Dù giá vàng trong nước đang chứng kiến đà tăng phi mã của vàng nhẫn 9999, khi mặt hàng này liên tục xô đổ các kỷ lục. Tuy nhiên, dù giá vàng đang ở vùng cao nhất từ trước đến nay nhưng sức mua trên thị trường rất yếu.
Theo tổng hợp của Giavang.net, giá vàng nhẫn ngày 11/5 năm nay đã đạt mức 57,72 triệu đồng/lượng (giá bán ra của doanh nghiệp vàng), vượt mức kỷ lục của năm 2022 là 57,6 triệu đồng/lượng. Tiếp đó, mức kỷ lục mới mà vàng nhẫn đạt được là 58,23 triệu đồng/lượng trong ngày 20/9/2023 và chưa dừng lại, vàng nhẫn bước sang tháng 10 tiếp tục tạo lập mốc cao mới với mức giá 59,90 triệu đồng/lượng ngày 28/10. Gần đây nhất là ngày 17/11, giá vàng nhẫn đã đạt 60,38 triệu đồng/lượng – mức giá cao nhất mọi thời đại của vàng nhẫn đến thời điểm hiện tại.
Giá vàng liên tục xô đổ các kỷ lục nhưng mãi lực trên thị trường lại rất yếu
Chia sẻ tại hội thảo “Về chất lượng vàng trang sức tại Việt Nam” vừa được tổ chức ở TP HCM ngày 17/11, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP HCM (SJA), cho biết từ khi Nghị định số 24/2012 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng được ban hành, thị trường trong nước đã đi vào ổn định.
Từ hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ, vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng cho đến kinh doanh vàng trên tài khoản và hoạt động phái sinh về vàng đều được lập lại trật tự.
“Điều này đã tạo bước chuyển tích cực cho thị trường vàng bạc đá quý, góp phần tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ và bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp tuân thủ quy định sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng từ 8K – 33,3% đến 24K – 99,9%”, ông Dưng nói.
Tuy vậy, Chủ tịch SJA cũng nêu một thực tế hiện nay, là sức mua, nhu cầu giao dịch trên thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ rất thấp, chỉ còn khoảng 30% so với trước đây. Doanh thu giảm mạnh đến 70% và các cơ sở sản xuất vàng trang sức nhỏ lẻ hầu như đã đóng cửa. Với những doanh nghiệp có cơ sở kinh doanh mua bán cũng duy trì nhân công với quy mô thu hẹp.
Ngay cả các công ty lớn, trước đây từng thu hút lực lượng lao động lên đến 200, 400, 600 thậm chí lên đến 1.000 người thợ kim hoàn nhưng vào thời điểm khảo sát, có 10 đơn vị biết số người lao động đã giảm tới 40-60%.
Các doanh nghiệp trong ngành vàng trang sức hiện nay đánh giá sức mua của người tiêu dùng đi xuống rõ rệt.
“Nhìn chung về mãi lực đối với thị trường vàng trang sức mỹ nghệ rất yếu, nhiều doanh nghiệp đang ngồi chơi không, sản lượng sản xuất vàng trang sức rất thấp và dự đoán sẽ còn giảm trong thời gian tới”, ông Dưng nói thêm.
Bên cạnh đó, Chủ tịch SJA cũng cho biết thời gian qua do tình hình khan hiếm vàng nguyên liệu nên các doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều rủi ro về nguồn gốc vàng. Do đó, các doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, không có sản phẩm để xuất khẩu, từ đó Nhà nước cũng bị mất đi nguồn thu ngoại tệ rất lớn từ ngành này.
Thực tế, ghi nhận của phóng viên, tại những tuyến phố vàng ở khu vực trung tâm TP.HCM như chợ Tân Định, đường Hai Bà Trưng, chợ Bến Thành, đường Lê Thánh Tôn… khách đến giao dịch mua bán vàng hàng ngày thưa thớt.
Một số doanh nghiệp có vài tiệm vàng ở chợ trên địa bàn thành phố cũng cho hay sức mua rất kém trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Riêng với giá vàng nhẫn, vàng trang sức thì giá cao kỷ lục cũng khiến những món vàng trang sức đắt hơn, khách hàng hạn chế đổi hoặc mua thêm.
“Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần cho phép doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ để đáp ứng chất lượng sản phẩm cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”, ông Dưng nhấn mạnh.
Giavang.net