20 C
Hanoi
22/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

Thế giới đang ngập trong tiền

Tiền – Liều vaccine cho nền kinh tế trong đại dịch đang trở nên quá dư thừa.

Theo hãng tin CNN, thị trường thế giới đang chứng kiến những dấu hiệu rõ ràng của việc quá thừa tiền, hệ lụy từ chính sách bơm tiền hỗ trợ trong đại dịch Covid-19.

Trong thời gian qua, hàng loạt những vụ sáp nhập kỷ lục đã diễn ra, rồi nhiều vòng gọi vốn thành công của các startup và mới đây nhất là sự tăng giá của tiền số. Hãng tin Reuters cho biết giá Bitcoin đã có lúc đạt 55.499 USD/coin, mức cao nhất kể từ giữa tháng 5/2021.

Mặc dù yếu tố trực tiếp khiến đà tăng giá của Bitcoin được cho là thông báo của Quỹ quản lý Soros thuộc tỷ phú George Soros, xác nhận rằng họ đang giao dịch bằng đồng tiền số này. Thế nhưng, hãng tin CNN cho rằng chính việc thị trường quá thừa tiền mới là lý do vĩ mô khiến kênh đầu cơ này bùng nổ thời gian qua.

Tiền chỉ là giấy

Rõ ràng, việc quá thừa tiền từ hỗ trợ của chính phủ đã buộc các nhà quản lý phải tìm kiếm kênh đầu tư hay một phương án để sử dụng chúng.

Lấy ví dụ mảng sáp nhập (M&A), báo cáo của Refinitiv cho thấy tổng giá trị các thương vụ mua lại và sáp nhập trên thế giới trong năm 2021 đã đạt tới 4,4 nghìn tỷ USD.

“Chúng ta đang có con số kỷ lục đạt được trong vòng chưa đến 9 tháng. Đó là chưa kể 5 quý liên tiếp tổng giá trị thương vụ M&A đạt trên 1 nghìn tỷ USD”, giám đốc Matt Toole của Refinitiv phải thốt lên.

Tương tự, các doanh nghiệp cũng tranh thủ gọi vốn từ thị trường trong bối cảnh nhà đầu tư đang quá thừa tiền. Hãng tin CNN cho biết các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên thế giới trong năm nay đã thu về 301 tỷ USD, đó là chưa kể những đợt IPO với mục đích M&A. Con số này cao gấp đôi so với năm 2020 và là kết quả IPO trong 9 tháng đầu năm cao nhất lịch sử kể từ khi Refinitiv thu thập dữ liệu vào năm 1980.

Tại Châu Âu, số liệu của Preqin cho thấy các quỹ tư nhân (Private Equity) đã gọi vốn được 172 tỷ USD trong năm 2020, cao hơn 60% so với năm 2019. Trong 9 tháng đầu năm nay, những quỹ này đã gọi vốn được 120 tỷ USD, cao hơn lượng vốn gọi được cho cả năm 2019.

Các startup cũng không chịu kém cạnh. Số liệu của PichBook cho thấy tổng giá trị các startup giai đoạn đầu tại Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục trong quý II/2021.

“Sự tin tưởng của nhà đầu tư vào nền kinh tế và những dấu hiệu hồi phục trong nửa cuối năm 2021, đi kèm sự dư thừa tài chính trên thị trường đã khiến các startup thu được lượng vốn cao kỷ lục”, báo cáo của PitchBook ghi rõ.

Thế nhưng, ví dụ rõ ràng nhất mà ai cũng thấy phải kể đến tiền số khi thị trường Bitcoin liên tiếp phá nhiều kỷ lục trong năm qua.

“Nhà đầu tư đang quan tâm đến tiền số và nhu cầu này với các khách hàng quỹ của chúng tôi đã tăng lên mạnh mẽ vài năm trở lại đây”, CEO Gunjan Kedia của Bancorp nhận định.

Vào ngày 5/10 vừa qua, tổ chức US Bancorp của Mỹ đã quảng bá dịch vụ mới cho phép các quỹ đầu tư tích trữ tài chính bằng tiền số.

Ngừng bơm tiền trong năm nay?

Mặc dù vậy, hãng tin CNN đánh giá tình trạng này sẽ chẳng kéo dài được lâu khi lạm phát bắt đầu tăng cao và các ngân hàng trung ương bắt đầu rút lại những chính sách hỗ trợ, đồng thời nâng lãi suất để bình ổn thị trường.

Nhiều chuyên gia dự đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ ngừng việc bơm tiền ra thị trường trước cuối năm nay. Một phần nguyên nhân chính được cho là do các mặt hàng chủ chốt như giá năng lượng đã tăng mạnh, qua đó gây bất ổn cho tỷ lệ lạm phát cũng như nền kinh tế.

Hãng tin CNN cho biết giá một số mặt hàng như sợi cotton đã tăng lên mức cao nhất 10 năm qua trong phiên 5/10. Cụ thể giá cotton trên thị trường kỳ hạn đã tăng 4% lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2011. Nếu tính riêng trong 2 tuần qua, giá cotton đã tăng tới 22%.

Nguyên nhân chính cho đà tăng giá này là sản lượng của Mỹ, nước xuất khẩu cotton lớn nhất thế giới bị suy giảm do thay đổi khí hậu gây hạn hán. Việc tăng giá này sẽ khiến giá nhiều mặt hàng liên quan như quần áo đi lên theo.

Số liệu của chính phủ Mỹ cho thấy giá các mặt hàng may mặc tại nước này đã tăng hơn 4% trong 12 tháng qua và chúng sẽ còn đi lên nữa với tình hình mọi thứ đều tăng giá như hiện nay.

Rõ ràng, việc các mặt hàng tăng giá với sự biến động của lạm phát cũng như tình hình bất ổn trên thị trường lao động và nền kinh tế, chắc chắn các ngân hàng trung ương sẽ có biện pháp bình ổn. Đến khi đó, liệu thị trường tiền số và các kênh gọi vốn khác có bị ảnh hưởng hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.

*Nguồn: CNN, Bloomberg, Reuters

Theo Cafef

Tin liên quan

Đang tải....