23 C
Hanoi
22/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Mục khác Tin mới nhất

Sri Lanka có tân tổng thống, người từng 6 lần làm thủ tướng

Theo kết quả bỏ phiếu trong Quốc hội vào ngày 20/7, ông Ranil Wickremesinghe đã chính thức trở thành Tổng thống tiếp theo của Sri Lanka, thay thế ông Gotabaya Rajapaksa.

Sau khi thủ lĩnh phe đối lập Sajith Premadasa rút lui, cuộc đua giành vị trí Tổng thống ở quốc gia Nam Á chỉ còn lại 3 ứng viên.

Ứng viên Wickremesinghe đã được 134 trên tổng số số 223 nghị sĩ ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu vào thứ Tư (20/7).

Đối thủ nặng ký của ông Wickremesinghe là cựu Bộ trưởng Giáo dục Dullas Alahapperuma, người được cả phe đối lập và một số thành viên của đảng Sri Lanka Podujana Peramuna (SLPP) cầm quyền ủng hộ. Ông Alahapperuma đã giành được 82 phiếu bầu.

Thông thường, tổng thống Sri Lanka sẽ do dân bầu. Tuy nhiên, nếu chức vụ này trống trước nhiệm kỳ chính thức của một tổng thống kết thúc thì trách nhiệm bầu tổng thống mới sẽ thuộc về quốc hội.

Tân Tổng thống Sri Lanka cho biết ông đã trải qua 45 năm công tác ở quốc hội và rất vui mừng vì điều đó đã mang lại cho ông vinh dự trở thành tổng thống. Ông cũng tuyên bố sẽ đối thoại với các bên và nỗ lực giải quyết khủng hoảng hiện tại.

Ông Wickremesinghe, 73 tuổi, là một chính trị gia lão luyện trong các vấn đề ngoại giao và quan hệ quốc tế. Ông đã 6 lần được bầu làm thủ tướng Sri Lanka. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại, ông Wickremesinghe là người dẫn đầu đoàn đàm phán của Sri Lanka đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp các gói viện trợ.

Ông Wickremesinghe được bổ nhiệm làm quyền tổng thống sau khi người tiền nhiệm là ông Gotabaya Rajapaksa rời khỏi đất nước trong bối cảnh người biểu tình xông vào phủ tổng thống yêu cầu ông Rajapaksa từ chức. Sau đó, ông Rajapaksa đã bay sang Singapore và gửi đơn xin từ chức cho quốc hội qua email khi đang ở nước này.

Khủng hoảng kinh tế đã khiến 22 triệu người Sri Lanka phải vật lộn với tình trạng thiếu các mặt hàng thiết yếu, bao gồm thuốc men, nhiên liệu và thực phẩm.

Người dân Sri Lanka đã xuống đường phản đối cách quản lý của chính quyền từ đầu tháng 4. Đỉnh điểm là vào đầu tháng 7, người dân đã xông vào phủ tổng thống để yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....