Các thị trường tài chính toàn cầu “nhún vai” trước xung đột giữa Mỹ và Iran, bởi các thành viên thị trường không tin căng thẳng sẽ leo thang thành chiến tranh hay có tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu.
Chứng khoán bình tĩnh
Chứng khoán Mỹ đã có phiên tăng điểm mạnh trong tuần trước và giá dầu xuống dốc ngay cả khi Iran tấn công vào căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq đêm trước đó.
Thị trường chứng khoán thậm chí tiếp tục đà tăng, trong khi giá dầu tương lai WTI giảm xuống dưới 60 USD/thùng, sau khi Tổng thống Mỹ có tuyên bố làm dịu tình hình và cho biết ông không có ý muốn sử dụng quân đội.
“Các thành viên thị trường đã cư xử một cách lý trí hơn đối với sự kiện xung đột Mỹ – Iran so với nhiều sự kiện khác trong thời gian qua. Ða phần không có niềm tin rằng, lãnh đạo Iran sẽ làm điều gì nghiêm trọng khiến căng thẳng leo thang, hay tình hình tệ nhất là chiến tranh.
Thực tế, thị trường không lo ngại về vấn đề này”, Don Townswick, giám đốc chiến lược chứng khoán của Conning nhận định.
Theo đó, Don Townswick cho rằng, ông lo ngại nhiều hơn về kết quả lợi nhuận của doanh nghiệp trong quý IV/2019 sẽ tác động tới thị trường chứng khoán, bởi hiện tại không có mối đe doạ nào quá lớn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Dầu nhanh chóng xuống dốc
Giá dầu thô Brent tăng lên 71,75 USD/thùng ngay sau khi Iran tiến hành cuộc tấn công trả đũa, nhưng cũng nhanh chóng giảm trở lại 3,79% trong phiên sau đó.
Thực tế, diễn biến đi xuống của giá dầu một phần xuất phát từ số liệu mới nhất về dự trữ dầu của Mỹ.
Sản lượng dầu sản xuất của Mỹ đạt 12,9 triệu thùng/ngày trong tuần vừa qua, theo số liệu của cơ quan quản lý.
Các thành viên thị trường nhận thức được rằng, thị trường dầu mỏ chưa hề bị tổn hại, bởi sản lượng xuất khẩu dầu mỏ hiện tại của Iran hiện rất thấp (do đang chịu lệnh cấm vận từ Mỹ) và các con đường huyết mạch vận chuyển dầu qua Iran vẫn hoạt động bình thường.
“Khi nguồn cung không bị ảnh hưởng, thị trường dầu mỏ sẽ nhanh chóng phục hồi sau tâm lý lo ngại nhất thời xuất phát từ các rủi ro địa chính trị”, John Kilduff, đối tác tại Again Capital nhận định.
Chuyên gia này nhấn mạnh, ít có khả năng giá dầu đạt tới mức 100 USD/thùng, trong trường hợp xung đột gia tăng theo hướng xấu nhất, con số này cũng chỉ là 75 USD/thùng.
“Vấn đề quan trọng nhất quyết định tới giá dầu hiện này là cung – cầu trên thị trường. Ngay cả khi con đường vận chuyển dầu mỏ qua eo biển Hormiz bị gián đoạn, giá dầu cũng chỉ tăng tới mức đỉnh 75 USD/thùng”, Don Townswick nhận định.
Ðáng chú ý, trước đó, khi sự kiện các cơ sở hạ tầng của Ả Rập Xê út bị tấn công khiến 5% lượng cung dầu mỏ toàn cầu bị gián đoạn, mức cao nhất từng được ghi nhận đối với một nhà sản xuất dầu mỏ đơn lẻ, thì giá dầu cũng nhanh chóng khôi phục.
Với diễn biến mới đây, dễ nhận thấy giá dầu đang được điều chỉnh chặt chẽ hơn bởi yếu tố cung – cầu và không còn quá nhạy cảm trước các sự kiện địa chính trị như trước.
USD tăng giá thoáng qua
Jens Nordvig, CEO Exante Data cho biết, USD đã có chút “rùng mình” khi xung đột Mỹ – Iran xảy ra, nhưng đây chỉ là diễn biến thoáng qua.
Giá USD nhích nhẹ khi Iran tấn công trả đũa, nhưng đã quay về mức trước đó ngay trong đêm. Ðáng chú ý, chỉ số đo lường sức mạnh của “đồng bạc xanh” cao hơn trong phiên giao dịch ngày sau đó bởi đồng euro giảm giá trước áp lực từ thị trường trái phiếu châu Âu.
Tuy nhiên, USD đã có sự điều chỉnh trước nhân dân tệ và đồng tiền của các thị trường mới nổi khác.
Bên cạnh đó, tại thị trường trái phiếu, các chiến lược gia cho biết, nhà đầu tư bình tĩnh chờ đợi tình trạng căng thẳng hiện tại có gia tăng hay không.
Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng 24 điểm cơ bản, song nguyên nhân xuất phát từ việc nhà đầu tư đánh giá Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất trong ngắn hạn, chứ không đến từ xung đột Mỹ – Iran.
Theo ĐTCK