Đồng USD được trợ lực sau tin về bảng lương phi nông nghiệp cũng như quan điểm về đồng EUR.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng vàng giao tháng 12 rớt 34,20 USD (tương đương 1,7%) xuống $1944,70/oz.
Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Tư, hợp đồng vàng giao ngay mất 1,6% còn $1939,66/oz.
Theo MarketWatch, chỉ số đồng USD, chỉ số đo biến động của đồng USD so với một số loại tiền tệ lớn khác, tăng 0,5% lên 92,775 điểm.
Trưởng bộ phận phân tích thị trường tại ActivTrades, ông Carlo Alberto De Casa, nhấn mạnh: “Sự yếu đi của giá vàng khá tương xứng với sự phục hồi của đồng USD. Điều đó cho thấy diễn biến của giá vàng liên quan trực tiếp đến những gì xảy ra trên thị trường tiền tệ. Nói cách khác, xu thế của giá vàng vẫn tích cực, ngưỡng kháng cự tiếp theo của giá vàng sẽ là $1990/oz và $2005/oz, nếu vượt qua được 2 ngưỡng này, giá vàng sẽ tiếp tục tăng”.
Đồng thời, thị trường chứng khoán Mỹ cũng xác lập kỉ lục mới, khiến nhà đầu tư hứng thú với tài sản rủi ro hơn. Các đơn đặt hàng mới đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất đã tăng hơn dự kiến trong tháng 7, trong khi dữ liệu sản xuất hôm thứ Ba (1/9), cho thấy hoạt động đã tăng tốc lên mức cao nhất gần hai năm vào tháng 8, làm tăng sự lạc quan về sự phục hồi kinh tế trở lại. Theo đó, chỉ số Dow Jones tăng 454,84 điểm, tương đương 1,59%, lên 29.100,5 điểm. S&P 500 tăng 54,19 điểm, tương đương 1,54%, lên 3.580,84 điểm. Nasdaq tăng 116,78 điểm, tương đương 0,98%, lên 12.056,44 điểm. Hai chỉ số S&P và Nasdaq đều chốt phiên cao kỉ lục.
Tuy vậy, đà tăng của vàng trong dài hạn vẫn có cơ sở khá vững chắc. Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Kitco News, George Gero, giám đốc điều hành tại RBC Wealth Management cho biết: “Vàng vẫn sẽ được hỗ trợ do lo ngại về đại dịch COVID-19 và môi trường lãi suất thấp hơn dù người mua có xu hướng giảm mạnh”.
Giavang.net tổng hợp