Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau các cuộc đàm phán trong tuần này sẽ quyết định về việc liệu họ có gặp để ký kết thỏa thuận hay không.
Khả năng có được một giải pháp cho cuộc đối đầu thương mại kéo dài nhiều tháng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đang dần trở nên lớn hơn.
Theo Bloomberg, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau các cuộc đàm phán trong tuần này sẽ quyết định về việc liệu họ có gặp để ký kết thỏa thuận hay không. Phát ngôn viên Nhà Trắng, bà Sarah Sanders, trong ngày thứ Năm cho biết phía Mỹ nhìn nhận rằng khả năng có cuộc họp trên có thể xảy ra.
Việc có thể đi đến được thỏa thuận tùy thuộc vào cả hai bên và sự nỗ lực của họ trong việc giải quyết những vấn đề hóc búa nhất. Trong thỏa thuận sẽ có thể bao gồm cơ chế thực thi nhằm giám sát thỏa thuận và sự cân nhắc về sự gỡ bỏ hoặc duy trì các biện pháp thuế quan.
Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á tại Bloomberg Economics, ông Chang Shu, nhận xét: “Thỏa thuận Trung Quốc – Mỹ sẽ có nhiều tác dụng tích cực với kinh tế toàn cầu trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu đang xấu đi còn Mỹ đang đe dọa sẽ đẩy cao căng thẳng thương mại với Liên minh châu Âu (EU). Một thỏa thuận sẽ giúp làm giảm căng thẳng trong ngắn hạn với kinh tế Trung Quốc cũng như giúp đẩy nhanh tốc độ cải tổ cấu trúc”.
Đối với nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới, họ sẽ quan tâm đến các quyết định liên quan đến chính sách tiền tệ được đưa ra tại nhiều nước trên thế giới, và nhìn chung, quan điểm chính sách theo hướng mềm mỏng.
Có thể kể đến một số sự kiện kinh tế quan trọng trong tuần tới:
Mỹ và Canada
Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ dự kiến được công bố trong ngày thứ Sáu. Chỉ số này sẽ có thể coi như phép thử với đánh giá của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) về áp lực lạm phát. Việc giá cả tiêu dùng phục hồi sẽ đẩy lạm phát tháng tăng trong ngưỡng 0,2% và đẩy tỷ lệ lạm phát năm lên mức 2,1%, theo tính toán của Bloomberg Economics.
Giá xăng tăng cao cũng đẩy chỉ số CPI tăng lên. Tại Canada, thống đốc Ngân hàng Trung ương, ông Stephen Poloz, dự kiến sẽ có bài phát biểu trong ngày thứ Hai.
Châu Á
Ngân hàng Trung ương Australia, New Zealand, Malaysia, Thái Lan và Philippines sẽ đều có những quyết định về chính sách tiền tệ khi mà ngày một xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy khu vực này đang hướng đến mục tiêu giảm lãi suất. Việc Philippines và Malaysia hạ lãi suất được dự báo sẽ sớm xảy ra, Australia và New Zealand dự kiến sẽ đưa ra quyết định tương tự.
Đối với nhiều nước mới nổi châu Á, định hướng chính sách trên có thể coi như bước ngoặt so với năm ngoái khi mà nhiều nước như Indonesia và Philippines thuộc nhóm nước nâng lãi suất cơ bản mạnh tay nhất khi mà Fed thắt chặt chính sách tiền tệ.
Việc Fed hãm nâng lãi suất đã tạo điều kiện để hạ lãi suất xuống sâu hơn, thế nhưng khi giá dầu tăng và việc Fed đang phản đối việc tiếp tục hạ lãi suất, khả năng hạ lãi suất của nhóm ngân hàng trung ương tại châu Á cũng giảm bớt. Tại Trung Quốc, số liệu về xuất nhập khẩu sẽ được công bố trong ngày thứ Tư, và như vậy có thêm nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang bình ổn.
Châu Âu, Trung Đông và châu Phi
Số liệu về sản xuất công nghiệp Trung Quốc cũng như số lượng đơn đặt hàng các nhà máy sẽ giúp quyết định việc liệu kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ diễn biến như thế nào sau khi số liệu công bố vào tuần trước cho thấy phần lớn nền kinh tế trong khu vực tăng trưởng vượt kỳ vọng của giới chuyên gia.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu và lạm phát sẽ được Ủy ban châu Âu (EC) công bố vào ngày thứ Ba. Cũng trong ngày thứ Ba, Ngân hàng Trung ương Nauy sẽ có thể phát đi tín hiệu nâng lãi suất. Tại Anh, số liệu GDP quý 1/2019 sẽ được công bố trong tuần này.
Theo Bizlive