20 C
Hanoi
22/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Mục khác Tin mới nhất

Thế giới: Tổng thống Putin ký đạo luật sáp nhập 4 vùng Ukraine; Nga cảnh báo nguy cơ ‘xung đột trực tiếp’ với Mỹ

Hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin, hôm 4/10 (giờ địa phương) Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký đạo luật chính thức sáp nhập 4 khu vực Ukraine mà Nga kiểm soát một phần trong chiến dịch quân sự vào Nga.

Trước đó, vào ngày 30/9, Tổng thống Putin và người đứng đầu 4 vùng Ukraine ly khai đã ký các hiệp ước này. Vào ngày 2/10, Tòa án Hiến pháp Nga đã xác minh các hiệp ước này là hợp pháp. Ngày 3/10, Hạ viện Nga (Duma Quốc gia) phê chuẩn các thỏa thuận đó. Ngày 4/10, Thượng viện Nga (Hội đồng Liên bang) cũng nhất trí thông qua các văn bản này.

“Ranh giới các chủ thể mới của Liên bang sau các hiệp ước sẽ được quyết định bởi những ranh giới tồn tại vào ngày hình thành và được chấp nhận sáp nhập vào Liên Bang Nga. Trước khi các cuộc bầu cử người đứng đầu những khu vực được sáp nhập diễn ra, thì các quan chức được Tổng thống Putin chỉ định sẽ điều hành công việc ở đó”, một phần bản hiệp ước viết.

Theo hiệp ước trên, những người sinh sống tại 4 tỉnh Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson chiếm 18% diện tích lãnh thổ được quốc tế công nhận của Ukraine, sẽ được coi là công dân Nga kể từ ngày 30/9 vừa qua. Những trường hợp muốn từ bỏ quốc tịch Nga sẽ có một tháng để nộp đơn tới các cơ quan có thẩm quyền, trong khi người muốn nhập tịch Nga cũng cần gửi đơn và tiến hành tuyên thệ trung thành với đất nước.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bác bỏ kế hoạch sáp nhập nói trên của Nga, nêu rõ bất kỳ quyết định nào về vấn đề này đều không có giá trị pháp lý và là động thái “leo thang nguy hiểm”. Trong khi đó, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn nguồn bộ ngoại giao nước này cho biết giới chức trong nước ủng hộ kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine vào Nga.

Ở một diễn biến khác, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh chính thức, loại bỏ khả năng đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky

Theo TASS, sắc lệnh – do Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine soạn thảo ngày 30/9 – “xác nhận việc không thể tổ chức các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin”.

Sắc lệnh này có nội dung tương tự phát biểu được Tổng thống Zelensky đưa ra tuần trước sau khi Tổng thống Putin ký hiệp ước sáp nhập 4 vùng lãnh thổ ly khai Ukraine vào Nga.

“Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Nga, nhưng là với một Tổng thống khác của Nga”, ông Zelensky cho biết ở thời điểm đó.

Không chỉ chặn khả năng đàm phán với Nga, ông Zelensky còn yêu cầu Chính phủ Ukraine tăng cường khả năng quốc phòng bằng cách đẩy mạnh hỗ trợ quân sự và kỹ thuật. Tổng thống cũng đề nghị Quốc hội Ukraine đẩy nhanh quá trình thông qua các dự thảo luật liên quan về việc áp dụng biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

Ngày 30/9, trong buổi lễ ký kết hiệp ước sáp nhập tại ĐIện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi Kiev chấm dứt ngay các hành động thù địch và quay trở lại bàn đàm phán.

Nga cảnh báo nguy cơ xung đột trực tiếp với Mỹ liên quan vấn đề Ukraine

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 4/10, Đại sứ Nga Konstantin Vorontsov, Trưởng phái đoàn Nga tại Ủy ban Giải trừ Quân bị Liên hợp quốc cho rằng việc Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí, thông tin tình báo, thậm chí cả máy bay chiến đấu cho Ukraine, đang đẩy Washington tiến gần đến “ranh giới nguy hiểm” của cuộc đối đầu trực tiếp với Moskva.

“Mỹ đang tăng cường chuyển giao vũ khí cho Ukraine, cung cấp thông tin tình báo cho quân đội nước này, tạo điều kiện cho các binh sĩ và cố vấn của họ tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine. Điều này không chỉ kéo dài xung đột, dẫn đến nhiều thương vong mới, mà còn có khả năng leo thang thành cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO”, ông Vorontsov nói trước Ủy ban thứ nhất – cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát vũ khí và các vấn đề an ninh của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov 

Cảnh báo của đại sứ Nga được đưa ra sau khi Lầu Năm Góc công bố gói viện trợ vũ khí mới trị giá 625 triệu USD cho Kiev. Theo Lầu Năm Góc, kể từ năm 2014 đến nay, Mỹ đã chi hơn 19,6 tỷ USD để “hỗ trợ an ninh” cho Ukraine. Tính từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (từ ngày 24/2 đến nay), Mỹ đã viện trợ 16,8 tỉ USD khác cho Ukraine. Mỹ cho biết nước này sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine mọi thứ cần thiết để giải quyết xung đột đang leo thang.

Đây là gói viện trợ đầu tiên của Mỹ kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập 4 khu vực Ukraine vào Nga, và là gói thứ hai sử dụng Quyền Rút vốn của Tổng thống ( PDA) từ khi Ukraine đạt được bước tiến lớn trên chiến trường vào giữa tháng 9.

Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh không nên gửi vũ khí, đạn dược và thiết bị quân sự cho Ukraine. Song bất chấp cảnh báo, Washington và NATO tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đến khi nào còn cần và theo nhu cầu của Ukraine, đồng thời nhấn mạnh điều đó không khiến họ trở thành một bên trong cuộc xung đột.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....