
Trở lại với thì trường vàng trong nước, trong bối cảnh giá vàng miếng đang bị quản lý chặt chẽ, thì vàng nhẫn đã trở thành tâm điểm đối với nhà đầu tư. Vẫn luôn có biến động sát theo diễn biến của giá vàng thế giới, vàng nhẫn liên tục thiết lập kỷ lục mới trong “sóng” tăng vừa qua của vàng thế giới.
Không những chịu ảnh hưởng từ đà tăng của vàng thế giới, vàng nhẫn trong nước còn “nóng” lên từng ngày khi nguồn cung khan hiếm. Vàng miếng bị kiểm soát chặt chẽ, người dân khó tiếp cận nên đã chuyển sang mua vàng nhẫn, khiến mặt hàng kim loại quý này đã tăng liên tục không ngừng trong nhiều phiên giao dịch dù có thời điểm giá vàng thế giới chững lại.
Theo chuyên gia tài chính, giá vàng trên thị trường thế giới luôn vận hành theo quy luật cung cầu và không ai có thể kiểm soát được diễn biến của thị trường này. Vì vậy, việc giá vàng thế giới tiếp tục tăng là điều khó tránh khỏi.
Tại Việt Nam, thị trường vàng chia làm hai phân khúc chính, là vàng miếng và vàng nhẫn. Vàng miếng đang được quản lý và bình ổn với nguồn cung hạn chế, trong khi vàng nhẫn vận hành hoàn toàn theo quy luật cung cầu. Điều này khiến vàng nhẫn tăng giá liên tục khi vàng thế giới lên.
Nếu việc kiểm soát giá vàng miếng tiếp diễn, thì vàng nhẫn có thể tiếp tục trở thành kênh đầu tư hấp dẫn trong năm nay và thậm chí sang cả năm 2025. Tuy nhiên, nếu thị trường vàng nhẫn trở nên quá nóng, việc điều chỉnh hoặc can thiệp là điều khó tránh khỏi, tương tự như trường hợp của vàng miếng.
Theo chuyên gia, việc xây dựng một cơ chế vận hành theo cung cầu cho cả vàng miếng và vàng nhẫn sẽ là giải pháp bền vững. Ngân hàng Nhà nước nên đóng vai trò hỗ trợ với các chính sách điều tiết, thay vì can thiệp trực tiếp vào giá, để tạo điều kiện cho thị trường vàng phát triển tự nhiên và minh bạch hơn.
Nói về biện pháp “ghìm cương” vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao và ổn định thị trường, trước đó, NHNN đã phối hợp cùng các bộ, ngành và địa phương thực hiện một loạt giải pháp. Một trong những biện pháp quan trọng là tổ chức đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp nhằm bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC, giúp bình ổn giá trên thị trường. Kết quả, chênh lệch giá vàng miếng SJC và giá thế giới đã thu hẹp, hiện dưới 5 triệu đồng/lượng.
NHNN cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp cần thiết theo quy định nhằm kiểm soát mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp, thực hiện theo chỉ đạo của các cấp thẩm quyền. Đồng thời, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng, tập trung vào các doanh nghiệp kinh doanh vàng, cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.
NHNN cũng cho biết sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thành việc thanh tra theo Quyết định số 324/QĐ-TTGSNH2 ngày 17-5-2024 đối với hai tổ chức tín dụng và bốn doanh nghiệp kinh doanh vàng. Cơ quan quản lý nhấn mạnh sẽ kiên quyết đấu tranh làm rõ, xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả vi phạm pháp luật hình sự nếu có.
Song song với việc kiểm soát giá vàng, NHNN sẽ tiến hành tổng kết và đề xuất sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về hoạt động kinh doanh vàng. Mục tiêu là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và chủ trương của Đảng, Chính phủ, đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt từ các quốc gia có môi trường kinh doanh và thể chế chính trị tương đồng.
Giavang.net