18.6 C
Hanoi
18/01/2025
GiaVang.Net
Image default
Kinh doanh vàng Tin mới nhất Vàng

Thói quen tiêu dùng thay đổi là cơ hội phát triển thị trường vàng trang sức

Việt Nam đang có đủ những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để phát triển thị trường vàng trang sức. Nhu cầu mua mặt hàng này không chỉ gia tăng ở các thành phố lớn mà còn tại các tỉnh, thành khác trên cả nước.

Đây là ý kiến được trao đổi tại Toạ đàm “Phát triển thị trường vàng trang sức Việt Nam” do Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) tổ chức sáng 15/11.

Nhiều cơ hội rộng mở

Phát biểu tại Toạ đàm, ông Đinh Nho Bảng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VGTA nhận định, Việt Nam hiện có rất nhiều tiềm năng để phát triển thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ. Cụ thể, nước ta đang ở thời kỳ dân số vàng, nhóm tuổi từ 15-64 chiếm 69% dân số với 51% dân số là nữ.

Tăng trưởng GDP luôn tích cực, năm 2022 theo dự báo của IMF là 7%; GDP bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 4.200 USD gấp hơn 4 lần năm 2007. Mặt khác, xu hướng tiêu dùng, dịch chuyển từ mục đích mua vàng tích trữ sang thời trang, làm đẹp. Nhu cầu mua trang sức đang trên đà tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt không chỉ ở các thành phố lớn mà tại các tỉnh, thành khác trên cả nước.

Tốc độ phát triển của thị trường vàng trang sức Việt Nam theo các chuyên gia kinh tế là khoảng 7-11%. Đây có thể nói là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức tại Việt Nam.

Tính đến hết quý II/2022 số doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ở Việt Nam là 5.935 doanh nghiệp.

Về nguồn lao động thợ kim hoàn, có khoảng hơn 20.000 lao động thợ kim hoàn có tay nghề cao tại các doanh nghiệp và các hộ sản xuất gia công. Đặc biệt, hiện nay, một số doanh nghiệp đã có hơn 2.000 lao động trực tiếp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Với những tiềm năng, thế mạnh nói trên, theo ông Đinh Nho Bảng, thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ Việt Nam được kỳ vọng sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước nếu có chính sách khuyến khích phát triển ngành này kịp thời và thoả đáng.

Cần lực đẩy từ chính sách

Tuy có nhiều cơ hội phát triển nhưng thực tế cho thấy thị trường vàng trang sức Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều khó khăn. Cụ thể, theo ông Đinh Nho Bảng, khó khăn đầu tiên đến từ việc các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất trang sức lớn có trình độ công nghệ cao, nguồn lực dồi dào còn ít.

Toàn cảnh Toạ đàm

Việc sản xuất của đa số doanh nghiệp còn manh mún, công nghệ thấp dẫn đến chất lượng chưa cao, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, không bắt kịp thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài sản phẩm của các doanh nghiệp lớn thì đa phần sản phẩm của các DNNVV chưa đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập trên thị trường.

Bên cạnh đó, còn là vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vàng nguyên liệu làm cho doanh nghiệp Việt Nam chậm chân trong việc phát triển ngành vàng nữ trang, từ đó mất đi cơ hội tạo công ăn việc làm, tạo ra sản phẩm với giá trị cao cho hàng chục đến trăm nghìn người lao động có tay nghề cao, làm cho đất nước mất đi nguồn ngoại tệ lớn và nguồn thu ngân sách rất tiềm năng trong lĩnh vực này.

Dưới góc nhìn pháp lý, về chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành vào thời điểm đó là phù hợp và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, sau 10 năm thị trường vàng Việt Nam đã cơ bản ổn định và một số đạo luật mới về đầu tư, kinh doanh đã được ban hành nên cần sự điều chỉnh cho phù hợp.

Thực tế, quy định nhập khẩu vàng nguyên liệu, cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu phụ thuộc vào yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. Đây là mục tiêu lớn xuyên suốt, đặc biệt trong thời gian qua, Fed liên tục tăng mạnh lãi suất cơ bản, đẩy USD tăng giá mạnh, gây áp lực lên tỷ giá trong nước. Việc tiết kiệm ngoại tệ trong bối cảnh diễn biến phức tạp như hiện nay là cần thiết mong các doanh nghiệp cùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, trước đây thuế xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ ở mức 0% thì vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng vàng dưới 95% được nhiều doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu vàng với số lượng lớn, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động, đồng thời góp phần tái tạo ngoại tệ và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, Chính phủ quy định chung một mức thuế suất xuất khẩu 1% đối với mặt hàng vàng, không phân biệt theo hàm lượng vàng. Từ khi áp dụng quy định này, các doanh nghiệp kinh doanh vàng không thể xuất khẩu được.

Việc đầu tư cho sản xuất và xuất khẩu cũng bế tắc, nguồn thu ngoại tệ không có và nguồn thu ngân sách thông qua thuế xuất khẩu và các nguồn thuế liên quan khác cũng bằng 0. Khi việc xuất khẩu chính ngạch của các doanh nghiệp bị bế tắc thì tình trạng xuất khẩu lậu qua biên giới diễn biến phức tạp.

Mặt khác, theo Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ 1/1/2021, có quy định kinh doanh vàng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo các chuyên gia, rõ ràng quy định này là không phù hợp, bởi kinh doanh vàng sẽ bao trùm tất cả các hoạt động sản xuất, gia công, kinh doanh mua bán, xuất nhập khẩu và các dịch vụ liên quan đến vàng miếng, vàng trang sức, vàng mỹ nghệ, vàng nguyên liệu đều là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Trong nhiều năm nay, quy định này đã và đang làm cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng găp rất nhiều khó khăn do tăng lượng giấy phép, tăng thủ tục hành chính, khiến chi phí doanh nghiệp tăng lên, lỡ cơ hội kinh doanh vì phải mất nhiều thời gian xin phép.

Thực tế, hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp là hoạt động sản xuất kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ và mua bán vàng miếng. Việc sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ là sản xuất kinh doanh hàng hoá tiêu dùng thông thường như tất cả các ngành nghề kinh doanh hàng tiêu dùng khác nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và cho xuất khẩu. Việc sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ hoàn toàn không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khoẻ cộng đồng.

Giải đáp các kiến nghị trên, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN cho biết, NHNN ghi nhận những khó khăn, vất vả của các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong thời gian qua, đặc biệt khi kinh tế toàn cầu suy giảm và cả những khó khăn của kinh tế trong nước.

Có thể thấy, trước đây, thị trường vàng Việt Nam được hình dung với những cơn sốt vàng, kinh doanh vàng miếng thì qua 10 năm nay, những thói quen tiêu dùng đã có chuyển biến tích cực, ảnh hưởng của giá vàng đã bớt ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, đây chính là tiền đề để phát triển thị trường này tốt hơn.

Hơn hết, yêu cầu hiện nay không cho phép duy trì các mô hình sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống mà xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp lớn, đầu tư công nghệ, máy móc, không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường vàng trong nước mà vươn ra cả thị trường thế giới.

Thời gian tới, NHNN mong muốn sẽ xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp lớn để thị trường vàng trang sức phát triển xứng với tiềm năng. Với vai trò là cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh vàng, NHNN khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện để thị trường này phát triển.

Đặc biệt, về điều kiện đối với hoạt động kinh doanh vàng có trong Luật Đầu tư, NHNN ủng hộ quan điểm đây là ngành nghề kinh doanh bình thường, không phải là ngành nghề hoạt động kinh doanh có điều kiện. Về giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ rõ ràng không còn cần thiết, trong quá trình sửa Nghị định 24, NHNN sẽ kiến nghị bỏ điều kiện này.

Về quy định nhập khẩu nguyên liệu phục vụ việc sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, đây là nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp, NHNN cam kết sẽ cùng các doanh nghiệp, hiệp hội tìm ra phương án vừa đảm bảo nhu cầu của doanh nghiệp, vừa đảm bảo các chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ, NHNN.

Theo Thời báo ngân hàng

Tin liên quan

Đang tải....