Thống đốc NHTW Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho biết nền kinh tế Trung Quốc có khả năng phục hồi trong nửa cuối năm 2019, ông nói với CNBC trong một cuộc phóng vấn phát đi hôm thứ Hai, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò của các biện pháp kích thích tài khóa khổng lồ của Trung Quốc đối với sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế toàn cầu không được sáng sủa như vậy. Theo ông Haruhiko Kuroda, bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng trên toàn cầu là mối đe dọa lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế thế giới.
“Có một số hành động bảo hộ thương mai đang diễn ra trong quan hệ thương mại trên thế giới”, Kuroda nói. “Tôi nghĩ đó là rủi ro nghiêm trọng nhất liên quan đến nền kinh tế toàn cầu”.
Bình luận của Kuroda, được đưa ra khi Trung Quốc và Mỹ cố gắng đạt được một thỏa thuận thương mại nhằm chấm dứt một cuộc chiến thuế quan đang diễn ra.
Phía Trung Quốc đã đưa ra các đề xuất chưa từng có liên quan đến quy định chuyển giao công nghệ bắt buộc hiện đang áp dụng – một điểm nhấn mới của đàm phán song phương, theo Reuters đã đưa tin trước đó.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng cho biết hôm Chủ nhật rằng Mỹ sẵn sàng áp dụng các hình phạt nếu đối phương không tuân thủ thỏa thuận thương mại đã được thống nhất giữa hai bên.
Mnuchin cũng cho biết hôm thứ Hai, rằng hai bên vẫn còn rất nhiều việc phải làm trước họ. Tuy nhiên, có vẻ như một thỏa thuận đã được hình thành về cơ bản.
Nhưng, đến lúc này các nhà đầu tư vẫn tỏ ra lo lắng về khả năng cuộc chiến thương mại có thể tiếp tục kéo dài, theo đó nó sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận các công ty trong tương lai.
Quỹ tiền tệ quốc tế cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 xuống còn 3,3%, từ mức 3,5%, với thương mại nằm trong số các rủi ro được dẫn ra như một nguyên nhân chủ yếu của việc thay đổi mức dự báo.
“Trong kịch bản chính mà IMF dự báo sẽ xảy ra với kinh tế thế giới, tổ chức này cho rằng cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không trở nên tồi tệ hơn”, ông Haruhiko Kuroda nói. “Nếu xấu đi, nó có thể dẫn đến một triển vọng khác cho nền kinh tế toàn cầu”.
Cổ phiếu toàn cầu gần đây đã tăng trở lại, với chỉ số iShares MSCI ACWI ETF tăng hơn 15% từ đầu năm 2019.
Nhận được nhiều lợi ích từ tiến trình cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, đồng thời nhiều cổ phiếu cũng hưởng lợi từ sự xoay trục chính sách tiền tệ thắt chặt sang nới lỏng hơn của các NHTW lớn.
Ông Kuroda cho biết vẫn còn dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ của các NHTW, nhưng ông cũng thêm rằng chính sách nới lỏng là không cần thiết để áp dụng ngay tại thời điểm này.
Theo Thời báo Ngân hàng