Theo nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Computational Biology Chemistry, các nhà khoa học đã chứng minh được tính hiệu quả của một loại thuốc mới kháng virus trong việc ngăn chặn sự phát triển của SARS-CoV-2 thông qua mô phỏng trên máy tính.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Monash của Australia đã tiến hành mô phỏng khái quát thuốc alpha-ketoamide 13b trên một siêu máy tính, qua đó nhận thấy loại thuốc này có khả năng chặn đứng việc nhân bản virus SARS-CoV-2.
Nhà nghiên cứu cấp cao Tom Karagiannis cho biết alpha-ketoamide 13b đã “phong tỏa” chặt khu vực enzim chính của virus hoạt động và cơ chế này đóng vai trò phá hủy protein của virus bên trong các tế bào, từ đó cản trở việc nhân bản virus SARS-CoV-2.
Hoạt động mô phỏng trên máy tính cho thấy quá trình phong tỏa nói trên diễn ra ổn định trong nhiều lần mô phỏng kéo dài.
Alpha-ketoamide 13b là một hợp chất mới và được nhóm nghiên cứu của Giáo sư Rolf Hilgenfeld tại Đức phát triển dựa trên các hợp chất ketoamide sau đợt bùng phát dịch SARS hồi năm 2003.
Ông Tom Karagiannis cho biết các nhà khoa học Đức mới đây cũng đã chỉ ra cơ chế hoạt động của hoạt chất alpha-ketoamide trong việc nuôi cấy tế bào và bày tỏ hy vọng rằng hoạt chất này có thể đạt hiệu quả qua đường hô hấp.
Ông Karagiannis cho biết thêm ông và các cộng sự sẽ tiếp tục thẩm định các loại thuốc mới kháng virus SARS-CoV-2 có nhiều triển vọng.
Trước đó, các nhà khoa học đã chứng minh thuốc chống viêm dexamethasone giúp giảm khoảng 1/3 tỉ lệ tử vong ở những ca mắc COVID-19 thể nặng nhất. Đây là loại thuốc đầu tiên có thể cứu sống những bệnh nhân COVID-19 thể nặng và được các nhà khoa học đánh giá là thành tựu đột phá.
Nghiên cứu thử nghiệm thuốc dexamethasone với liều thấp trong điều trị bệnh COVID-19 do một nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Oxford dẫn đầu và được Chính phủ Anh tài trợ một phần. Sau khi kết quả trên được chính thức công bố, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết nước này sẽ sớm bắt đầu dùng thuốc dexamethasone để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Công bố bản đồ gene virus SARS-CoV-2 gây tái bùng phát dịch COVID-19 tại Bắc Kinh
Trong một diễn biến liên quan, mới đây, Trung Quốc đã chia sẻ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cộng đồng khoa học quốc tế bản đồ gene của chủng virus SARS-CoV-2 gây ra ổ dịch COVID-19 tại chợ Tân Phát Địa ở thủ đô Bắc Kinh.
Cộng đồng khoa học quốc tế cho rằng không nên vội vàng đưa ra kết luận về nguồn lây nhiễm mới ở Bắc Kinh. Giáo sư Ben Cowling thuộc trường Y tế Công cộng Đại học Hong Kong (Trung Quốc) nhấn mạnh do đến nay vẫn chưa xác định được ca nhiễm đầu tiên, có thể đã quá muộn để tìm ra nguyên nhân gây tái bùng phát ở Bắc Kinh. Trong khi đó, chuyên gia Francois Balloux thuộc trường College London cho rằng những dữ liệu mới công bố cho thấy virus đã âm thầm lây lan trong cộng đồng từ trước khi phát hiện các ổ dịch. Theo nhà khoa học này, các nhà nghiên cứu không thể chỉ dựa vào vị trí của chủng virus mới trên phả hệ để đưa ra kết luận chắc chắn về nguồn gốc địa lý của virus.
Trước đó, chuyên gia dịch tễ Ngô Tôn Hữu của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cho biết mặc dù chủng virus ở Bắc Kinh giống với loại virus lây lan ở châu Âu nhưng điều này không có nghĩa là virus đã trực tiếp xâm nhập vào Trung Quốc từ “Lục địa già”.
Theo BCP