(GVNET) – Trong bài phát biểu ngày 18/2 tại Sydney, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller cho biết các dữ liệu kinh tế gần đây ủng hộ việc giữ nguyên lãi suất hiện tại. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng nếu lạm phát tiếp tục giảm như trong năm 2024, Fed có thể xem xét cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Ông Waller lưu ý rằng, mặc dù lạm phát có dấu hiệu chững lại vào mùa đông, nhưng cần thận trọng để xác định liệu xu hướng này có bền vững hay không. “Nếu xu hướng chững lại của lạm phát vào mùa đông này chỉ là tạm thời, giống như năm ngoái, thì Fed có thể tiếp tục nới lỏng chính sách hơn nữa”, ông phát biểu.
Ngân hàng Trung ương Mỹ đã hạ lãi suất 100 điểm cơ bản trong những tháng cuối năm 2024, đưa lãi suất cho vay ngắn hạn cơ bản xuống khoảng 4,25%-4,50%. Quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 1/2025 được xem là phù hợp khi dữ liệu mới cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,5% so với tháng trước, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2023.
Thống đốc Waller cũng bày tỏ sự hoài nghi về việc liệu các số liệu CPI đã được điều chỉnh phù hợp với các yếu tố mùa vụ hay chưa. “Dường như trong vài năm qua, các chỉ số lạm phát có xu hướng tăng cao hơn vào đầu năm. Xu hướng này đặt ra câu hỏi liệu các nhà thống kê đã điều chỉnh đầy đủ biến động theo mùa ở một số giá cả hay chưa”, ông nói.
Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia, Patrick Harker, cũng chia sẻ quan điểm tương tự, cho rằng các điều chỉnh theo mùa có thể chưa phản ánh kịp sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế. “Trong thập kỷ qua, CPI tháng 1 đã gây bất ngờ khi tăng 9 trên 10 lần. Tôi cho rằng các điều chỉnh theo mùa không thực sự theo kịp sự thay đổi quá nhanh của nền kinh tế và chúng ta cần phân tích các xu hướng cơ bản từ những biến động dữ liệu hàng tháng”, ông Harker nhận định.
Ông Waller nhấn mạnh rằng, mặc dù có những bất ổn từ các chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump, Fed không nên để những yếu tố này làm chậm phản ứng đối với dữ liệu kinh tế. “Chúng ta cần hành động dựa trên những dữ liệu sắp tới ngay cả khi phải đối mặt với sự không chắc chắn về môi trường kinh tế. Chờ đợi bất ổn tan biến sẽ khiến chính sách trở nên tê liệt”, ông cảnh báo.
Về tác động của các chính sách thuế quan mới, ông Waller cho rằng chúng có thể chỉ khiến giá cả tăng một cách khiêm tốn và không liên tục. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng tác động của thuế quan có thể lớn hơn dự kiến, nhưng các chính sách khác có thể giúp cải thiện nguồn cung và giảm bớt áp lực lạm phát.
Fed đang theo dõi sát sao các diễn biến kinh tế và lạm phát để đưa ra quyết định về chính sách lãi suất trong tương lai, với khả năng cắt giảm lãi suất nếu lạm phát tiếp tục giảm và các điều kiện kinh tế cho phép.
Tổng hợp