9 năm đã trôi qua kể từ đợt sụp đổ gần nhất của giá vàng sau khi lập đỉnh tại 1920 USD/ ounce. Một lần nữa giá vàng trở lại con dốc hướng đến những đỉnh cao mới sau khi nhẹ nhàng vượt qua đỉnh cũ
Giá vàng đã chạm mốc 2075 USD/ounce (ngày 7 tháng 8), ghi nhận mức tăng tới gần 37% so với thời điểm đầu năm, 1 mức tăng trưởng vượt trội bất cứ chỉ số chứng khoán nào.
Bất chấp việc giá vàng đang giao dịch ở mức cao nhất mọi thời đại (hiện đã điều chỉnh về mức giá 1945 đóng cửa tuần), không mấy người mảy may lo ngại về một đợt sụt giảm như những gì đã diễn ra 9 năm trước, điều khiến ngay cả những cá nhân lão làng trong ngành cũng phải đau đầu. Sự hưng phấn có vẻ như thái quá của thị trường khiến 1 số người bắt đầu nghĩ đến sự xuất hiện của bong bóng giá khổng lổ.
John Reade, chiến lược gia trưởng về thị trường tại Hội đồng Vàng Thế giới và từng là một nhà giao dịch vàng cho biết: “Tôi đã hoạt động trên thị trường vàng 35 năm và tôi chưa thấy trường hợp nào như thế này cả”.
Phần lớn đà tăng của giá vàng bắt nguồn từ những nỗ lực vô tiền khoáng hậu của các ngân hàng trung ương nhằm bảo vệ nền kinh tế toàn cầu khỏi những tác động tồi tệ nhất của đại dịch covid-19. Lãi suất tại các nền kinh tế lớn, vốn đã bắt đầu tăng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hiện đã quay trở lại mức quanh 0. Điều đó cộng với các chương trình mua trái phiếu với quy mô khủng khiếp của các ngân hàng trung ương, đã đè bẹp mức lợi suất trái phiếu, điều khá tiêu cực với các nhà đầu tư theo chiến lược mua và nắm giữ nợ chính phủ, đồng thời khiến tiềm năng tăng giá của trái phiếu là vô cùng ít ỏi.
Trong khi đó, mức lạm phát kỳ vọng, mặc dù hiện nay vẫn khá thấp theo tiêu chuẩn lịch sử, đang liên tục tăng cao. Điều đó khiến vàng, tài sản được đánh giá là tốt thứ 2 chỉ sau trái phiếu bởi đặc tính không đem các khoản tiền lãi định kỳ, được hưởng lợi mạnh mẽ. Chẳng có bất cứ ngưỡng chặn trên nào đối với giá vàng ngoại trừ mức giá những người mua tiếp theo sẵn sàng chỉ trả.
Các nhà phân tích tại UBS cho biết “vàng đang ngày càng trở thành một phần quan trọng trong danh mục đầu tư tại thời điểm lợi suất toàn cầu thấp như hiện nay”.
Thậm chí một số quỹ đầu cơ hàng đầu thế giới cũng đang chuyển sự chú ý sang vàng, dẫu có đôi chút miễn cưỡng. Trong một bức thư gửi tới các nhà đầu tư vào tháng 5, Paul Tudor Jones của Tudor Investment Corp cho biết một tỷ số đơn giản, với giá vàng chia cho tổng nguồn cung tiền toàn cầu cho thấy giá vàng có thể đạt tới 2,400 USD/ounce. Nếu nhu cầu đối với thứ kim loại quý này trở nên cực đoan như cách đây 4 thập kỷ, thời điểm trước khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Paul Volcker tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, giá vàng thậm chí có thể lên tới 6,700 USD, ông Tudor Jones viết.
“Vàng tiếp tục duy trì sức hút của 1 tài sản giúp phòng ngừa rủi ro tiền tệ, cũng như những rủi ro tiềm tàng trong tương lai, trong đó có thể kể đến sự leo thang căng thẳng, thậm chí là sự đổ vỡ trong quan hệ Mỹ-Trung, điều có thể dẫn đến những biện pháp trừng phạt cực đoan về mặt tài chính”, ông Tudor Jones cho hay.
Nếu xét về những động lực thúc đẩy giá vàng, chúng ta có thể loại trừ những nhu cầu đến từ vàng trang sức, khi nhu cầu tại các thị trường chủ chốt như Ấn Độ sụp đổ do đại dịch Covid-19. Thay vào đó, phần lớn sự hỗ trợ đến từ các quỹ giao dịch hoán đổi vàng (gold ETFs), mô phỏng biến động thực tế của giá vàng.
Một trong những quỹ ETF như vậy, SPDR Gold Shares, đã liên tục gia tăng lượng nắm giữ vàng vật chất trong năm nay với tốc độ chóng mặt nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Lượng nắm giữ vàng của quỹ này – được giữ trong hầm chứa của HSBC ở London – đã tăng lên hơn 1,200 tấn, con số thậm chí còn lớn hơn cả lượng dự trữ của ngân hàng trung ương Nhật Bản hay Ấn Độ.
Các nhà đầu cơ vàng cho rằng tỷ trọng nắm giữ loại kim loại quý này hiện vẫn ở mức thấp so với trong lịch sử. Bank of America cho biết các nhà đầu tư toàn cầu hiện chỉ giữ khoảng 3% tài sản dưới dạng vàng, bằng một nửa tỷ lệ phân bổ vào năm 1980. Ngoài ra, Jim Luke, nhà quản lý quỹ tại Schroders, cho biết quy mô của các ETF vàng chỉ chiếm khoảng 2.5% tổng quy mô các ETF toàn cầu, so với với 10% vào năm 2011.
Một số nhà phân tích lo ngại về sự lặp lại của lịch sử các đợt tăng mạnh trước đây của vàng vào cuối những năm 1970 và vào năm 2011 khi kéo theo sự sụt giảm 55% và 33% trong 5 năm sau đó. Ngoài ra, tình trạng lạm phát phi mã, thứ nhiều người đầu cơ vàng đang dự đoán xảy ra có thể sẽ không trở thành hiện thực. Có thể kể đến việc những nhà đầu tư lững lẫy như tỷ phú John Paulson thực tế cũng đã bị việt vị sau khi lạm phát chẳng hề gia tăng như kỳ vọng sau cuộc khủng hoàng tài chính 2008.
Campbell Harvey, giáo sư tài chính tại Đại học Duke, cho biết vàng khó lòng trở thành tài sản phòng hộ lạm phát đáng tin cậy trong ngắn hạn bởi sự biến động quá lớn của nó. Ông cảnh báo rằng việc đổ xô vào các quỹ ETF vàng có vẻ như là một “sự hồ hởi phi lý trí”, trích dẫn câu nói của Warren Buffett năm 2012 rằng những người mua vàng có thể là “những nhà đầu tư theo phong trào”, những người đang tự cố tạo ra những ảo ảnh cho riêng mình. (nhưng liệu Buffet có đang thay đổi quan điểm?)
Giáo sư Harvey cho rằng: “Đây chính là một tình huống kinh điển khi mọi người liên tục mua vào khi giá tăng”.
Trên một khía cạnh khác, sự gia tăng nhu cầu đối với vàng là điều tuyệt vời cho các công ty kinh doanh hầm chứa. IBV International Vaults đã xây dựng một cơ sở ở London gần khách sạn Dorchester với mức độ bảo mật cỡ căn cứ quân sự Fort Knox. Tại đây, các nhà đầu tư sẽ có thể yên tâm cất giữ tài sản phía sau lớp kính chống đạn được xây dựng để thoải mái chống lại sức mạnh của khẩu AK-47, đồng thời căn hầm còn được hỗ trợ bởi an ninh sinh trắc học và được giám sát bởi ba phòng điều khiển riêng biệt.
Việc xây dựng những hầm chứa mới, điều được lên kế hoạch vào đầu năm nay, đã bị trì hoãn bởi đại dịch. Tuy nhiên, lượng đơn đặt hàng đang liên tục tăng lên. Debra Thomson, trưởng bộ phận bán hàng của IBV Gold, cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến ngày càng nhiều người lo lắng về hệ thống ngân hàng và muốn nắm giữ tài sản của họ bên ngoài hệ thống ngân hàng thông thường.”
“Nếu bạn nhìn vào sự yếu kém của đồng đô la hoặc sự suy yếu của các đồng nội tệ, trong bối cảnh tồn tại một sản phẩm vật chất như vàng hoặc bạc, nhiều người sẽ có cảm giác yên tâm hơn khi có thể kiểm soát sự giàu có của mình bằng việc thật sự nắm giữ 1 thứ gì đó giá trị trong tay”.
Theo Dự báo tiền tệ